Nếu có cuốn sách nào hay xuất sắc mà lại dễ bị bỏ qua đầy oan uổng, thì phải gọi ngay cái tên Lịch sử việc làm của James Suzman. Cái tên cùng bìa sách nghiêm túc dễ khiến độc giả nghĩ rằng đây là một cuốn sách khảo cứu học thuật với những lý thuyết phức tạp, những dữ liệu rắc rối, chỉ dành cho dân chuyên ngành hoặc những độc giả đại chúng muốn trở thành chuyên ngành. Nếu nghĩ như vậy, ta sẽ bỏ qua mất một tác phẩm cực hấp dẫn và có thể cho vào danh sách phải độc với những độc giả vốn say mê những đầu sách chứa đựng nhiều kiến thức dễ tiếp cận của triết gia Yuval Noah Harari.
Phải nói ngay đây không phải là một cuốn sách học thuật chuyên sâu. Mặc dù lượng thông tin trong sách vô cùng lớn, nhưng James Suzman đã chắt lọc những gì dễ hình dung nhất với độc giả đại chúng và diễn đạt nó bằng một thứ ngôn ngữ không thể sáng sủa hơn. Không chi chít số liệu thống kê, không trùng trùng điệp điệp những thuật ngữ rắc rối buộc người đọc phải đi tra cứu cách hiểu, và nếu có thì cũng được tác giả giải thích và minh họa bằng những dẫn chứng rất ngắn gọn và sống động. Các ý tưởng, quan điểm được trình bày trong sách đều rất sắc sảo, nhưng vẫn nằm trong quan hệ logic chặt chẽ, soi sáng cho nhau. Cuốn sách này giống như một bản tổng hợp các khám phá từ trước đến nay trong nghiên cứu nhân học xã hội nói chung và nghiên cứu công việc nói riêng, được viết thật mạch lạc thành một câu chuyện hấp dẫn hướng tới độc giả đại chúng.
Một kì vọng không đúng khác dễ khiến ta bỏ qua cuốn sách, đấy là cái tên Lịch sử việc làm gây ấn tượng đây là một cuốn sách bàn kinh tế học. Khái niệm “việc làm” (work) trước nay chủ yếu vẫn được tiếp cận từ phương diện kinh tế, cũng như sử dụng cách hiểu của các nhà kinh tế học: “công việc là thời gian và nỗ lực chúng ta bỏ ra để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của mình.” Suzman cho rằng cách định nghĩa này cùng với giả định rằng công việc là thứ được khắc vào trong bộ gen của con người, tức là một thứ hiển nhiên, đã thu hẹp tầm nhìn của chúng ta đối với việc làm, khiến ta không nhận ra sự hình thành của nó cũng như cách công việc định hình nên con người cũng như nền văn minh của chúng ta. Ông đề xuất một khái niệm mới: việc làm, hay đúng hơn gọi là “công”, “có liên quan đến việc sử dụng năng lượng hoặc nỗ lực một cách có mục đích, vào một nhiệm vụ, để đạt được một mục tiêu hoặc một kết thúc.” Mấu chốt của công việc ở đây chính là quan hệ giữa sinh vật và nguồn năng lượng ở bên ngoài: chúng ta chuyển hóa các nguồn năng lượng theo một dự đồ có sẵn, và lịch sử nhân loại thực chất chính là lịch sử của cách chúng ta sử dụng năng lượng trong đời sống.
Khi đưa ra khái niệm như vậy, Suzman thấy rằng không thể giới hạn “việc làm” trong địa hạt kinh tế (dù đây chính là địa hạt quan trọng nhất, chứng kiến sự tiến hóa mạnh mẽ nhất của ý niệm này - nó chiếm hơn một nửa dung lượng sách) mà phải mở rộng nó đến tận những tổ tiên của loài người. Bởi khởi đầu của sự sống chính là khi “các nguồn năng lượng đầu tiên liên kết hàng loạt phân tử khác nhau lại thành một sinh vật sống.” Sống tức là sử dụng năng lượng. Trên cơ sở này, Suzman phân chia lịch sử nhân loại thành bốn chặng quan trọng, mà khởi đầu của mỗi chặng sẽ là một tác nhân nào đó, có thể là sự biến đổi khí hậu, sự ra đời của nông nghiệp, các cuộc cách mạng công nghiệp, đã làm thay đổi toàn diện mối quan hệ giữa con người với năng lượng, định hình, ban đầu là thể chất chúng ta (quá trình chuyển từ vượn sang người đứng thẳng với bộ não phát triển, ăn tạp và khả năng chế tác công cụ có liên quan mật thiết đến năng lượng), rồi sau đó là đến tinh thần chúng ta (tác giả chứng minh rất tài tình rằng ý niệm văn hóa nảy sinh từ hoạt động nông nghiệp, và ngày nay chúng ta vẫn sống theo những tập tính ứng xử với năng lượng được hình thành từ thời kì này, chẳng hạn như quan niệm thời gian là vàng chính là một sản phẩm). Giai đoạn đầu tiên là quá trình con người dần tiến hóa từ vượn, với các cột mốc lớn là sự hình thành “chủ đích”, “công cụ” và cuối cùng là “lửa”. Giai đoạn thứ hai được đặt tại thời điểm các xã hội nguyên thủy được hình thành, có đặc trưng là lối sống săn bắt hái lượm, một giai đoạn ngạc nhiên thay được Suzman chứng minh rằng con người đã có đời sống khá dư dả nhờ việc được thiên nhiên chu cấp và có rất ít nhu cầu đối với đời sống. Giai đoạn thứ ba là khi nông nghiệp hình thành và phát triển, dẫn đến những biến đổi đáng kinh ngạc lên tư duy của con người, kéo theo những nghịch lý sẽ được tác giả giải thích tài tình, chẳng hạn như bẫy Malthus: tại sao năng lực sản xuất gia tăng, lương thực dồi dào nhưng con người lại khổ sở hơn, có tuổi thọ kém hơn so với các bộ lạc nguyên thủy. Giai đoạn cuối cùng tất nhiên là công nghiệp và các cuộc cách mạng của nó, là giai đoạn mà chúng ta vẫn đang tồn tại, đặc trưng bởi những khát vọng không có điểm dừng, bởi sự cạnh tranh khốc liệt kìm hãm khả năng hạnh phúc, và kiểu con người làm công ăn lương. Ở mỗi chặng Suzman đều chọn ra các đặc trưng quan trọng nhất và phân tích kĩ lưỡng, đồng thời đưa ra những quan sát nhận xét cực kì sắc sảo cho thấy rất nhiều đặc tính, thói quen của chúng ta hiện nay đều có thể truy nguyên về vấn đề công việc, hay là cách thức chúng ta sử dụng năng lượng.
