"Nguyễn Tuân", "Chữ người tử tù". Nếu bạn vừa xong cấp 3 ít năm hoặc có trí nhớ cực tốt thì hẳn sẽ cảm thấy trong xó xỉnh nào đó, một vài sợi nơ-ron thần kinh rung rinh khi nghe những keywords này.
Àh vâng, Nguyễn Tuân là nhà văn, nhưng không phải về trinh thám hình sự điều tra. Ổng chủ yếu viết truyện ngắn, ký sự, tùy bút (cái thể loại văn phải gió gì mình cũng ko biết). Nhưng trên tất cả, ổng được ca tụng vì tài sử dụng ngôn từ điêu luyện.
Với cá nhân mình, Nguyễn Tuân là "nhiếp ảnh gia bằng ngôn từ" và từng truyện ngắn trong "Vang bóng một thời" là một buổi triển lãm những tuyệt tác hoa mỹ, tinh tế và sâu sắc về con người, cảnh vật, thậm chí từng động tác của nhân vật.
Nếu bạn từng như mình, "bị" đọc, "bị" học và "phải" viết hẳn bài văn 2-3 trang giấy về "Chữ người tử tù" mấy năm trước mà chẳng hề nhận ra chút xíu vẻ đẹp nào trong tác phẩm đó; hãy đọc lại và đọc chậm từng truyện trong "Vang bóng một thời". Thả cho trí tưởng tượng tự do bay lượn theo ngòi bút của Nguyễn Tuân, bạn sẽ thấy ổng điều khiển mình như thế nào! Có vài chuyện chém giết, nên cân nhắc đọc kiểu thả rông đó lúc đêm khuya.
Quan sát rồi kể lại là điều mà người bình thường nào cũng làm được. Nhưng mấy ai có thể kể lại chi tiết đến mức bạn hình dung ra từng đường gân guốc trên tay gã đao phủ, tinh tế đến mức bạn hình dung thần thái phi phàm trong ánh mắt người tử tù, sâu sắc đến mức bạn cảm nhận được nỗi niềm tâm sự của kẻ thưởng trà.
Hơn 100 năm trước, khi chưa có máy chụp hình và ống kính khẩu độ lớn thì người ta “chụp” những khoảng khắc đẹp bằng cách nào? Không rõ lắm, chắc là rất khó, nhưng không phải là không thể. Ít nhất là với Nguyễn Tuân trong “Vang bóng một thời”.
Thành thật thì với mình, đây chỉ là cuốn sách đọc một lần rồi thôi. Phần duy nhất nên đọc tới đọc lui là “Lời đầu sách” của Phạm Xuân Nguyên! Bởi cho dù 12 truyện ngắn của Nguyễn Tuân là 12 “tấm hình” được căn chỉnh, ngắm nghía rất công phu và tinh tế nhưng nội dung của nó là những chuyện của hơn 100 năm trước. Giống như khi đi xem triển lãm nhiếp ảnh về SG hồi vài chục năm về trước, bạn sẽ “Ồ, à, hóa ra vậy!” khi hiểu thêm về lịch sử, rồi…thôi.
Với những ai có thói quen đọc hơi “hùng hục”, bỏ qua “Lời đầu sách” thì khi đọc xong, sẽ ngẩn người rồi tự hỏi “Ông này viết hay quá. Nhưng thế quái nào mà mình lại đọc cuốn này nhỉ?!” Xin thưa, bạn đọc để nhìn thấy vẻ đẹp của những việc được thực hiện ở một đẳng cấp ngoại hạng, những việc mà theo Malcolm Gladwell trong “Những kẻ xuất chúng” thì người thực hiện nó đã có hơn 10.000 giờ luyện tập.
Đọc “Vang bóng một thời”, mình chiêm ngưỡng cái đẹp qua con mắt của Nguyễn Tuân. Gấp sách lại, liệu mình có đủ tinh tế để nhận ra vẻ đẹp từ những điều bình thường xunh quanh không? Khó nhưng không phải là không thể. Mình nghĩ rằng, tinh tế cũng giống như khả năng chụp ảnh, cứ luyện tập là sẽ thành thạo.