Tình phụ tử cao đẹp giúp trẻ em chiến thắng bệnh tự kỷ

Thứ Năm, 28/09/2023

Tình phụ tử mà người cha dành cho đứa con, đã mang lại điều kỳ diệu cho quá trình hội nhập cuộc sống bình thường của trẻ em mắc bệnh tự kỷ.

Tình phụ tử thường được thể hiện một cách âm thầm.

Tình phụ tử thường được thể hiện một cách âm thầm.

Tình phụ tử ít được đề cập hơn tình mẫu tử. Tình phụ tử thường được thể hiện một cách âm thầm và lặng lẽ. Tình phụ tử là chủ đề không quá mới mẻ trong nền văn học thế giới, song luôn mang lại những rung cảm sâu xa trong lòng mỗi độc giả.

Vậy tình phụ tử giữa một người cha không tự kỷ và đứa con có tự kỷ thì sao? Đó chính là câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Bỉ- Laurent Demoulin, giành được giải Victor-Rossel danh giá. “Robinson có tự kỷ của tôi” là tác phẩm rất cảm động về tình phụ tử, cũng như về hành trình tìm hiểu thế giới nội tâm của những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ.

Câu chuyện đề cập đến Robinson, một cậu bé tự kỷ 10 tuổi, và người cha là giáo sư đại học gồm những mẩu chuyện ngắn xảy ra trong cuộc sống thường ngày của hai cha con: những lần đi siêu thị, những cuộc hẹn hò dạo quanh khu phố, những buổi tới công viên hay những câu chuyện dở khóc dở cười của người cha khi ở nhà trông cậu con trai khó chiều.

Tuy thế giới của hai cha con chỉ xoay quanh những chuyện tưởng như đơn giản là ăn uống, tắm rửa, mua sắm… nhưng đó là cả một cuộc phiêu lưu chồng chất những khó khăn, thách thức và cả đau đớn, tuyệt vọng. Qua đó, độc giả nhận ra sự tinh tế lẫn hài hước trong lối viết của tác giả - người có khả năng biến những trải nghiệm đau đớn, tuyệt vọng bậc nhất thành một khúc ca dịu êm của tình phụ tử.

“Robinson có tự kỷ của tôi” lẽ ra là một cuốn sách nặng nề đau đớn bởi khiếm khuyết mà cậu bé phải chịu, vậy mà độc giả lại bắt gặp những câu chuyện trong trẻo, hài hước, tràn đầy năng lượng từ cậu bé kháu khỉnh ấy, từ những tiếng reo vui đến điên rồ và cả từ tình yêu mà cậu dành cho người cha sẵn lòng chấp nhận toàn bộ con người cậu. Người cha ấy không nản chí, không bi kịch hóa cuộc đời mà luôn dang rộng vòng tay yêu thương.

Tình phụ tử cao đẹp, đủ để người cha nhận ra: “Robinson chẳng gặp vấn đề gì hết. Đôi lúc nó buồn, đôi lúc nó cằn nhằn, đôi lúc nó đau bụng. Nhưng phần lớn thời gian nó vui vẻ, hòa nhã, thoải mái và hài lòng với những mối bận bịu của riêng mình. Nó không gặp vấn đề gì. Nhưng nó lại là một vấn đề. Trong thế giới nó đang sống và nó sẽ sống mai kia”

Tuy nhiên, có thể độc giả sẽ ngỡ ngàng bối rối khi bắt gặp một chủ để xuất hiện kha khá lần trong tiểu thuyết: chủ đề về phân. Robinson luôn mang bỉm và đột nhiên, đến một khoảnh khắc cao trào nào đó, cậu sẽ sử dụng nó như vũ khí tự vệ, ném nó lên tường hay vào người khác như một cách nói “không”.

