Tiểu thuyết "Chuyện Hứa Tam Quan bán máu" của Dư Hoa là một cái nhìn vào thân phận người bình dân trong xã hội Trung Quốc thập niên 60 đầy sóng gió của thế kỉ trước.
Con người vượt qua gian khó như thế nào? Bằng tài năng, sự xuất chúng, bằng năng lực lãnh đạo dẫn dắt một cộng đồng? Đấy là chuyện về các bậc vĩ nhân, những người được lịch sử chọn, được nghệ thuật ưu ái khắc họa (nghệ thuật nào mà chẳng say mê những con người siêu quần?) Nhưng còn người bình dân, những kẻ đóng vai quần chúng hoặc con sâu cái kiến trong vở kịch lịch sử, làm cái nền cho các vĩ nhân tỏa sáng bằng cách nâng đỡ, dẫn dắt hoặc chà đạp? Những con người tầm thường tay không tấc sắt, đầu óc đơn giản không chứa lý tưởng lớn lao nào ngoài những nhu cầu cơ bản, họ đã đi qua dâu bể của một thời đại ra sao?
MỘT CUỘC BỂ DÂU
Cuốn sách của Dư Hoa là một bức tranh sống động về những biến động xảy ra ở nước Trung Quốc khi vừa bước ra khỏi cuộc nội chiến kéo dài hơn hai mươi năm. Những nét vẽ của Dư Hoa dù đậm nhạt khác nhau nhưng đều để lại ấn tượng nhất định ở người đọc, đặc biệt là những độc giả nắm được đôi chút lịch sử Trung Quốc hiện đại. Cuộc nội chiến với Quốc Dân đảng mà kết quả là việc Tưởng Giới Thạch rút chạy ra Đài Loan và gây nên một cuộc ly tán lớn trong xã hội Trung Quốc bấy giờ, được phác một nét rất mảnh và khó nhận ra, đấy là người mẹ của Hứa Tam Quan. Tác giả nói rất ít về thân thế của nhân vật chính, trừ việc mẹ anh sau khi chồng chết thì lấy một sĩ quan Quốc dân đảng rồi trốn đi nơi khác. Hứa Tam Quan bởi vậy là đứa con mồ côi của cuộc nội chiến.
Những nét đậm hơn được dùng để tả biến cố xã hội đầu tiên xảy đến với Hứa Tam Quan trưởng thành, nay đã có vợ và ba con. Đó chính là sự kiện Đại Nhảy vọt năm 1958. Nhằm công nghiệp hóa thần tốc đất nước, Mao Trạch Đông đã đề ra nhiều chính sách, trong đó có hai chính sách được nhắc đến trực tiếp trong tiểu thuyết của Dư Hoa là lập ra các Đại hợp tác xã và khuyến khích người người nhà nhà chuyển sang mở lò nấu gang thép, phấn đấu xã nào phố nào thậm chí nhà nào cũng có lò nung. Hệ quả của Đại Nhảy vọt là nạn đói kinh hoàng theo sau khiến cả nhà Hứa Tam Quan một phen lao đao, với những đợt ngủ triền miên cho quên đói, và đỉnh điểm là bữa tiệc sinh nhật cười ra nước mắt khi Hứa Ngọc Lan mừng sinh nhật chồng bằng một nồi cháo suông có nêm chút đường (mà đám trẻ con vì lâu ngày không được ăn nên chẳng nhận ra vị đường nữa), các con anh thì chẳng có cái gì tặng bố ngoài mấy cái lạy, còn Hứa Tam Quan thì, vì cảm động, đã chiêu đang cả nhà một bữa tiệc thịnh soạn bằng... tai. Tức là anh tả lại những món ăn thơm ngon để vợ con thưởng thức bằng trí tưởng tượng cùng những tiếng nuốt nước bọt vang lên ừng ực trong nhà mà thôi.
Nhưng điểm nhấn chính của bức tranh thời đại trong tác phẩm của Dư Hoa cùng nhiều tác phẩm khác cũng lấy bối cảnh Trung Quốc thập niên 60, phải là cuộc Đại Cách mạng Văn hóa. Năm 1966, Mao phát động Đại Cách mạng văn hóa nhằm củng cố uy tín và quyền lực, đặt quyền sinh sát vào tay các Hồng Vệ binh bây giờ vẫn đi học trong nhà trường. Người ta bắt đầu thực hiện những cuộc phê đấu đã trở thành kí ức kinh hoàng với tầng lớp trí thức bấy giờ. Mặc dù chỉ là những người bình dân ít học nhưng gia đình Hứa Tam Quan cũng không thoát nạn. Hứa Ngọc Lan vợ anh bị lôi ra đấu tố khắp nơi chỉ vì người ta đã tìm được tất cả các hạng người cần đem ra đấu tố, chỉ trừ có gái đĩ là chưa tìm được ai. Vợ Hứa Tam Quan xưa trước khi lấy chồng có ngủ với người khác mà sinh ra đứa con đầu Nhất Lạc, liền bị lôi ra làm con dê tế thần. Cảnh nhân vật này đứng giữa đường mà đeo tấm bảng nhận tội, sau nữa là cảnh đấu tố trong gia đình, con cái tố mẹ, là những cảnh rất điển hình cho những khốn khổ mà người Trung Quốc từng trải qua.
