MS230 - Lá thư cuối - Khánh Ngọc

Thứ Ba, 21/11/2023

Cũng như tác phẩm “Thư tình” trước đó, tác phẩm “Lá thư cuối” của nhà văn kiêm đạo diễn Iwai Shunji mở đầu với cảnh đám tang của nhân vật chính, để từ đó lội ngược dòng về quá khứ để kể cho độc giả nghe về thời thanh xuân của các nhân vật. Trong tác phẩm này, mở đầu là cảnh đám tang của nhân vật Misaki – người đã chết do tự tử, do đó với hàng loạt các chuỗi hiểu lầm mà cô em gái Yuri của Misaki khi thay người chị quá cố đến dự họp đồng niên đã gặp lại mối tình đầu thời còn đi học là nhân vật nam chính Otosaka Kyoshiro. Qua nhiều sự việc phát sinh mà Yuri, sau đó đã trao đổi thư từ với Otosaka để kể về những rắc rối mình đã gặp phải sau buổi họp đồng niên đó. Điều ấn tượng nhất đối với mình là tác giả đã khai thác nhân vật Yuri rất thú vị khi viết thư từ và kể lể, than vãn một chiều với nhân vật Otosaka, đây là tình tiết rất giải trí đối với mình, và cũng khiến mình bị thu hút với tác phẩm này, cô than vãn đủ thứ về chồng, con, việc nhà, mọi thứ xung quanh của mình thông qua lá thư một chiều dưới danh nghĩa chị gái đã mất để gửi cho nhân vật Otosaka. Điểm thứ 2 mình thích ở tác phẩm là tác giả cũng đã khai thác tâm lý các nhân vật rất tốt, đặc biệt là những đứa trẻ - các con của nhân vật Misaki và nhân vật Yuri, hay chồng và mẹ chồng của nhân vật Yuri, mỗi người đều có câu chuyện riêng của mình, có những tâm sự và nỗi niềm riêng. Câu chuyện xen lẫn giữa quá khứ và hiện tại rồi mở ra tương lai cho các nhân vật là điều thường thấy thông qua hai tác phẩm của nhà văn Iwai Shunji, để mọi người hiểu và ngẫm nghĩ về nhân sinh quan cũng như giá trị của cuộc sống.
Cuối cùng, mặc dù không bằng tác phẩm “Thư tình” vì mình vẫn cảm thấy truyện hơi thiếu cảm xúc, nhưng đây vẫn là một tác phẩm đáng đọc, và đặc biệt là các tác phẩm của Iwai Shunji Nhã Nam dịch đặc biệt tốt ạ.

Viết bình luận