“Khoảng cách chẳng là gì khi người ta có động lực”
Đây là câu nói mà tôi tâm đắt nhất khi đọc tiểu thuyết Kiêu hãnh và Định kiến. Mạch truyện chính của cuốn tiểu thuyết xoay quanh tình yêu của Elizabeth – Darcy và Jane – Bingley. Tuy nhiên, ta cũng không thể bỏ qua tình cảm chị em giữa Jane – cô chị kiều diễm, ôn hoà, hiền hậu và cô em Elizabeth – thông minh, bản lĩnh, hài hước. Trích dẫn trên là câu nói của Elizabeth khi một mực muốn thăm chị mình đang bị bệnh tại Netherfield mặc cho cha mẹ ngăn cản. Có lẽ, khi đọc tác phẩm này độc giả nào cũng có thể cảm nhận được một cách chân thật nhất tình cảm đặc biệt mà hai chị em Jane và Elizabeth dành cho nhau. Bởi tác giả đã xây dựng dựa trên tình cảm chân thật, đặt biệt của mình với người chị Cassandra của mình. Cách đây hai thế kỷ, xã hội được phân tầng giai cấp rõ rệt, lúc này cơ may duy nhất để người phụ nữ có một cuộc sống yên ổn chính là lấy chồng giàu thì chị em Jane và Elizabeth lại có quan niệm đi trước thời đại, cả hai cô gái đều quan tâm đến hạnh phúc chứ không vì địa vị, tiền tài. Không chỉ xem trọng hạnh phúc cá nhân mà Jane còn xem trọng hạnh phúc của em gái mình, và Elizabeth cũng vậy, cô luôn đặt hạnh phúc của chị mình là ưu tiên hàng đầu. Tình cảm thân thiết giữa chị em trong gia đình là một tình cảm đáng quý và đáng trân trọng, Jane Austen muốn thể hiện tư tưởng ấy thông qua Jane và Elizabeth và điều đó đã có mang đến một giá trị vô cùng sâu sắc ở thời đại của bà và ảnh hưởng đến tận ngày hôm nay, thậm chí sẽ còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong tương lai. Qua đó, ta không thể phủ nhận sức ảnh hưởng mà tiểu thuyết Kiêu hãnh và định kiến mang lại và cuốn tiểu thuyết cũng khẳng định được sự xứng đáng và thuyết phục khi được xếp vào hàng tác phẩm kinh điển trên bản đồ văn học thế giới.