TPO - "Dòng máu cao quý" của nữ nhà văn Bỉ Amélie Nothomb đến với độc giả Việt Nam trong khuôn khổ Ngày hội Văn học Châu Âu năm 2023. Cuốn tiểu thuyết là sự đan xen giữa hư và thực, làm nổi bật lên hình ảnh, tình cảm của tác giả dành cho người cha quá cố - Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb.
Buổi ra mắt tiểu thuyết Dòng máu cao quý do Nhã Nam và Phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày 13/5 tại Phố Sách Hà Nội (phố 19/12, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tham dự buổi ra mắt sách có PGS. TS Phùng Ngọc Kiên, tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên, ông Nicolas Dervaux - đại diện các Chính phủ cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và vùng Wallonie của Bỉ tại Việt Nam.
Ra mắt sách trong khuôn khổ Những ngày Văn học châu Âu tại Việt Nam: Gia Linh |
Tiểu thuyết Dòng máu cao quý của nhà văn Bỉ Amélie Nothomb giành giải Renaudot - giải thưởng văn chương danh giá có tuổi đời gần trăm năm. Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đời của Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb - cha của nhà văn Amélie Nothomb. Ông qua đời sau khi bị vỡ phình mạch vào tháng 3/2020, đúng lúc phong tỏa do COVID-19, hưởng thọ 83 tuổi. Thời điểm đó, Amélie Nothomb đã không thể gặp và nói lời từ biệt với cha mình.
Trong Dòng máu cao quý, Amélie Nothomb đã nhập vai và xưng "tôi" để nhường chỗ cho Patrick Nothomb kể lại câu chuyện về cuộc đời mình, từ thời thơ ấu vào những năm 1940 đến năm 1964.
Dòng máu cao quý là câu chuyện về cuộc đời Amélie Nothom từ thời thơ ấu vào những năm 1940 đến năm 1964. |
“Amélie Nothomb là nhà văn viết tiểu thuyết hư cấu mang yếu tố tự thuật. Trong cuốn Dòng máu cao quý độc giả có thể thấy rõ tính hư cấu và tự sự lồng ghép vào nhau tạo nên bức tranh về người cha quá cố. Sự thú vị của cuốn sách bắt nguồn từ sự kết hợp giữa hư và thực”, tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên.
Độc giả hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự trân trọng và lòng tôn kính mà Amélie Nothomb dành cho cha trong cuốn sách này.
Patrick Nothomb không chỉ là người cha yêu quý mà còn là nguồn cảm hứng cho nữ tiểu thuyết gia. Dòng máu cao quý là một trong những tác phẩm mang tính cá nhân, cảm động nhất của bà.
Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên cho rằng độc giả khi đọc Dòng máu cao quý sẽ không phân biệt tác giả đang kể chuyện cuộc đời mình hay có yếu tố hư cấu trong đó.
“Amélie Nothomb là nhà văn viết tiểu thuyết hư cấu mang yếu tố tự thuật. Trong cuốn Dòng máu cao quý độc giả có thể thấy rõ tính hư cấu và tự sự lồng ghép vào nhau tạo nên bức tranh về người cha quá cố của bà. Sự thú vị của cuốn sách bắt nguồn từ sự kết hợp giữa hư và thực”, tiến sĩ Nguyễn Quyên nói.
Amélie Nothomb nổi tiếng với văn phong hài hước, giàu liên tưởng và vô cùng mãnh liệt. |
"Dù trong hoàn cảnh nào các nhân vật trong truyện của Amélie luôn tiến lên, không lùi bước", ông Nicolas Dervaux.
Được viết với giọng văn dịu dàng, hài hước và cảm động, Dòng máu cao quý là cuốn tiểu thuyết thứ 30 của Amélie Nothomb, đồng thời lọt vào danh sách 100 cuốn sách tiêu biểu của năm do tạp chí văn học uy tín Lire bầu chọn.
Đại diện các Chính phủ cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và Vùng Wallonie của Bỉ tại Việt Nam Nicolas Dervaux nhận định văn phong của Amélie Nothomb luôn mang theo sự hài hước.
"Dù tác phẩm của Amélie có tính hư cấu hay tính chân thực rõ ràng, các tác phẩm đó vẫn mang nét hài hước. Đây là một đặc trưng trong các tác phẩm của nữ nhà văn. Bên cạnh đó, dù trong hoàn cảnh nào các nhân vật trong truyện của Amélie luôn tiến lên, không lùi bước", ông Nicolas Dervaux nêu.
Nhiều tác phẩm của Amélie Nothomb được xuất bản tại Việt Nam. |
Bằng cách ngược dòng quá khứ tìm về nguồn gốc của cha mình và nhấn mạnh những mâu thuẫn trong gia đình ông, Amélie Nothomb dường như cũng làm lành với chính bản thân và mang lại hơi thở mới cho sáng tác của bà.
Amélie Nothomb là cái tên quen thuộc của nền văn học đương đại, đặc biệt tại các nước nói tiếng Pháp. Bà được biết đến như một nhà văn kỳ lạ và bí ẩn với văn phong hài hước, giàu liên tưởng và vô cùng mãnh liệt.
Cuốn Sững sờ và run rẩy nhận Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp năm 1999, đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp viết lách của Amélie Nothomb. Một số cuốn sách của Amélie Nothomb được phát hành tại Việt Nam: Hồi ức kẻ sát nhân, Hủy hoại vì yêu, Sững sờ và run rẩy, Kẻ hai mặt, Vòng tay samurai...
Gia Linh (Tiền Phong)