MS137 - Điều kì diệu của tiệm tạp hóa Namiya - Cẩm Ly

Thứ Năm, 16/11/2023

“Bố tớ lúc nào cũng nói ‘Đừng tiếc tiền cho nghệ thuật’. Nghe nhạc mà không nghe bằng loa xịn thì nghe làm gì” – Waku Kousuke

ÂM NHẠC - Một khía cạnh rất thú vị nhưng ít khi được nhắc đến khi nói về Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya.

Là một người yêu âm nhạc và xem âm nhạc là nguồn cảm hứng bất tận, mình rất ấn tượng cách mà bác Keigo đưa âm nhạc vào câu chuyện của Waku Kousuke ở Chương 4 – Mặc niệm bằng nhạc Beatles.

Lúc Kousuke biết gia đình mình phá sản và sắp phải chạy trốn, cậu đã vô cùng bàng hoàng và tuyệt vọng, cậu liên tục đặt câu hỏi cho bố mẹ, cho ông Namiya, và cho chính mình. Cậu bám víu vào chỗ dựa duy nhất còn lại – âm nhạc của Beatles. Thế nhưng ban nhạc lại tan rã ngay đúng thời điểm đó, một cú sốc lớn đối với Kousuke “...cậu không tin. Nói đúng hơn là cậu không muốn tin”.

Buổi chiều cuối trước đêm cả nhà chạy trốn, Kosuke đến Tokyo để xem bộ phim tài liệu Let it be với mong chờ được biết lí do The Beatles tan rã. Nhưng khi bộ phim kết thúc, “Kousuke cảm giác như cậu bị phản bội”. Niềm tin vào chỗ dựa tinh thần duy nhất của cậu hoàn toàn bị phá vỡ. Kousuke cảm thấy The Beatles phản bội cậu như cái cách mà cuộc đời đã phản bội cậu, cướp đi tất cả những điều tốt đẹp.

Mình dõi theo và đồng cảm với Kousuke trong hành trình yêu thích nhạc Beatles của cậu. Nên khi Kousuke quyết định bán tất cả đĩa Beatles mà cậu có với giá mười nghìn yên, mình cũng phần nào hiểu được hành động đó, nhận thấy được niềm yêu thích của cậu đối với ban nhạc mang “hơi thở thời đại của thế kỷ 20” mãnh liệt đến nhường nào.

Đến cuối, khi Kousuke trở về thị trấn mình từng sống, cậu tình cờ nhìn thấy những chiếc đĩa mình đã bán khi xưa trong một quán bar. Âm nhạc beatles lại vang lên và kéo cả những câu chuyện, những kí ức xưa cũ quay về. Đến đây mình nghĩ thông điệp mà bác Keigo muốn truyền tải là sự “BẤT TỬ” của nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Chúng tồn tại mãi qua nhiều thế hệ. Dù những con người cũ ấy đã đi mất, thì âm nhạc vẫn còn đó. Giống như câu chuyện của anh nhạc sĩ trẻ đã hi sinh tính mạng mình để cứu đứa bé trong trận hỏa hoạn ở Chương 3 – Thổi kèn harmonica giữa đêm khuya. Anh đã ra đi nhưng đến cuối cùng âm nhạc của anh vẫn ở lại, “và khúc dạo đầu của bài ‘Tái sinh’ được cất lên”.

Tất cả đều minh chứng cho sự bất tử của âm nhạc.


 

Viết bình luận