Cà phê: Từ A đến... Á

Thứ Ba, 26/09/2023

Theo Arttimes  

Đó là một buổi trải nghiệm thú vị và ấn tượng tại nhà sách Nhã Nam, số 3 Nguyễn Quý Đức vào một buổi sáng thứ bảy. Ai yêu thích, đam mê, muốn thưởng thức hương vị cà phê thì sẽ tìm thấy câu trả lời ở đây - Buổi ra mắt cuốn sách Bản đồ thế giới cà phê. Cuốn sách có nhiều thông tin hữu ích từ tổng quan về cà phê đến chi tiết cách pha chế theo từng bước, để có thêm sự hiểu biết và hành trình đến với cốc cà phê ngon sẽ được theo cách riêng mỗi người.

Cà phê: Từ A đến... Á - 1

Hẳn là khi nhắc tới cà phê Trung Nguyên hay cà phê Buôn Mê Thuột thì hầu như ai cũng biết, nhưng cà phê Châu Phi hoặc cà phê Châu Mỹ thì cũng ít người biết tới. Cuốn sách của tác giả James Hoffmann- một trong những barista nổi tiếng nhất thế giới, nhà vô địch World Baríta năm 2007 và cũng là chủ nhân kênh vlog về cà phê đặc sản trên YouTube với gần 1,5 triệu người theo dõi và đăng kí kênh. Sách được 2 nhà dịch giả yêu thích cà phê là Hoàng Quang Anh và Nguyễn Nhã Nam viết với ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi, trang bìa và những trang sách chất lượng đẹp đẽ. 

Với 3 phần, “Bản đồ thế giới cà phê” đưa đến cho độc giả thông tin về cây cà phê, lịch sử uống cà phê của con người, phong cách thưởng thức cà phê trên thế giới, quá trình từ hạt đến cốc cà phê thơm ngon và cả nguồn gốc cà phê, đưa người đọc đi vòng quanh thế giới thăm các nước sản xuất cà phê không chỉ Châu Á mà còn tới cả Châu Phi, Châu Mỹ. Hay nói cách khác, cuốn sách nói về từ hạt cà phê đến pha pha chế- khám phá, giải thích và thưởng thức cà phê.

Cà phê: Từ A đến... Á - 2

Với những người thường sử dụng cà phê như một thức uống, đa phần là để cho tỉnh táo hơn chứ chưa thực sự là để “thưởng thức”,  khi xem qua cuốn sách, tôi rất ấn tượng với cách thu hoạch cà phê và phân loại quả cà phê.

Ông bà nội tôi sống ở Buôn Mê Thuột, cũng có trồng một vài mảnh vườn cà phê, đến giờ vẫn chủ yếu thu hoạch và sản xuất theo phương pháp thủ công. Bố tôi là người rất thích uống cà phê phin theo kiểu truyền thống. Còn bản thân tôi, đã từng làm pha chế trong một quán cà phê nhỏ.

Qua cuốn sách, tôi hiểu được rằng với cách thủ công, người ta sẽ dùng tay nhặt quả chín và quả chưa chín hẳn riêng ra. Để phân loại nhanh hơn, người ta có cách cho quả cà phê vào bể nước lớn, những quả cà phê chín sẽ chìm xuống dưới và được bơm ra ngoài để sơ chế, trong khi quả chưa chín sẽ nổi trên bề mặt và được xử lý riêng. Ngày nay việc thu hoạch, phân loại hay chế biến đã được áp dụng công nghệ nhiều, vừa nhanh, vừa hiệu quả, ít tốn sức lao động của con người. 

Cà phê: Từ A đến... Á - 3

Để có một cốc cà phê thơm ngon, không chỉ ở chất lượng hạt cà phê, mà còn liên quan tới rất nhiều yếu tố như cách rang xay, bảo quản, nước dùng để pha cà phê cũng rất quan trọng (một cốc cà phê thành phần chính là nước, nước cần sạch tinh khiết, độ pH khoảng 6,5-7,5). Hiện nay có rất nhiều cách pha chế cà phê thay vì chỉ pha phin như cách truyền thống. 

Tôi đã có buổi trải nghiệm trong căn phòng ngập tràn hương vị của cà phê, mùi hương thơm dịu của cà phê xay, họ xay không mịn như tôi vẫn thường thấy, họ cũng không dùng phin, dụng cụ đó trông như một cái phễu, được lót bởi một lớp giấy lọc, nước cà phê trong cũng không được sánh đen như tôi từng pha. Tôi được mời thưởng thức lần lượt 3 cốc cà phê đến từ 3 vùng miền khác nhau. 

Cà phê: Từ A đến... Á - 4

Với cốc cà phê đến từ Châu Mỹ, tôi ngửi thấy mùi thơm dịu nhẹ, dễ chịu, màu vàng nhạt , có vị chua và chát. Cốc thứ hai là cà phê Châu Phi, vẫn mùi thơm đặc trưng của cà phê, màu trông có vẻ đậm hơn chút, nhấp một ngụm nhỏ, vị chua dịu hơn cốc 1, vẫn có vị chát. Cốc thứ 3 mà tôi được thưởng thức là cà phê Việt Nam, thơm, màu sắc đen đậm hơn hẳn, vị chát cũng đậm hơn, đặc biệt là không hề có chút vị chua nào. Khi nhâm nhi từng chút một cà phê, tôi cảm nhận vẫn còn chút hương thơm trong miệng và khi uống thêm một chút nước lọc, tôi thấy có thêm vị ngọt.

Đó là một buổi trải nghiệm thú vị và ấn tượng giúp tôi có thêm sự hiểu biết và hành trình đến với cốc cà phê ngon sẽ được theo cách riêng mỗi người. 

Nguyễn Thảo