Review Thú tội vì quá ám ảnh !
« Moriguchi là giáo viên cấp hai, đồng thời là bà mẹ đơn thân của một cô gái 4 tuổi. Một hôm, xác cô bé được phát hiện trong bể bơi trường học. Cảnh sát nhận định đây là một vụ tai nạn nhưng Moriguchi biết ai đã sát hại con gái mình – kẻ ở ngay trong lớp học do mình chủ nhiệm. Moriguchi bắt đầu kế hoạch báo thù của riêng cô… ».
Đây là lời tựa phía sau cuốn sách của NXB Nhã Nam. Thú tội đã được Nhã Nam gắn tag Trinh thám – Kinh dị, nhưng với cá nhân mình, cuốn sách này nên được gắn tag Tâm lý. Không có tình tiết phá án, không có bí mật về tội phạm, từng con chữ của Kanae Minato xoáy sâu vào tâm lý của từng nhân vật, lý do tại sao các nhân vật đó lại bị đẩy đến hành trình của tội ác. Tính « kinh dị » trong Thú tội không phải là những tình tiết tạo cảm giác kinh sợ đến náo loạn, mà bởi vì tội ác trong thú tội quá thật, thật đến nỗi khi các nhân vật kể về chuyện mình giết người thản nhiên như câu chuyện hôm đó họ tỉnh dậy vào lúc mấy giờ vậy. Chính vì thế nên tớ đã có cảm giác ớn lạnh suốt hơn 200 trang truyện.
May mắn là trước khi đọc Thú tội, tớ chỉ đọc lời dẫn phía sau cuốn sách. Chính vì thế nên tớ giữ được cảm xúc trọn vẹn khi đọc cuốn sách này (và bị ám ảnh mất 3 ngày đọc truyện, đến nỗi đêm ngủ cũng không ngon luôn các cậu ạ). Thế nên là, nếu các cậu chưa đọc thì hãy tắt bài viết này của tớ đi, đừng quan tâm nữa, khi nào đọc xong hãy quay lại ăn miếng bánh uống miếng trà rồi mình cùng đàm đạo. Hãy giữ cảm xúc của các cậu nhé, các cậu sẽ có cảm nhận tuyệt vời, tớ đảm bảo đấy.
Còn cậu nào đã đọc rồi nhỉ? Mình nói chuyện chút đi.
Tớ ấn tượng nhất chính là cách gắn tên mỗi nhân vật vào một cái danh có liên quan đến « đạo ». Nhưng đến cuối cùng tự chúng ta đều phải hỏi, « đạo » ở đây là gì?
Yukio Moriguchi – Kẻ giảng đạo.
Câu chuyện mở đầu bằng buổi học cuối cùng của Moriguchi với lớp B. Moriguchi kể lại những câu chuyện nhỏ với giọng thủng thẳng của một giáo viên: từ lời khuyên hãy uống nhiều sữa, đến câu chuyện nghịch ngợm của lứa tuổi mới lớn dễ lưu thù để hận với giáo viên và tìm cách trả thù, rồi câu chuyện về gia đình Moriguchi – chuyện về vị hôn phu bị nhiễm HIV, về đứa con gái Manami bé bỏng của mình và về câu chuyện mình là mẹ đơn thân ra sao, chăm sóc con gái thế nào. Những câu chuyện nhỏ nhặt như những câu chuyện chúng ta thường nói hàng ngày, nhưng mỗi câu chuyện đều là căn nguyên của chuỗi bi kịch.
Moriguchi kể rằng cô biết tỏng tính cách kiêu ngạo, muốn được nổi bật và có tâm lý biến thái, thích hành hạ thú vật của học sinh A, và A đã bị Moriguchi bắt bài ra sao; cô cũng biết học sinh B đã ghi thù oán với cô chỉ vì cô nhờ thầy giáo lớp khác đến bảo lãnh cho B khi B gặp rắc rối, cô giải thích lý do trường có quy tắc ngầm về việc đó và cô tuân theo vì lý do hợp tình hợp lý. A và B đã giết hại Manami bé bỏng của cô, cướp mất lý do sống của một người mẹ đơn thân. Cô thật đáng thương. Bởi thế nên cô trả thù những kẻ giết con của mình là đúng. Hơn nữa, Moriguchi nghĩ rằng chính xã hội, chính Luật pháp đã bảo vệ những kẻ giết người vị thành niên. Bởi vì chỉ cần chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, dù giết người thì cũng chỉ phải đi cải tạo thôi mà.
