"Bản chất của người" - Người sống, người chết, người viết

Thứ Tư, 18/12/2024

Ngày 3/12/2024, tổng thống Hàn Quốc áp đặt thiết quân luật trên toàn bộ lãnh thổ. Mặc dù lệnh thiết quân luật này kết thúc chớp nhoáng và bất ngờ chẳng kém lúc được áp đặt, nhưng nó cũng kịp gây ra những xáo động không nhỏ gắn liền với những kí ức hãi hùng của nhiều người Hàn Quốc về một sự kiện chứa đựng nhiều khoảng trống cùng nhiều ngần ngại nếu bị nhắc đến.

Lần gần nhất chính phủ Hàn Quốc áp đặt thiết quân luật không kể lần vừa rồi là vào năm 1980, nhằm dập tắt Phong trào Gwangju diễn ra từ ngày 18 đến ngày 27 tháng 5 cùng năm.

Ngày nay, tìm hiểu về sự kiện này người ngoài chỉ tìm thấy những thông tin chung chung cùng những con số đại khái khó mà diễn tả được quy mô cũng như hậu quả của nó. Tuy vậy, trong Bản chất của người, Han Kang, nhà văn mới đoạt giải Nobel văn chương danh giá năm nay, đã dùng văn chương mà phục dựng lại bầu không khí hãi hùng và chấn động của sự kiện ấy, những dư chấn nó để lại trong tinh thần những người sống sót, cùng những vấn đề nó đặt ra về ý nghĩa và giá trị của con người.

Nhà văn Han Kang

 

1. Người chết

Mặc dù chính quyền Hàn Quốc thời điểm ấy chỉ đưa ra những con số khiêm tốn liên quan đến thiệt hại nhân mạng và chưa bao giờ chính thức cải chính các thông tin này, người ta ước tính số nạn nhân thiệt mạng trong sự kiện Thảm sát Gwangju lên đến 2000 người, chủ yếu là thường dân.

Bản chất của người của Han Kang không chọn cái nhìn của số liệu, mà đi vào những cái chết cụ thể và vật chất nhất. Những con số chỉ cho ta một hình dung chung chung, và ta chỉ có thể tưởng tượng về những người đã chết như một đám đông mơ hồ với danh tính lẫn lộn. Nhưng tưởng tượng của chúng ta về cái chết dù có hãi hùng đến mấy thì cũng khó gây khiếp đảm như cái chết thực tế, cái chết đập vào mắt con người với toàn bộ sự dữ dội của nó.

Ở chương cuối cùng, nhân vật nhà văn (có thể hiểu chính là Han Kang) lúc nhỏ nghe người lớn nói về một thiếu phụ đang mang bầu thì bị trúng đạn chết. Nhà văn, lúc đấy mới chỉ là một cô bé, tưởng tượng ra một người cô của mình bị một viên đạn găm thẳng vào vầng trán trắng trẻo. Hai năm sau, khi bố mẹ cô mang về một tập sách ảnh các nạn nhân, và bất chấp tập sách được giấu đi, cô vẫn lén tìm và mở nó ra, để thấy ở trang cuối cùng “khuôn mặt bị lưỡi lê chém vỡ toác, nát bấy của một cô gái”. Hình ảnh này có lẽ đã trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Han Kang, để lại một ấn tượng không thể xóa bỏ về sự bạo lực cũng như sự mong manh của con người. Hình ảnh tàn bạo ấy đã được tái tạo sống động trong chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, khi cậu bé Dong Ho nhìn thấy xác chết của chị Jeong Mi.

Có thể nói Bản chất của người không phải là cuốn sách dễ chịu, bởi ngay từ những trang đầu tiên nó không ngừng bắt người đọc phải nhìn vào những cái chết đầy bạo lực và gây ám ảnh lâu dài.

Chương 1 đặt góc nhìn ở nhân vật cậu bé Dong Ho đến nhà thi đấu nơi tập trung thi hài những người tử vong để gia quyến đến nhận diện. Những xác chết xếp chật cứng trong nhà thi đấu, xác nào cũng đầy những dấu vết thương tích và biến dạng khủng khiếp vì bạo lực, đã nghiền nát tâm trí của Dong Ho trước đó mới chỉ biết đến cái chết của người bà qua đời do bệnh tật. Niềm tin trẻ thơ vào sự tồn tại của linh hồn, vào việc linh hồn thoát ra khỏi thể xác như một con chim đã tan biến hoàn toàn: “Chẳng có linh hồn nào cả. Chỉ có những xác người nằm lặng lẽ cùng mùi xác chết nồng nặc mà thôi.”

