Tiếng núi hay Tiếng rền của núi là tác phẩm được Kawabata viết trong giai đoạn từ 1949 – 1954, nói về cuộc sống, gia đình và các mối quan hệ giữa người với người qua cái nhìn của Shingo – một ông già tuổi ngoại lục tuần. Về cơ bản thì đó chỉ là những sự vụ rất đời thường trong 1 gia đình Nhật những năm sau thế chiến II, nhưng ẩn sâu trong đó là những cảm thức rất sâu xa của 1 lớp người về 1 nước Nhật thất bại trong cuộc chiến, về những biến chuyển của xã hội hậu chiến, về nỗi giằng xé giữa truyền thống thanh đẹp đang mai một và những nề nếp tân tiến đang vội vã thành hình, về những ẩn ức và những nỗi sợ hãi của tuổi già, về cái đẹp của thiên nhiên, văn hóa và nét đẹp của người phụ nữ (tất nhiên!).
Tiếng núi hay tiếng lòng người đang sợ hãi về sự quên và bị lãng quên khi kí ức dần tuột mất và cái chết lần mò đến. Ngay chương đầu tiên, chính Shingo đã thổ lộ cùng độc giả những tâm trạng lơ lửng này của mình. Bởi cái tuổi 60 là cái tuổi xế chiều, lửng lơ giữa hoàng kim của tuổi trưởng thành và bóng đêm của tuổi già, thế nên cái tâm trạng của Shingo cũng mông lung, như hư như thực – như tiếng rền của núi – thứ mà Shingo có thể cảm nhận nhưng không thể xác thực là tồn tại thật hay không….
Tiếng núi hay tiếng vọng của những nét đẹp đã dần mất đi. Vẻ đẹp của thiên nhiên dần biến mất, bị thay thế bởi những thực thể khác. Và cái đẹp đó còn mất đi vì con người không còn thấy nó đẹp nữa, không còn thời gian ngắm nhìn, không còn mong muốn được ngắm nhìn – khi đó nó cũng mất đi. Cái đẹp mất đi trong mắt người nhìn – vì người ta chỉ nhìn mà không thấy!
Tiếng núi hay tiếng rên rỉ đau đớn của 1 dân tộc đầy bản sắc và tự trọng phải nếm trải tủi nhục của thất bại sau chiến tranh. Hệ quả là khi những chiến binh – những kẻ bại trận trở về nhà, họ mang về theo những tổn thương, những nhục nhã, họ đổ lên xã hội những giận dữ, những suy đồi. Điều này kéo theo những thanh âm khác, sắc nhọn và thô lậu – nó cũng góp phần làm nỗi sợ của lớp người già lớn hơn, và đẩy cái đẹp truyền thống lùi sâu thêm vào dĩ vâng…
Tiếng núi hay tiếng rơi rạn vỡ của những giá trị gia đình, của mối quan hệ giữa con người với nhau. Đó là sự rạn vỡ trong chính gia đình Shingo – mối quan hệ vợ chồng (và tình nhân), mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, và đủ thứ quan hệ xã hội nhập nhằng khác nữa. Có cảm giác như Kawabata nhìn thấy xã hội đang tan rã ra từ từ vậy.
Tiếng núi – cũng như những tác phẩm khác của Kawabata mà tôi từng đọc, đều mang những nét đặc trưng theo đúng phong cách của nhà văn, đó là: đề cao cái đẹp phi lý trí, mang những màu hoài niệm trầm buồn và mang theo cái mùi ẩm ướt ngai ngái, vừa tinh khiết thanh sạch vừa “giường chiếu”. Đặc biệt, những tác phẩm của Kawabata đều ẩn chứa những hình ảnh ẩn dụ sâu sắc và tinh tế, dùng cảnh tả người, dụng vật khắc tâm. Đó là những ẩn dụ nằm trong những hình ảnh, âm thanh như: “tiếng rền của núi”, “bông hoa hướng dương lìa cành”, “đàn chim sẻ và chim bạc má”, “hai cây thông cao vượt trên khu rừng”, “cây anh đào và bụi cây bát thủ”..v..v..Việc khéo léo sử dụng những hình ảnh ẩn dụ mà chẳng cần lý giải gì thêm của Kawabata, nó vừa thể hiện nội tâm tinh tế, sự đồng điệu sâu sắc giữa con người và thiên nhiên, vừa khắc họa cá tính duy mỹ kiểu Nhật của tác giả, vừa khiêm cung vừa tao nhã, vừa e thẹn ý vị vừa thông tuệ khoáng đạt. Điều này khiến cho Kawabata như 1 người hành văn theo niêm luật của thơ Haiku vậy!
P/s: Người bạn đọc cùng tôi cuốn này ngay khi bắt đầu đọc đã phải dừng lại và tuyên bố: Môi ngày chỉ đọc một vài trang thôi kẻo hết – vì bạn muốn nhấm nháp và thưởng thức món “Tiếng núi” này thật chậm rãi, thảnh thơi (thực ra tôi nghi do bạn lười). Tôi hoàn toàn hiểu cho nỗi lòng đó của bạn, nhưng tôi là kẻ phàm ăn, đã thấy món ngon là ăn phầm phập, hùng hục. Thế nên đọc cùng nhau nhưng tôi xong khi WC còn chưa xong vòng bảng, còn bạn tôi chắc phải bế mạc Seagames năm sau mới hoàn thành!
P/s2: ảnh Duy Thuy Đang