“BẮT TRẺ ĐỒNG XANH” KHÔNG PHẢI “CÚ HIT” ĐẦU TIÊN CỦA SALINGER

Thứ Năm, 16/05/2024

Bất cứ độc giả nào yêu thích văn chương Mỹ đều biết “Bắt trẻ đồng xanh” là tiểu thuyết nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của J. D. Salinger. Cuốn tiểu thuyết lần đầu được xuất bản năm 1951 và ngay lập tức thành công, được độc giả đón nhận rộng rãi và gây ra tranh cãi không ít trong giới phê bình. 

Nhưng “Bắt trẻ đầu xanh” không phải bước đột phá đầu tiên của Salinger. Cột mốc đó phải được trao cho truyện ngắn “Một ngày hoàn hảo cho cá chuối”, được in lần đầu năm 1948 và sau này được đưa vào tuyển tập “Chín truyện ngắn” năm 1953. 

Một ngày hoàn hảo cho cá chuối” là một truyện ngắn vô cùng nổi tiếng của Salinger, được xuất bản lần đầu trên tờ The New Yorker - tờ tạp chí sau này đã xuất bản hầu hết các tác phẩm của ông. The New Yorker đã ấn tượng với truyện ngắn đến mức duyệt in truyện ngắn và ký ngay hợp đồng giữ bản quyền đầu tiên cho các tác phẩm sau này của Salinger. 

Truyện ngắn này chỉ vỏn vẹn 20 trang, là tác phẩm đầu tiên của Salinger kể về gia đình Glass, những người sau này sẽ tiếp tục xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết khác của ông. Câu chuyện kể về kỳ nghỉ của Seymour Glass, bắt đầu bằng cuộc điện thoại đầy lo lắng của mẹ vợ anh với vợ anh về tình trạng tâm lý trầm uất của Seymour. Qua những chi tiết mà Salinger cài cắm, người đọc sẽ dần bước vào thế giới của một cựu chiến binh trở về từ Thế chiến II, xa lạ với thế giới hiện đại, vẫn bị bóng ma của chiến tranh đeo bám không ngừng. 

Thông qua Seymour, Salinger đã khai phá những chủ đề liên quan đến sang chấn, trầm uất và những ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh lên tâm lý của người lính. Truyện ngắn là tác phẩm đột phá của Salinger, tạo nên giọng nói độc đáo và tinh tế cho nhân vật, với những phương thức ẩn dụ làm nên đặc trưng trong phong cách viết của ông. 

Tâm lý nhân vật được kể theo lối gián tiếp, thường không chỉ đích danh cảm xúc mà được ám chỉ qua phản ứng của Seymour hoặc từ lời kể của một nhân vật khác. Tỉ dụ như tình trạng lo âu tiềm ẩn và đáng báo động của Seymour được gợi ý từ cách anh giật mình khi cô bé ở bãi biển liên tục nói một từ mà anh nghe nhầm thành tên anh; việc anh nhìn nhầm màu vàng thành lam là dấu hiệu của ảo giác hay cơn bộc phát của anh với người phụ nữ trong thang máy thể hiện rằng anh không thể kiểm soát cảm xúc của mình. 

Tên truyện tưởng chừng tràn đầy hứng khởi “Một ngày hoàn hảo cho cá chuối” thực chất là một hình ảnh ẩn dụ đầy bi kịch cho nhân vật chính Seymour Glass. 

Nếu bạn muốn thưởng thức văn tài đặc sắc và độc đáo đã làm nên tên tuổi của Salinger chỉ trong 20 trang giấy, hãy đọc “Một ngày hoàn hảo cho cá chuối” trong tập “Chín truyện ngắn”.

Độc giả yêu thích tuyển tập "Chín truyện ngắn" Salinger có thể tìm mua tại: Tiki Shopee Tik Tok