Gọi cho đúng thì Lịch sử công việc là một nghiên cứu nhân chủng học, bởi James Suzman là một nhà nghiên cứu nhân chủng học cự phách, giám đốc một viện nghiên cứu tư vấn chính sách cho các vấn đề kinh tế xã hội đương đại. Nền tảng chính của sách vẫn là các khái niệm quan trọng của nhân chủng học, cùng các kiến thức cả thực địa tại các bộ lạc nguyên thủy cùng các lý thuyết từ các nhà nghiên cứu lỗi lạc như Levi-Strauss. Cách trình bày của tác giả cũng rất thuyết phục, khi để chứng minh cho các luận điểm của mình ông luôn đưa ra các bằng chứng thực địa rồi suy luận trên đó, chứ không hề dựa vào lí lẽ thuần túy (xem đoạn Suzman phê bình Adam Smith). Nhưng đấy chỉ là phần xương sống của sách mà thôi: dựa trên cái nền nhân học, Suzman đã mở rộng và tích hợp một khối lượng khổng lồ các kiến thức đa ngành, gần như động đến mọi lĩnh vực kiến thức của con người, từ khái niệm entropy trong vật lý cho đến các tập tính sinh học của động vật và thực vật, đến cả các kiến thức của khoa học thần kinh, các học thuyết kinh tế, và thậm chí có cả thơ ca, lịch sử, triết học. Khối lượng thông tin khổng lồ ấy ngạc nhiên thay lại không hề gây ra cảm giác bề bộn, nặng nề ở người đọc vì phải xử lý quá nhiều thứ, bởi Suzman đã khéo léo cài cắm chúng theo một trật tự cực kì hợp lí, mỗi ý đều gắn vào mạch phân tích và trở về ở câu chuyện tiến hóa của loài người và công việc. Một bữa tiệc tri thức no nê nhưng hết sức thỏa mãn. Xét trên phương diện này, Suzman hoàn toàn không kém cạnh gì Yuval Harari.
Cuối cùng, cũng cần nhắc đến văn phong của Suzman. Tác giả viết về một đề tài rất lớn bằng một thứ văn phong giản dị và đại chúng. Và mặc dù phải xử lý lượng kiến thức đa dạng và các khái niệm không đơn giản, Suzman vẫn có những đoạn trình bày rất ngẫu hứng mà cuối cùng lại thành ra hết sức chặt chẽ. Ông thường bắt đầu mục lớn bằng câu chuyện tưởng như ngoài lề, không liên quan gì đến đoạn kết của mục trước đó. Câu chuyện ấy được kể hấp dẫn, chẳng hạn như cái chết của nhà khảo cổ học Vere Gordon Childe, hay chuyến đi hãi hùng của Joseph Conrad, độc giả bị cuốn vào những tình tiết của nó. Thế rồi, tại một điểm bất ngờ, Suzman sẽ dừng lại phân tích câu chuyện và đưa ra kiến giải của mình, và câu chuyện tưởng như ngoài lề đó hóa ra trở thành mảnh ghép rất vừa vặn với mạch chính của cuốn sách. Cách kể ấy giống như để cho người đọc chơi trò ghép hình, rồi ở những đoạn then chốt tác giả bỗng dừng lại trò chuyện về một mảnh ghép nhất định, trước khi đặt nó vừa khít vào bức tranh tổng thể. Bằng cách ấy, lịch sử lớn của con người được trình bày thật duyên dáng và dễ chịu, khiến độc giả không chỉ phải trầm trồ trước sự uyên bác, mà còn bị cuốn vào mạch kể nhẩn nha thong thả của tác giả cho đến trang cuối cùng.
Nguồn bài viết: Clueless Reader