MS126 - Ngày mới - Amnesia

Thứ Năm, 16/11/2023

AI ĐÓ ĐỌC CÙNG TA, CÙNG “CHỜ TRÔNG KHẮC KHOẢI MỘT MAI LƯƠNG THÌ” (*)

Có một hình ảnh xuyên suốt trong các tác phẩm của nhà văn Thạch Lam, ấy là hình ảnh cuộc sống “như một cái ao đời tù hãm, phẳng lặng, đã nổi váng cả lên”. Khi thì thấp thoáng trong dãy phố huyện nghèo leo lắt bên đường tàu chờ mong guồng sáng duy nhất vội vàng lướt qua rồi vụt tắt trong “Hai đứa trẻ”, khi lại ẩn mình trong dãy nhà lá của những gia đình con cái co mình trong manh áo rách khi gió bấc tràn về trong “Gió lạnh đầu mùa”, và có khi lại len lỏi vào con ngõ sập sệ chen chúc những con người bần hàn giữa lòng Hà thành trong “Ngày mới”.

Anh Trường trong “Ngày mới” là một con người luôn khinh thường cái thói khúm núm của đồng bạn, song lại ghen tị, căm ghét rồi đâm ra oán hận bản thân mình vì không giàu sang quyền quý như thế. Anh đi theo tiếng gọi của mối tình đầu, mang trong mình mộng tưởng về một mái ấm sung túc với người vợ trẻ ngây thơ để rồi dang dở bao năm đèn sách. Chẳng mấy chốc, “những cái thực tế nhỏ mọn” đã càn quét qua mái nhà của anh, để lại hộp sắt bột Nestle han gỉ nằm lăn lóc trên mặt tủ, chừa lại manh áo lương cũ mỏng mảnh chị Trinh vợ anh mặc trong gió lạnh, vướng vít trong những vật dụng cũ kỹ, xiêu vẹo, ố vàng trong gian nhà ẩm thấp.

Anh đâm ra cáu kỉnh, và có những đêm anh đã trút mọi sự bực tức và buồn nản lên người vợ đang chịu cảnh hàn vi với mình. Tôi đã sợ rằng anh ấy sẽ cứ bóp nghẹt gia đình mình mãi như thế, tôi ước sao những đêm anh nằm vắt tay lên trán nghĩ lại cái ngày anh chị gặp nhau dưới giàn hoa, anh cũng sẽ nghĩ về mẹ anh và bà Nhì mẹ vợ anh – những người phụ nữ không ở cùng anh nhưng chưa lúc nào thôi lo nghĩ cho anh. May sao, bà Nhì đã đến, một vầng sáng ấm áp nhân từ rọi lên những cái tăm tối trong tâm hồn anh, để anh tìm lại được cái vẻ lương thiện, hiền lành, và hiếu thảo vốn có.

Tàu chạy, đưa anh và gia đình tạm rời khỏi cái ao nơi ngõ tối đường hẹp; ngày mới sẽ dang tay ôm anh, ôm cả những kiếp người lay lắt “chờ trông khắc khoải một mai lương thì”.

(*) Chú thích: Phần trong ngoặc kép của tiêu đề lấy từ thơ bạn @hoangtrangtieulinh sưu tầm trong "Cổ mỹ từ chi Lương hữu" do Ngày ngày viết chữ biên soạn, đã nhận được sự đồng ý sử dụng của page.

Viết bình luận