Moriguchi thủng thẳng kể những câu chuyện như chuyện của người ta, nhưng kết thúc buổi nói chuyện, tớ cảm nhận được giọng nói lạnh lẽo của cô:
« Cô đã pha máu có virus HIV của bố Manami vào sữa của hai bạn đó. … »
Tình tiết mở đầu chuỗi bi kịch của cả cuốn sách.
Mizuki Kitahara – Kẻ tuẫn đạo.
Mizuki là người có lý tưởng sống của mình. Chính Mizuki cũng có nhiều lần suy nghĩ về cuộc sổng, về cuộc đời của người khác. Mizuki là người thẳng thắn, chính trực. Cô tự biết mình không có quyền đưa ra sự trừng phạt với ai. Bởi đó, Mizuki đứng ngoài « phiên toà xét xử của phù thuỷ ».
Có một đoạn phân tích rất hay về tâm lý con người trong chương truyện của Mizuki như thế này: « Phần lớn mọi người đều mong muốn được khen ngợi. Song làm việc tốt, việc đáng nể thì vất vả lắm. Vậy cách đơn giản nhất là gì. Chỉ cần chỉ trích người làm việc xấu thôi ». Chỉ cần lên án và trừng phạt người xấu, có nghĩa mình là người tốt. Học sinh lớp Mizuki đã bắt nạt học sinh A, để chứng minh họ là người tốt, họ không đồng tình với kẻ giết người. Cuối cùng thì dùng bạo lực để chống lại bạo lực liệu có phải là điều đúng đắn?
Vẫn theo dòng kể của Mizuki, Mizuki quan sát thầy giáo chủ nhiệm kế tiếp lớp mình, một thầy giáo được coi là nhiệt huyết, hết lòng với học sinh. Nhưng sự nhiệt huyết đó đầy tính giả dối, vì ông ta chưa bao giờ thực sự muốn tìm hiểu về học sinh của mình cả. Ông ta làm ầm chuyện học sinh B không đến trường, dù Mizuki đã cố gắng biểu thị cho ông ta thấy là B không thể đến trường được nữa, nhưng ông ta không nghe. Ông ta coi việc đưa được B trở lại trường học là một mục tiêu để nâng cao hình ảnh của bản thân. Sự hời hợt, vô trách nhiệm và ích kỉ của ông ta đã đẩy đến bi kịch sau đó:
B đã giết mẹ của mình.
Mẹ của B – Kẻ nhân từ.
Tớ không biết dùng cụm từ « nhân từ » cho mẹ của B có thực đúng không, bởi vì bà chỉ nhân từ với B. Bà yêu thương B và tin B vô điều kiện. B có liên quan đến cái chết của con gái cô chủ nhiệm, bà nghĩ rằng B chỉ vô tình là nhân chứng. B nhận rằng mình đã giết người, bà nghĩ rằng cậu ta bị bạn xấu dụ dỗ, bị bạn xấu ép phải giết người, thậm chí còn nghĩ rằng cô chủ nhiệm đã nói dối để đổ oan cho con trai mình. B không chịu đến trường, bà nghĩ rằng con trai bà đang hối hận vì một chuyện đáng ra con bà không phải chịu trách nhiệm. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu dành cho con.
Cho đến khi hình ảnh « hiền lành » mà bà cố gắng gây dựng cho con không còn nữa, không thể cứu vãn được nữa, mẹ của B muốn kết thúc tất cả bằng một tội ác khác.
Mẹ của B muốn giết con trai mình.
Naoki Shimomura – Kẻ cầu đạo.
Đoạn tự sự của Naoki là đoạn tớ thích nhất. Naoki đã thực sự thấu hiểu sự sống từ sau khi Moriguchi tiết lộ sự thật về hộp sữa. Cậu biết ơn vì mỗi ngày mở mắt ra mình còn sống. Cậu biết ơn vì món ăn mẹ nấu ngon. Cậu biết ơn vì chị gái cậu đã sinh ra một sinh mệnh mới. Cậu biết ơn vì cậu đang được sống mỗi ngày.
Naoki giữ gìn sự sống bằng cách không tắm gội, không cắt tóc, không cắt móng tay. Tác giả xử lý đoạn này cực kì tinh tế. Ai mà biết được tim đập ra sao khi thứ đó nằm sâu trong lồng ngực chứ. Móng tay và tóc đang dài ra mỗi ngày, đấy không phải là bằng chứng thấy được bằng mặt thường về việc chúng ta đang sống hay sao?!
