Hành trình trưởng thành của đám trẻ con trong khu chợ Trung Hoa

Thứ Hai, 11/11/2024

Các tác phẩm của Ngô Minh Ích chứa đựng những thông điệp sâu sắc về truyền thống, văn hóa, lịch sử của Đài Loan. Theo bà Thu Vân, Ngô Minh Ích là một tác giả không ngừng sáng tạo.

Sáng 2-11, tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cơ sở 1 diễn ra buổi tọa đàm về tác phẩm văn học Đài Loan “Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành” của nhà văn Ngô Minh Ích.

Diễn giả gồm có PGS.TS Lê Quang Trường - trưởng khoa văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; TS Phan Thu Vân - phó trưởng khoa ngữ văn, và ThS Nguyễn Hồng Anh - giảng viên văn học nước ngoài, Trường đại học Sư phạm TP.HCM.

Tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành của nhà văn Ngô Minh Ích được đánh giá cao cả trong lẫn ngoài nước

MỖI NHÀ VĂN LÀ MỘT NHÀ ẢO THUẬT TRÊN CẦU BỘ HÀNH

Bà Thu Vân chia sẻ: "Ngô Minh Ích có rất nhiều suy tư về nghệ thuật, văn hóa, chính trị, lịch sử, cuộc sống. Ông giống như một người đa đoan. Tôi có cảm giác cái gì ông cũng đã nghĩ đến. Ông cố gắng truyền tải chúng vào trong một tác phẩm, nhưng không hy vọng nó quá phức tạp".

“Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành” chính là một trong những tác phẩm của Ngô Minh Ích khắc họa lại những sự thực tế, những suy nghĩ đa đoan ấy.

Bên cạnh đó, các "thước phim" được tái hiện lại trong cuốn sách không chỉ là những ký ức đã qua đi mà còn là cảm xúc một thời của các nhân vật.

Tác phẩm gồm 10 chương. Đó là những mẩu truyện ngắn về hành trình trưởng thành của đám trẻ con trong khu chợ Trung Hoa (Đài Loan) những năm 1970.

Khác với các tác phẩm văn học từ trước đến nay, Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành không dùng một cái tôi duy nhất làm kim chỉ nam.

Thay vào đó, mỗi chương là một cái tôi, cá tính và góc nhìn khác, "cứ đổi chương là đổi tôi".

Theo bà Thu Vân, cái hay của tác phẩm là ghi lại hành trình, sự trưởng thành của những đứa trẻ. Đây là những cô bé, cậu bé từng đứng xoay quanh nhà ảo thuật trên cầu bộ hành. Sau đó mỗi đứa sẽ về một nơi, tiếp tục các phận đời khác nhau với cái "trục" chính vẫn là nhà ảo thuật.

Nhân vật bí ẩn gắn kết các câu chuyện của từng con người trong truyện bằng những sự bí ẩn, phép màu. Những đứa trẻ cố gắng làm theo những hành động của nhà ảo thuật để tìm tòi, khám phá những cái mới trong đời sống.

Tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành do Nhã Nam phát hành.

Cũng nhờ lối viết đan xen chất liệu hiện thực và kỳ ảo vào nhau, phong cách văn chương của Ngô Minh Ích được đánh giá là độc đáo và đầy sáng tạo.

Qua đó, nhà ảo thuật được ví như “đấng sáng tạo" trong đời sống những đứa trẻ.

Vậy câu hỏi đặt ra: "Vì sao về sau nhà ảo thuật lại biến mất?".

Bà Thu Vân nói: "Nhà ảo thuật ban đầu như "đấng sáng tạo", nhưng sau khi mỗi đứa trẻ trưởng thành, từng đứa đều có thể sáng tạo theo cách riêng. Lúc ấy nhà ảo thuật không còn cần thiết nữa".

"Ngô Minh Ích từng nói: "Tôi có cảm giác như mỗi nhà văn cũng là một nhà ảo thuật"" - bà Thu Vân chia sẻ thêm thêm.

KẾT NỐI VĂN HỌC ĐÀI LOAN VỚI THẾ GIỚI

Ngô Minh Ích từng là ngòi bút trẻ của nền văn học Đài Loan. Ông lớn lên trong khu phố cổ Đài Bắc, nơi còn lưu giữ những giá trị đậm chất văn hóa truyền thống. Vì thế, phong cách hành văn của ông mang những cá tính độc đáo, vừa giàu chất thơ nhưng cũng thực tế đến mức ám ảnh.

Các tác phẩm của ông chứa đựng những thông điệp sâu sắc về truyền thống, văn hóa, lịch sử của Đài Loan. Theo bà Thu Vân, Ngô Minh Ích là một tác giả Đài Loan không ngừng sáng tạo.

Qua những tác phẩm, Ngô Minh Ích thể hiện được sức trẻ, bản sắc riêng của Đài Loan và sự kết nối mượt mà với thế giới. Nhà văn trẻ không cố thể hiện những cá tính riêng của mình khi viết.

Ông cởi mở với nghệ thuật của thế giới, nhưng qua đó người đọc vẫn phần nào nhận ra đó chính là Ngô Minh Ích chứ không phải ai khác.

Nguồn bài viết: Đăng Khương - Báo Tuổi trẻ

Hoang vu giữa thành phố lớn

Hoang vu giữa thành phố lớn

Năm 2022, tiểu thuyết Tình yêu ở thành phố lớn của nhà văn Sang Young Park cùng tập truyện ngắn Con thỏ nguyền...

Thứ Ba, 03/12/2024