“Tình yêu là nhiên liệu không thể thiếu để ta duy trì sự sống. Có thể một ngày, tình yêu đó sẽ kết thúc. Hoặc không thể đơm hoa kết trái. Nhưng cho dù tình yêu có mất đi, không đạt được như ước nguyện thì ta vẫn có thể giữ gìn nguyên vẹn ký ức rằng bản thân đã từng yêu ai đó, từng phải lòng ai đó. Ký ức ấy sẽ trở thành nguồn nhiệt lượng quý báu đối với chúng ta. Nếu không có nguồn nhiệt lượng đó, trái tim con người, và cả trái tim của khỉ nữa, sẽ trở thành vùng đất hoang giá băng, cằn cỗi. Ở vùng đất đó không có ánh mặt trời nên loài hoa mang tên Yên Bình và loài cây mang tên Hy Vọng không thể sống được.”
NGÔI THỨ NHẤT SỐ ÍT mang đến một HARUKI MURAKAMI cá nhân hơn, đời thường và gần gũi hơn. Những truyện ngắn trong cuốn sách là tập hợp những lát cắt cuộc sống của tác giả nói riêng và có lẽ cũng là của rất nhiều những con người ở đô thị hiện đại nói chung. Bằng một giọng văn nhẹ nhàng, điềm tĩnh tựa như hơi thở cuộc sống, pha lẫn một chút ít yếu tố bí ẩn và kỳ ảo khiến người đọc chậm lại, chảy trôi trong dòng suy tư sâu thẳm với những bài học và triết lý sâu sắc. Sách của bác già luôn có gì đó mơ hồ tựa màn sương mờ đục che phủ đỉnh núi cao. Thậm chí ngay cả khi nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại nhiều lần cũng chưa chắc có thể hiểu hết ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm nhưng nó vẫn có một sức hút rất khó cưỡng lại. Từng câu chữ như thứ âm nhạc nhẹ nhàng, “âm thầm bước vào, hệt như cái bóng hoàng hôn nhập nhoạng lẻn vào khe rèm”. Những nhân vật hay sự kiện, thật hay ảo là những ẩn dụ để ta cảm hơn là để ta hiểu. Khi gấp cuốn sách lại có lẽ ai cũng như còn vương vấn, mặc kẹt lại ở đâu đó giữa thế gian xoay vần. Bất chợt đứng trước gương, thấy bản thân mình như sai trái ở đâu đó, như muốn làm thật nhiều điều nhưng lại không thể nghĩ ra nên làm gì. Có một khoảng lệch nhẹ của ý thức. Những ký ức trôi dạt bỗng chốc vượt qua cả một quãng đường vừa xa vừa dài để tìm về với ta tựa mơ mơ thực thực, cắm rễ sâu trong mảnh đất tâm hồn, khiến trái tim ta xáo động một cách lạ thường, hay như tác giả mô tả “tựa như cơn gió đêm cuối thu, cuộn bay lá cây rừng, thổi rạp cánh đồng cỏ lau, xô ầm ầm cánh cửa.”