Tiểu thuyết "Chuyện Hứa Tam Quan bán máu" đã được Hàn Quốc chuyển thể thành phim.
NHỮNG CON NGƯỜI BÌNH DÂN
Những biến cố xảy ra ở Trung Hoa thập niên 60 đã xuất hiện trong vô số tác phẩm. Nét đặc sắc của tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu là Dư Hoa đã đặt điểm nhìn thuần túy từ những con người bình dân. Cái nhìn của tri thức soi vào những sự kiện như Đại Nhảy vọt, Đại Cách mạng văn hóa thì thường kéo theo nhiều phân tích, suy ngẫm, cắt nghĩa, và đi cùng với chúng là rất nhiều cay đắng mỉa mai hay xót xa. Nhưng người bình dân thì lại có cái nhìn khác: cái nhìn từ dưới lên của con sâu cái kiến. Đối với họ những biến động chính trị của thời địa thì cũng giống như thiên tai, là một thứ không thể tránh khỏi, cũng không cần cắt nghĩa, và vị thế họ không chịu nhiều cay đắng hay cảm giác bất lực như giới trí thức đương thường. Đại Nhảy vọt với họ cũng giống như một nạn đói lâu lâu lại xảy ra, còn Đại Cách mạng văn hóa thì cũng như một trong những cuộc thay đổi triều đại vẫn tuần tự đến trong lịch sử phong kiến. Mục đích của giới trí thức thường là dùng tư tưởng mà làm cho xã hội tiến bộ (dẫu tiến bộ ấy có thật là tiến bộ không thì còn cần phải bàn - không phải những sự kiện giết chóc quy mô lớn trong lịch sử nhân loại đều có điểm tựa là một học thuyết nào đó hay sao?). Mục đích của người bình dân chỉ đơn thuần là sinh tồn. Họ là ý chí sống ở dạng trần trụi nhất, có trước mọi giá trị, thậm chí không cần đến giá trị. Trước hết là phải sống đã.
Người bình dân trong Hứa Tam Quan bán máu bởi vậy được khắc họa là những con người có đầu óc và tâm tính giản đơn. Vui là vui, buồn là buồn, cũng không cần phải trăn trở sâu sắc nhiều làm gì. Hứa Tam Quan bán máu lần đầu thực ra chẳng phải vì nhu cầu gì cấp bách (những cái đó phải mãi về sau), mà chỉ đơn thuần là được hai người bạn rủ rê nên đi thử cho biết. Cầm trong tay một nắm tiền giá trị bằng công sức nông dân làm lụng nửa năm, nghĩ mãi chẳng biết làm việc gì, bèn đi lấy vợ. Họ hành động một cách ta phải gọi là bộp chộp, nghĩ gì làm nấy, ruột để ngoài da, có gì khó chịu hay bực bội thì đều nói bô bô ra miệng, nói huyên thuyên liến thoắng có khi đến vài trang liền chỉ thấy các nhân vật réo tên nhau mà chửi. Cái khôn của họ phần nhiều là khôn lỏi: uống nước cho loãng máu ra bán cho được nhiều, đút lót bác sĩ để bán được thường xuyên. Khi Cách mạng văn hóa đến Hứa Tam Quan nói thế này: “Cuộc đại cách mạng văn hóa diễn ra cho đến hôm nay, anh mới hiểu được đôi chút. Thế nào gọi là cách mạng văn hóa? Thật ra là một dịp để báo thù cá nhân. [...] Thời buổi này không có tòa án, cảnh sát cũng không có, thời buổi này nhiều nhất là tội danh, tùy tiện đưa ra một tội, viết lên báo chữ to, rồi dán lên, là khỏi cần bản thân anh ra tay, sẽ có người đẩy kẻ đó vào chỗ chết...” Tính toán ngô nghê là thế nhưng rồi gia đình Hứa Tam Quan lại chịu chính cái số phận ấy.
