“9 màu chia ly” và cuộc gặp gỡ với dịch giả Lê Quang

Thứ Năm, 28/09/2023

Hà Nội - Nằm trong khuôn khổ Ngày hội Văn học Châu Âu 2022, Nhã Nam và Viện Goethe tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu tập truyện ngắn “9 màu chia ly” và giao lưu với dịch giả Lê Quang vào 18h ngày 11.5 tại Thư viện Viện Goethe (Hà Nội).

“9 màu chia ly” và cuộc gặp gỡ với dịch giả Lê Quang
Tập truyện ngắn "9 màu chia ly" của nhà văn Bernhard Schlink chính thức ra mắt độc giả Việt Nam. Ảnh: BTC

Buổi toạ đàm với sự góp mặt của dịch giả Lê Quang, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nghiên, BTV Trần Linh sẽ giúp độc giả có thể hiểu thêm về tập truyện ngắn “9 màu chia ly” của nhà văn Bernhard Schlink.

Với mỗi câu chuyện là một sắc màu chia ly, nhưng đó không phải là chia ly với cuộc đời, mà là những cuộc chia ly trong đời: Chia ly con người – những người yêu, người thân, chia ly những đoạn đời, chia ly với hy vọng, kỳ vọng, những cuộc chia ly đôi khi làm ta đau đớn nhưng cũng giải thoát cho ta.

Những sắc màu chia ly ấy đều ở gam trầm, ngả về tiết thu chứ không phải xuân hè rực rỡ, phủ lên trên những niềm tin và phản bội, hổ thẹn và tội lỗi, những khát khao sâu kín, những nuối tiếc khôn nguôi.

Bạn đọc có cơ hội giao lưu, gặp gỡ dịch giả Lê Quang tại toạ đàm. Ảnh: BTC
Bạn đọc có cơ hội giao lưu, gặp gỡ dịch giả Lê Quang trong buổi toạ đàm. Ảnh: BTC

Một số truyện u buồn, một số truyện khác lại đầy kịch tính, thậm chí đậm chất trinh thám, nhưng tất cả đều được Bernard Schlink kể bằng một giọng văn điềm tĩnh, giản dị, và cái kết thường được giữ ở tình trạng lửng lơ.

Sự điềm đạm ấy để dành rất nhiều chỗ cho người đọc suy tưởng, chiêm nghiệm và tự đi đến những kết luận riêng tư. Bản dịch của Lê Quang đã chuyển tải xuất sắc cả nội dung và phong cách ấy.

Buổi tọa đàm cũng giúp cho độc giả Thủ đô có cơ hội giao lưu, gặp gỡ với Lê Quang - một dịch giả hiếm hoi, uy tín ở mảng văn học hiện đại. Anh là một trong những người dịch tiếng Đức hàng đầu, cả biên và phiên dịch, trở thành cây cầu nối văn hóa và xây đắp sự thông hiểu Đức - Việt trong nhiều lĩnh vực, nhưng công chúng biết đến Lê Quang chủ yếu ở mảng dịch văn học.

Trước khi dành nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp biên phiên dịch tại Việt Nam, anh đã sống, học tập, làm việc ở Đức gần 30 năm và có những trải nghiệm sâu sắc về nước Đức mà không phải ai cũng có được.

Anh nổi danh với hơn 40 tác phẩm được đông đảo độc giả Việt Nam biết đến như “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng thế giới” (Haruki Murakami), “Phút tráng lệ cuối đời” (Michael Kumpfmüller), “Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Nam tước Munchhausen”...

Anh cũng là người đã dịch nhiều tác phẩm của nhà văn Bernhard Schlink sang tiếng Việt như “Người đọc”, “Người đàn bà trên cầu thang”, “Những cuộc chạy trốn tình yêu”, “Mùa hè dối trá” và giờ là đến tập truyện ngắn “9 màu chia ly”.

 

Thanh Hương (Báo Lao động)

Điều nhỏ bé phi thường

Điều nhỏ bé phi thường

Người bạn phi thường (tựa gốc tiếng Ý: L'amica geniale, tựa tiếng Anh: My Brilliant Friend) là phần mở đầu cho bộ 4 tiểu...

Thứ Hai, 26/08/2024