Han Kang nhận ra rằng cái chết dữ dội và bất ngờ mà những nạn nhân Gwangju phải chịu là một sự hủy diệt tận cùng và triệt để tính nguyên vẹn của thể xác con người, đến độ nó phá hủy luôn cái ý về con người. Không thể hình dung ra con người được nữa. Nhân vật Jeong Dae, người bạn yểu mệnh của Dong Ho nằm trong số những nạn nhân đầu tiên, xác bị đưa đến một bãi tập kết bí mật rồi bị bỏ lại đó cho phân hủy trong vài ngày, trước khi rưới xăng thiêu hủy. Linh hồn cậu bé đã mô tả sự thối rữa của các thi thể bị xếp chồng lên nhau thành một cái tháp, bằng một liên tưởng lợm giọng: “cái tháp xác người trông như thi thể một con thú khổng lồ với hàng chục cái chân”. Sự thối rữa và biến dạng của thể xác con người là chặng cuối của một quá trình phi nhân hóa, biến con người thành một thứ quái vật bằng bạo lực và sự lăng nhục xảy ra ngay cả khi họ đã chết.

2. Người sống

Ngoài những nạn nhân thiệt mạng trong cuộc bạo động, còn có những người sống sót sau những cuộc tra tấn tàn bạo. Nhưng sự sống sót cũng có cái giá của nó, và đôi khi cái giá ấy còn đắt hơn cả cái chết.

Cái giá của sống sót là phải sống với nỗi nhục cho đến chết. Nỗi nhục của con người là một trong những kinh nghiệm thăm thẳm nhất và dày vò nhất. Nó không buông tha anh. Nó theo sát anh từng li từng tí. Nó là bóng đen của quá khứ đổ lên thực tại và đóng sập mọi cánh cửa tương lai (các nhân vật hoặc tự sát, hoặc trốn chạy trong cô lập và chối bỏ mọi tình yêu). Cậu bé Dong Ho mang nỗi nhục đã bỏ chạy, để lại người bạn bị bắn chết của mình sau loạt đạn đầu tiên. Nỗi nhục ấy lên lên mãi trong những ngày cậu túc trực tại nhà thi đấu để đi đến một giác ngộ hãi hùng, không hề mong muốn: trước bạo lực tuyệt đối không chút nương tay trước thân xác con người, “có lẽ dù đó là ai mình cũng sẽ chạy trốn thôi, cậu nghiến chặt răng mà nghĩ. Dù người đó có là các anh, là bố, là mẹ đi nữa, cậu cũng sẽ chạy trốn thôi.” Con người thì yếu đuối. Sự thật ấy mới cay đắng làm sao.

Nỗi nhục của người sống sót còn là nỗi nhục bị lăng mạ và tước đi phẩm giá. Phẩm giá là thứ con người nương tựa vào, là điểm tựa cho danh dự của anh ta, dù đó chỉ là thứ danh dự căn bản, giản đơn nhất: danh dự của kẻ làm người, của một sinh vật biết sống cao hơn những bản năng thông thường của loài vật. Nhưng phẩm giá cũng lại quá đỗi mong manh. Nếu biết cách, nếu đặt vào tay những kẻ hủy diệt phẩm giá chuyên nghiệp, thì phẩm giá bị nghiền nát một cách dễ dàng, như một nhân vật trong tiểu thuyết đã so sánh nó với thủy tinh. Chương 4 lấy hình thức là một cuộc phỏng vấn nhân chứng sống sót sau sự kiện Gwangju. Nhân vật tôi bị tra tấn thể xác khi người ta dùng chiếc bút kẹp vào ngón tay rồi vặn mỗi ngày cho đến khi vết thương toác ra lộ cả xương, rồi họ sẽ bị nhét bông tẩm cồn vào chỗ vết thương ấy. Nhưng kinh khủng hơn cả đau đớn thể xác, đấy là nỗi nhục họ phải gánh chịu khi những người bắt giữ bị bỏ đói và cứ hai người một phải chia nhau một phần thức ăn ít ỏi.