Dẫu bất lực và tức giận mỗi khi gặp cảnh ấy, người cha có vẻ không quá tuyệt vọng, thậm chí ông còn nâng chủ đề ấy lên tầm triết lý: “Giống như việc không một loài động vật nào mất thời gian vẽ lên các vách hang hoặc khắc lên ngà voi, thì cũng không một loài động vật có vú nào khác lại chơi với phân của mình. Việc này nằm trong mối tương quan của chúng ta với thế giới, trong mối ràng buộc kỳ lạ, mơ hồ, ngược đời gắn kết ta với cơ thể của chính mình, hòa trộn văn hóa với thiên nhiên, lôi cuốn và từ bỏ, khát khao và tội lỗi – giống như thức ăn, như bản năng tình dục, như cái chết”.

'Robinson có tự kỷ của tôi' là tác phẩm cảm động về tình phụ tử.

“Robinson có tự kỷ của tôi” là tác phẩm cảm động về tình phụ tử.

Tác giả Laurent Demoulin sinh năm 1966 tại Liège, Bỉ. Xuất thân là một giáo viên trung học, ông tiến xa hơn vào con đường nghiên cứu văn chương và đảm đương cùng lúc nhiều vai trò, nhà thơ, nhà tiểu luận, nhà phê bình văn học và hiện là Giáo sư chủ nhiệm khoa Văn học và Ngôn ngữ Roman tại Đại học Liège. Các luận án nghiên cứu của Laurent Demoulin xoay quanh sáng tác của Jean-Philippe Toussaint và Francis Ponge. Ngoài ra, ông còn là người phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Quỹ Georges Simenon.

Trong một dịp giao lưu trực tuyến với độc giả Việt Nam vào tháng 12/2021, Laurent Demoulin từng chia sẻ về tác phẩm của mình: “Đây là một cuốn tiểu thuyết, không phải một câu chuyện có thật. Tôi chỉ viết lại câu chuyện thông qua ngôn ngữ văn học. Tôi xin nhấn mạnh, đây là một câu chuyện về tình yêu. Tôi nói về những tình huống thường ngày của một đứa trẻ tự kỷ. Để có những “thường ngày” vui vẻ nhẹ nhàng ấy đòi hỏi cha cậu phải có một tình yêu thương rất lớn dành cho con. Cậu bé đã rất vui vẻ, hành trình của cậu mà chúng ta thấy có thể có hành động ngốc nghếch, khác biệt, nhưng điều quan trọng là cậu đã rất vui vẻ trong thế giới của mình. Tôi hi vọng đây là cuốn sách có nhiều chất thi ca”

“Robinson có tự kỷ của tôi” là thiên sử thi và khúc bi ca, là chuyện kể phiêu lưu và vở hài kịch, là suy tưởng triết học và chuyến dạo chơi về văn chương, nhưng nó hoàn toàn không phải một “bản tường trình” về căn bệnh tự kỷ. Bởi trên hết, Laurent Demoulin là một nhà văn với ngôn từ phong phú, một giáo sư văn học, chuyên gia ngôn ngữ, là người biết rõ hơn ai hết rằng “không có ngôn ngữ, kẻ khác ở khắp mọi nơi, trong ta, quanh ta, xuyên ta”

Bằng ngôn từ của mình, Laurent Demoulin đã biến những trải nghiệm đau đớn, tuyệt vọng bậc nhất thành một khúc ca dịu êm của tình phụ tử. Trật tự thành hỗn độn, lộn xộn hóa hài hòa, “Robinson có tự kỷ của tôi” đã khiến chúng ta nhận ra cuộc đời này đủ rộng lớn để chào đón tất cả những khác biệt vốn dĩ tạo nên con người.

Bạn đang đọc bài viết Tình phụ tử cao đẹp giúp trẻ em chiến thắng bệnh tự kỷ tại chuyên mục Văn hóa của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0369024447.

Phạm Tuấn (Báo Nông nghiệp)

Điều nhỏ bé phi thường

Điều nhỏ bé phi thường

Người bạn phi thường (tựa gốc tiếng Ý: L'amica geniale, tựa tiếng Anh: My Brilliant Friend) là phần mở đầu cho bộ 4 tiểu...

Thứ Hai, 26/08/2024