NDO - “An Nam thời xưa” (Nhà xuất bản Thế giới và Nhã Nam ấn hành) được công chức Đông Dương Pierre Pasquier (sau là Toàn quyền Đông Dương) viết cách nay hơn một thế kỷ (năm 1906), gồm 12 bài diễn thuyết ở Hội Thương nghiệp và Hội Địa dư học thành Marseille. Học giả xưa từng đánh giá công trình này như một “Lịch chiều hiến chương toát yếu của một nhà Tây nho… đã dụng công quan sát về sự sinh hoạt của quốc dân ta” từ trước khi thực dân Pháp sang Đông Dương.
Nhắc đến Pierre Pasquier, giới đọc và nghiên cứu nghĩ đến một gương mặt quan chức Pháp trong bộ máy chính quyền thực dân Đông Dương, cũng đồng thời là một người nghiên cứu, người viết ưa trải nghiệm. Pierre Pasquier tốt nghiệp trường Thuộc địa, rồi vào ngạch công chức Đông Dương, từng là Khâm sứ Trung Kỳ, rồi Quyền Toàn quyền Đông Dương trước khi chính thức được bổ nhiệm Toàn quyền Đông Dương năm 1928 đến 1934.
“An Nam thời xưa” ra đời trước hết để phục vụ những quan cai trị Pháp mới sang Đông Dương, gồm 12 chương nội dung đáng chú ý như “Gia đình”, “Làng xã”, “Hoàng Đế và Triều đình An Nam”, “Một tỉnh của An Nam”, “Võ ban quân đội An Nam”, “Văn bản giáo dục An Nam”, “Luật An Nam”, “Trình tự tố tụng ở An Nam chế độ ruộng đất”, “Thuế thân”, “Thuế điền địa và các thuế khác”, “Các công trình lớn thời trước”, “Văn thơ An Nam”.
Đơn vị xuất bản Nhã Nam thì cho rằng “An Nam thời xưa” là một trong những tác phẩm nổi trội giữa các cuốn sách của người Pháp viết về xứ An Nam. Mặc dù không tránh được những nhầm lẫn về thông tin, chưa kể những quan điểm, tham vọng của nhà chính trị thực dân, nhưng tính chất nghiên cứu của trước tác đáng được xem là tác phẩm tham khảo quan trọng cho giới Việt Nam học cũng như công chúng quan tâm đến lịch sử, văn hóa nước nhà.
Ghi chép quý về tổ chức xã hội, phong tục, đời sống
Pierre Pasquier sau hơn 10 năm lăn lộn với xứ An Nam mới bắt đầu những trang viết về xứ sở này. Dễ thấy trong nhiều chương sách một đời sống tinh thần, văn hóa phong phú của cha ông ta đã được ghi lại.
“Lễ hội làng cực kỳ thú vị với vẻ đẹp như tranh”- tác giả viết và miêu tả sống động: “Cờ xí có hình dáng ngọn lửa phấp phới trong hàng ngàn tiếng hát trầm bổng dưới ánh mặt trời, tiến về phía ngôi chùa nằm giữa hàng cờ cắm trên đất náo nức phần phật trong gió…; cả một đám đông nối hàng uốn khúc đi theo con đê, và đám rước đầy màu sắc này, tất cả đều rực rỡ ánh sáng, rồi mất hút trong bóng mát của các cội đa…”.
_____________________________
Lễ hội làng cực kỳ thú vị với vẻ đẹp như tranh.
-- Pierre Pasquier --
_____________________________
Pierre Pasquier cũng dành một chương cho những miêu tả, nhận định về đời sống nhà vua và cung đình An Nam xưa. Không chỉ trực tiếp tái hiện quang cảnh, không gian trong và ngoài cung, tác giả cũng đưa vào sách những trích dẫn tham khảo của các quan chức Pháp khác tại Đông Dương về chủ đề này. Đó là những trang sống động về sự kiện lên ngôi của một số vị vua nhà Nguyễn của Khâm sứ Baille tại Huế. Trang phục nhà vua, quan lại, lễ nghi, tiếng động, thời tiết… của buổi lễ đều được tác giả quan tâm, lưu lại trên trang viết.
(Ảnh: Nhã Nam) |
Tư liệu tham khảo cho nhà nghiên cứu
Chương về “Văn bản giáo dục An Nam” lại cung cấp những nội dung thú vị về các đề thi thời ấy. Qua trang viết về “Võ ban quân đội An Nam”, độc giả biết thêm kỳ thi quân sự tổ chức 3 năm một lần tại Huế diễn ra cụ thể thế nào. “Thí sinh phải thể hiện sức mạnh cơ bắp bằng cách xách hai quả bóng bằng chì, mỗi quả nặng khoảng 25 ki lô gam, cho đoạn đường dài hơn 55m…”.
Và “họ phải cầm cây mâu bằng hai tay, đứng trước một người rơm cách xa 12m nhảy bật ba lần rồi phóng một cú thẳng vào mục tiêu…”. Những ghi chép khảo cứu hết sức cụ thể về tổ chức, phong tục, tập quán, đời sống hằng ngày… này của "An Nam thời xưa" là những tư liệu quý vốn còn nhiều khoảng trống trong các bộ chính sử nước nhà.
Những ghi chép khảo cứu hết sức cụ thể về tổ chức, phong tục, tập quán, đời sống hằng ngày… này của "An Nam thời xưa" là những tư liệu quý vốn còn nhiều khoảng trống trong các bộ chính sử nước nhà.
Chương về “Các công trình lớn thời trước” mô tả một đời sống trị thuỷ sống động của một dân tộc trồng lúa nước, sống bên những dòng sông. Tác giả bày tỏ sự ngưỡng mộ với những công trình này: “Ở Châu Âu của chúng ta, nơi mọi thứ đều hài hoà, nơi thiên nhiên đặc biệt bao dung, nơi thiên tai chỉ chiếm tỉ lệ hiếm hoi, nơi mọi thứ đều được đo lường, nơi cuộc chiến giữa các yếu tố và trí thông minh của con người có thể được thực hiện với sự vũ trang ngang bằng, thì các công trình như những gì đã được người An Nam thực hiện nhất định sẽ buộc ta phải ngưỡng mộ.”
Bên cạnh việc đi, tham dự, quan sát, ghi chép, Pierre Pasquier đã đọc, đối chiếu, trích dẫn so sánh và đưa ra nhiều nhận định, quan điểm về những vấn đề quan tổ chức bộ máy xã hội, đời sống An Nam. Với con mắt của “một người phương xa”, trong vai trò của chính quyền đô hộ, nhu cầu “hiểu” con người, vùng đất bản xứ đã khiến “An Nam thời xưa” trở thành tham khảo đáng kể cho các nhà Việt Nam học nói riêng và các nhà nghiên cứu nói chung.
Hà An (Nhân dân)