Thế nhưng, Naoki không giữ được sự sống của mình lâu. Mẹ của Naoki đã lén cắt tóc của Naoki, điều đó khiến cậu nhận ra rằng « sống » không phải là tồn tại, mà phải giữ được trái tim thanh khiết của mình. Cậu là kẻ giết người. Cậu không còn là con người nữa, mà là xác sống. Máu của cậu là vũ khí sinh học. Naoki đã làm một việc điên rồ: Biến tất cả thành xác sống. Truyền HIV cho người khác.
Shuya Watanabe – Kẻ sùng đạo.
Có lẽ đoạn tự sự của Shuya là đoạn khiến tớ mất tập trung nhiều nhất. Vì hầu hết tình tiết câu chuyện đã được lắp ráp đủ từ những chương trước, và vì Shuya thực sự là kẻ vô cảm.
Shuya muốn nhận được sự công nhận, sự chú ý của mẹ – người đã rời bỏ cậu để theo đuổi ước mơ – mà từ việc cố gắng trở thành nhà phát minh thiên tài biến thành một kẻ giết người. Thậm chí, Shuya đã thấy vui mừng vì biết mình uống sữa pha cùng với máu có chứa virus HIV, bởi cậu hy vọng mẹ cậu sẽ xuất hiện khi cậu bị bệnh.
Không chấp nhận với việc mình bị mẹ bỏ rơi, Shuya đã lên một kế hoạch điên rồ: Đánh bom toàn trường.
Masayoshi Sakuramiya – Kẻ truyền đạo.
Một người chỉ được điểm tên vài lần, nhưng luôn được ghi nhớ với cái tên « Người thầy cứu rỗi », và cả cụm từ « HIV » nữa.
Đọc đến chương cuối cùng này tớ mới hiểu rốt cuộc « đạo » mà tác giả nhắc đến ở đây là gì. Đạo chính là sự sống. Sự sống tồn tại ở đâu, chúng ta trở lại những chương truyện trước, đặc biệt là chương truyện của Naoki, thì sự sống của mỗi người chính là sự lương thiện trong lòng mỗi người. Con người chỉ sống khi trái tim cảm nhận được sự sống không phải của mình, mà là sự sống của người khác. Sự lương thiện đó là do mỗi con người tự hình thành, không phải là kết quả của xã hội hay sự dạy dỗ của gia đình và nhà trường.
Moriguchi cố gắng dạy dỗ lũ trẻ một cách nghiêm khắc cũng không khiến chúng ngoan hơn. Thầy giáo trẻ Whether nhiệt huyết vui vẻ trong giảng dạy cũng không khiến lũ trẻ hư thêm. Naoki sống trong môi trường được mẹ yêu thương chăm sóc hết mực cũng vẫn có thể giết người. Shuya bị mẹ bỏ rơi cũng vẫn là một kẻ coi thường mạng sống của người khác. Masayoshi lúc trước trở thành kẻ bụi đời, đầu đường xó chợ, chơi bời hư hỏng cuối cùng lại trở thành « người thầy cứu rỗi ». Bởi thứ kéo Masayoshi lại chỉ là một suy nghĩ của chính anh ta: « Mình không thể sống thế này cả đời được ». Còn với những người kia thì không.
Kẻ giảng đạo Yukio Moriguchi nói rất nhiều về « sự sống », về nguyên tắc của một giáo viên làm sao để dạy bảo những học sinh hư lại trả thù học sinh một cách độc ác, và cuối cùng là giết người. Kẻ tuẫn đạo Mizuki Kitahara sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân để bảo vệ công lý, bảo vệ sự thực đã định giết người bằng kali xyanua. Kẻ cầu đạo Naoki Shimomura, cả đời hướng tới sự lương thiện lại chính là kẻ tàn nhẫn nhất, giết một cô bé 4 tuổi, giết mẹ và có ý định truyền HIV cho rất rất nhiều người. Kẻ sùng đạo Shuya Watanabe có một niềm tin mãnh liệt vào cái tâm của người mẹ của mình. Sự sùng bái của Shuya biến Shuya trở thành kẻ dẫm đạp lên « đạo » của người khác, làm tất cả mọi thứ điên rồ để mẹ động tâm mà trở lại.
Đến cuối cùng, chỉ có người truyền đạo Masayoshi Sakuramiya là ra đi thanh thản dù anh bị nhiễm HIV.
Câu chuyện kết thúc lửng lơ càng khiến tớ nghẹn ngào suy nghĩ. Mà bị ám ảnh mất 3 ngày vì sợ, chả hiểu sợ cái gì.