Người kể nhớ lại rằng mình “như một con thú đã dần bị hút mất linh hồn, nên khi chung nhóm với Kim Jin Soo tôi thấy yên tâm. Vì cậu ấy trông có vẻ không phải là người ăn nhiều.” Cái ý nghĩ ấy mới ê chề làm sao. Nếu nỗi sợ chưa bẻ gãy tinh thần anh, thì cơn đói có thể đập nát phẩm giá của anh chỉ trong thoáng chốc. “Cơn đói tựa như cái giác hút trắng đục dai dẳng bám chặt vào đôi mí mắt rách bươm, vào trán, vào đỉnh đầu, vào sau gáy chúng tôi”, khiến những người vừa mới đây thôi còn chiến đấu vì chính nghĩa, vừa đứng trong một tập thể lớn lao, vừa mới đây thôi còn sẵn sàng đón nhận cái chết, thì nay “đánh nhau như loài thú vật chỉ vì một hạt cơm, một miếng kim chi.” Suy ngẫm của nhân chứng ở chương 4 rất nhiều năm sau sự kiện ấy khiến người đọc không khỏi cảm thấy cay đắng: “Có phải chúng ta chỉ đang sống trong ảo tưởng về phẩm giá con người, còn thực ra bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể biến thành một thứ chẳng là gì cả, thành sâu bọ, thành thú vật, thành một đống mủ dịch lẫn lộn? Bị sỉ nhục, bị bôi nhọ, bị tàn sát, phải chăng đó là bản chất của con người đã được chứng minh trong lịch sử?”

Như thể nỗi nhục cá nhân còn chưa đủ, người sống còn phải gánh trên lưng nỗi nhục của cả người chết nữa. Ở chương 3, nhân vật Kim Eun Sook, một biên tập viên của nhà xuất bản bị đưa vào phòng thẩm vấn và bị tát bảy cái vào mặt đến tóe máu bởi một người không hề có vẻ hung ác tàn nhẫn, mà “giả sự tình cờ gặp trên đường thì hẳn người này trông cũng giống một chủ nhiệm hay trưởng phòng một công ty bình thường nào đó”. (Điều cay đắng của thời đại chúng ta là con người không còn ở trong cuộc chiến với một cái ác khồng lồ nữa, mà đã đi vào cuộc chiến tàn nhẫn không kém, giữa những con người hoàn toàn bình thường). Cô Kim quyết định mỗi ngày sẽ quên đi bảy cái tát, thế là chỉ một tuần thôi cô sẽ quên được nỗi nhục ấy. Nhưng nỗi nhục ấy lại không phải như một kí ức cá nhân tồi tệ mà quên là quên được. Nó lớn lên cùng cảm giác bất lực khủng khiếp, khi cô càng lúc càng không thể hiểu nổi con người (cái tát ấy đến từ một bàn tay bình thường “có thể đến từ bất cứ đâu”), không thể bảo vệ những gì đúng đắn (cô không khóc khi bị tát, nhưng lại khóc khi phải trả lại tác giả Seo tập bản thảo cô đã không cứu được), không thể hiểu nổi cuộc sống (cô không hiểu, thậm chí gọi điện cầu xin người ta hãy ngắt đài phun nước đi, tại sao nó vẫn hoạt động như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra). Nỗi nhục sẽ còn mãi, bởi đấy là nỗi nhục chung của cộng đồng, của con người nói chung (chừng nào ta vẫn giữ một ý niệm, dù mơ hồ, về tính người), chứ không phải của một cá nhân riêng lẻ. Những người sống sẽ phải gánh cả nỗi nhục của những người đã chết, như trong những lời chiêu hồn của người phụ nữ trên sân khấu kịch ở cuối chương 3: “Sau khi bạn chết, chẳng thể nào làm được lễ tang, cuộc đời tôi đã trở thành lễ tang của bạn.”