Cũng bởi sự bộp chộp ấy mà các nhân vật thường xuyên tự mâu thuẫn. Hành động của họ cứ đảo chiều thoăn thoắt giữa tàn nhẫn và lương thiện, giữa tính toán hẹp hòi thiển cận và rộng lượng đến cảm động. Khi Hà Tiên Dũng người xưa từng ngủ với vợ Hứa Tam Quan và được cho là bố của Nhất Lạc, bị tai nạn xe tải thập tử nhất sinh, Hứa Tam Quan hể hả đi khắp nơi nói rằng Hà Tiên Dũng bị vậy là xứng đáng. Vợ anh thấy vậy liền bảo anh đừng độc mồm độc miệng kẻo giời phạt, làm anh lạnh gáy không dám nói nữa. Nhưng cũng chính Hứa Ngọc Lan khi vợ Hà Tiểu Dũng đến cầu xin thì lại hỉ hả nói toàn những câu độc địa không kém chồng mình. Còn Hứa Tam Quan, mặc dù ghét kẻ sắp chết kia như vậy, thậm chí đến khi vợ anh ta đến cầu xin để cho Nhất Lạc (được cho là con trai của Hà Tiểu Dũng) lên nóc nhà gọi hồn bố theo lời ông thầy bói, anh cũng chối phăng “chỉ cần tôi còn sống, hồn Hà Tiểu Dũng đừng hòng trở về”, nhưng rồi chính anh gọi Nhất Lạc ra mà nói những lời hết sức cảm động: “Làm người phải có lương tâm [...] Nhất Lạc, con hãy nghe lời bố, đi gọi hồn Hà Tiểu Dũng trở về”.
Những con người như thế ấy đã làm thế nào để vượt qua những tao đoạn trong đời? Mỗi khi có biến cố lớn xảy ra, Hứa Tam Quan đều bán máu. Anh bán máu để khi con đói, khi cần đãi khách quý vì con, khi cần cứu con ốm. Cuối truyện khi Hứa Tam Quan đi bán máu lần thứ nhất để tiêu cho bản thân (và không bán được), Hứa Ngọc Lan đã nói với các con rằng “chúng mày được bón máu cho mà lớn khôn đấy”. Nhưng bán máu chỉ là cái hình tượng bề ngoài, còn bề sâu bên trong là ý chí sinh tồn, là cái lối nghĩ phải làm mọi cách để mình sống sót và con cái sống sót. Trong trường đoạn cuối cùng khi Hứa Tam Quan vừa đi đường lên thành phố thăm con vừa bán máu đến mức suýt chết dọc đường, ta có thể thấy được điều làm nên sự trường tồn của những người bình dân, của đám dân đen nói chung. Đó không phải là tư tưởng, như đối với giới trí thức. Tư tưởng cao vời quá thì dễ quên con người. Đó chỉ là một thứ ý chí sống cùng một cái lương tâm hết sức giản đơn là cố không làm điều gì sai trong khả năng, trong tầm nhìn thiển cận của bản thân.
Nhà văn Dư Hoa
NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN
Khó mà nói đến một nghệ thuật kể chuyện trong cuốn sách này, vì cảm giác câu chuyện cứ thế mà diễn ra trơn tru, các nhân vật có sức sống riêng chứ không phải tạo vật của tác giả. Lắm khi họ hành động rất trái khoáy khiến không chỉ độc giả mà cả tác giả cũng phải bất ngờ: Hứa Tam Quan khi muốn lấy vợ thì nghĩ đến Lâm Phân Phương là người phù hợp, nhưng rồi cứ thế quay ngoéo sang Hứa Ngọc Lan mà chẳng hề có lấy một câu nào của tác giả đặng giải thích lựa chọn ấy. Ở lần bán máu đãi cả nhà một bữa mì trong nạn đói, Hứa Tam Quan bắt Nhất Lạc ăn khoai vì cậu không phải con trai anh nên không được ăn đồ do anh bán máu. Nhưng khi Nhất Lạc tìm về nhà bố đẻ rồi bị ruồng rẫy, sợ không dám quay lại với Hứa Tam Quan, anh đã đi tìm con, rồi cõng con vừa đi vừa chửi “đồ ranh con khốn nạn, đồ ranh con mất dạy [...] kiếp sau tao sẽ hành hạ mày chết đi sống lại cho mà xem...” mà kì thực là đang đưa Nhất Lạc đi ăn mì ở khách sạn. Bản thân tiểu thuyết giống như một vở kịch, toàn thấy các nhân vật trò chuyện bằng một thứ ngôn ngữ giản đơn và liến thoắng của dân gian (nhiều chỗ khiến người ta phải nhớ đến lối nói năng của anh lính Švejk). Chính Dư Hoa cũng phải thừa nhận trong lời tựa, rằng “nhân vật trong sách thường xuyên tự mở miệng nói chuyện, có lúc khiến tác giả giật mình, khi những lời hết sức xác đáng và rất hay buột ra khỏi miệng nhân vật hư cấu.” Hứa Tam Quan bán máu bởi vậy cho ấn tượng nó là cuộc sống thật nhảy thẳng vào trang sách, một cuộc sống của người bình dân, vừa giản dị, đôi lúc cay đắng bi ai, thường thường hài hước và luôn luôn chứa một thứ tình người bình thường mà vô cùng xúc động.
Nguồn bài viết: Clueless Reader