3. Người viết

Nhưng chỉ cái ác, cái bạo lực thì hẳn khó khiến nỗi nhục của con người trở nên khủng khiếp như vậy, đến độ cảm giác chung của các nhân vật sống sót trong Bản chất của người là thấy sự sống sót của mình là một thứ tội lỗi không thể dung thứ, và luôn trông đợi cái chết giải thoát họ khỏi nỗi nhục phải sống. Họ chiến đấu không phải với cái ác nữa, mà chiến đấu với “nỗi nhục nhã vì mình đã sống sót, và vì mình đã sống tiếp”. Con người là một sinh vật đầy nghịch lý. Như thể sự yếu đuối nơi thể xác của chúng ta là chưa đủ, con người còn phải chịu đựng sự dày vò của lương tâm nữa. Hình như ngoài bản năng sinh tồn, con người còn một bản năng thứ hai rất nhiều khi xung đột dữ dội với bản năng thứ nhất. Bản năng này khao khát cái cao cả, cái thiện. Mọi phẩm giá sinh ra từ bản năng thứ nhì này, mà hình như mọi đau khổ tinh thần cũng sinh ra vì nó. Nhân chứng trong chương 4 có nói một câu thấm thía rằng họ biết quân lính mạnh áp đảo, nhưng “có một thứ gì đó mãnh liệt không kém sức mạnh của quân đội, và thứ đó đã khuất phục tôi. Lương tâm. [...] Đó là thứ đáng sợ nhất thế gian này”.

Chính lương tâm đã khiến cậu bé Dong Ho dù biết mình sẽ phải chết, nhưng vẫn ở lại, bởi cậu thấy “không thể tha thứ cho bất cứ điều gì, kể cả bản thân cậu.” Nhân vật nữ trong chương 5 đã tìm cách trốn chạy khỏi quá khứ tàn bạo. Nếu nhân chứng khác bị ám ảnh bởi cái chết tàn khốc xảy ra ngay trước mắt họ, thì cơn ác mộng của cô lại “lạnh lẽo và tĩnh lặng. Đó là một nơi sau khi máu đã khô không để lại dấu vết và xương đã dãi dầu nắng mưa mà tan biến.” Quá khứ trở thành một bóng đêm vô thù hình đầy đáng sợ. Nhưng một câu nói cứ lưu lại mãi trong cô, không cho phép cô tiếp tục chạy trốn. Đó là lời của người chị Seong Hee, một lời vụng về, không có cơ sở, giống với một niềm tin hơn là một sự xác nhận, nhưng vẫn mang sức mạnh dữ dội. “Chúng ta là cao quý.” Người ta sẵn sàng chết và quả thực đã chết cho cái mệnh đề giản dị và không hề có cơ sở ấy. Một khi nó đã cất lên, một khi nó đã đi vào tâm trí và đánh thức lương tâm, nó sẽ không cho con người yên ổn trong sự mù và sự ngu dốt.

Lương tâm luôn âm ỉ trong tâm trí con người, ngay cả khi anh cố gắng chối bỏ sự tồn tại của mình. Con người bi kịch vì có lương tâm. Nhưng không thể không có lương tâm. Bởi không có lương tâm thì không còn là con người nữa. Con người buộc phải đi theo tiếng gọi của nó. Trong chương kết, Han Kang không che giấu sự dằn vặt của kẻ đến muộn, khi bà lần lại những dấu vết của cuộc thảm sát năm xưa. “Đáng ra tôi phải tới đây trước khi sàn nhà kia bị đào lên. Tôi phải tới đây trước khi những bức vách bao công trường được dựng lên bên ngoài tòa nhà Ủy ban tỉnh đang thi công. Đáng ra tôi phải tới đây trước khi người ta dỡ bỏ hàng cây ngân hạnh chứng kiến tất cả mọi chuyện, trước khi cây hòe 150 năm tuổi bị chết khô.” Người viết đến quá muộn. Tức là thêm một nỗi nhục. Nhưng muộn còn hơn không. Không thể không viết. Viết, cũng như văn chương, có thể là gì khác ngoài một thôi thúc của lương tâm đây? Để đáp lại và hoàn trả nỗi nhục của những người đã chết trong quá khứ. Để “sao cho không một ai có thể xúc phạm tới em tôi được nữa”, như lời người thân của cậu bé Dong Ho đã nói với nhà văn. Để đánh động lương tâm của độc giả hiện tại và sau này. Không thể không viết. Bởi con người là cao quý.

Nguồn bài viết: Clueless Reader

Hoang vu giữa thành phố lớn

Hoang vu giữa thành phố lớn

Năm 2022, tiểu thuyết Tình yêu ở thành phố lớn của nhà văn Sang Young Park cùng tập truyện ngắn Con thỏ nguyền...

Thứ Ba, 03/12/2024