Review sách: SA MÔN KHÔNG HẢI – Yumemakura Baku

Chủ Nhật, 24/09/2023

Một bộ với mình là đỉnh của đỉnh (mình đánh giá trên 5 sao), tổng hợp nhiều yếu tố, một chút , một chút yếu tố thần kì, một chút , tôn giáo, tư tưởng,… Và, đặc biệt, nhân vật Không Hải được xây dựng rất…Osho…

Hiểu biết

Phần đầu truyện, khi Không Hải và Dật Thế gặp Đan Ông, Đan Ông dùng huyễn thuật để bán dưa cho người dân. Dật Thế cùng mọi người đều trúng thuật, đều nhìn thấy Đan Ông lấy hạt gieo xuống đất, hạt nảy mầm, cây lớn lên, đơm hoa kết trái, chỉ riêng Không Hải không trúng thuật, có thể nhìn ra chân tướng hành động thực sự. Ở đây nói về hiểu biết, hiểu biết là một thứ đáng sợ, hiểu biết có thể khai sáng con người, cũng có thể làm mù mắt con người. Những người không hiểu tiếng Đường, hoặc không hề biết về quá trình trồng dưa sẽ không bị trúng thuật. Hoặc chỉ những người có cái nhìn chân thật, không bị ảnh hưởng bởi quá khứ, tương lai, như Không Hải, mới không bị trúng thuật. Theo  Hy Lạp cổ (nếu mình nhớ không nhầm), cho rằng, quá khứ là những gì ở trước mắt, còn tương lai ở sau lưng (những điều chưa biết) (hơi ngược với ngày nay), cái nhìn của mọi người đều bị phủ một lớp màn hiểu biết quá khứ, nên đều trúng thuật. “Quá khứ không thể nhớ quá khứ, tương lai không thể tạo ra tương lai, lưỡi cắt khoảnh khắc ngay ở đây và lúc này chính là toàn bộ những gì tồn tại.” (Thiền và Nghệ thuật bảo dưỡng xe máy – Robert M. Pirsig)

Nhưng…Không Hải vẫn trúng thuật… Khi Không Hải và Dật Thế trực tiếp mua dưa, Không Hải giúp Dật Thế giải thuật, nhìn được chân tướng. Nhưng không biết rằng, Đan Ông đã dùng gậy ông đập lưng ông, dựa vào chính hiểu biết của Không Hải về thuật của mình (ở lần quan sát đầu), để đưa huyễn thuật đánh tráo quả dưa từ bước đầu tiên. Đinh ninh rằng mình mua dưa, nhưng thứ mà Không Hải và Dật Thế nhận được không phải quả dưa mà là một cái đầu chó đầy máu… Hiểu biết…thật sự rất đáng sợ.

 và Đại Nhật Như Lai

Bốn phương trên dưới là vũ, từ xưa tới nay là trụ. Ý nói, vũ là không gian, trụ là thời gian. Không gian và thời gian tưởng là hai khái niệm khác nhau nhưng thực ra lại là một. Vũ trụ là không-thời gian. Nguyên lý vũ trụ khỏa kín trong vạn vật, chúng sinh bình đẳng. (Đại Nhật Như Lai là tên gọi cho nguyên lý bao trùm vũ trụ, đó không phải một vị nhân thần. Mọi nơi trong vũ trụ đều là trung tâm và có giá trị ngang nhau, mọi thứ trong vũ trụ chỉ là một biểu hiện của nguyên lý được gọi bằng Đại Nhật Như Lai.)

Đoạn này khiến mình liên tưởng đến sự mô tả không-thời gian trong Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ và Lược sử thời gian của Stephen Hawking, hoặc lý thuyết về thuyết tương đối hẹp ở cuối vật lí 12, khi một vật chuyển động với vận tốc tiệm cận vận tốc ánh sáng, không gian sẽ co lại, thời gian nở ra, và vật lý Newton cổ điển sẽ không còn đúng nữa.

Sắc tức thị không (Bát nhã tâm kinh) và bản chất con người

Bát nhã tâm kinh cho rằng vũ trụ được cấu thành bởi ngũ uẩn: Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức. Trong đó, sắc chỉ tất cả những gì thuộc về vật chất, bốn yếu tố còn lại là những dấy động nơi tâm con người (phía quan sát vũ trụ). Sự tồn tại chỉ tồn tại khi đi cùng những dấy động trong tâm kẻ quan sát. Nhưng, tất thảy đều là…không. Sắc tức thị không, sắc nghĩa là tất cả mọi thứ có trong vũ trụ này, là người, vật, mây mưa, là những thứ nảy sinh trong tâm trí, là buồn, vui, thương nhớ,… thảy đều là không.

Không Hải hỏi Dật Thế “Cậu là ai?”, đôi mắt, cái mũi, hay tay, chân có phải Dật Thế không? – Không phải. Thân xác có phải Dật Thế không, xác chết của Dật Thế có phải Dật Thế không? – Không phải. Là linh hồn, nhưng Dật Thế lại không thể tỏ cho người khác rằng, chỉ linh hồn, chứ không phải gì khác, mới chính là Dật Thế. Sự tồn tại của một thứ là do hai yếu tố, thứ đó và sự nảy sinh tâm trạng của người ngắm. Dật Thế chỉ có thể tồn tại nếu cơ thể, tay, chân, giọng nói, buồn, vui… và tên gọi Dật Thế tồn tại.

Con người chỉ có thể sống trong chiều kích của mình, với quy luật của con người, chứ không phải Phật . Biết được nỗi buồn trong lòng là không thì cũng sẽ chẳng chữa lành được. Phật pháp bất lực, nhưng chính vì thế mà có Phật pháp, để con người có thể đứng vững trước nỗi buồn, chấp nhận nó như kẻ đồng hành. Giáo lý Mật pháp dạy người ta cách dùng Phật pháp, tức quy luật vũ trụ, trong chiều kích con người. “Hoàn cảnh chỉ có thể làm ta đau, nhưng chính trí tưởng tượng sai lầm mới là thủ phạm giết ta chết.” (Hiểu về trái tim – Minh Niệm)

Hãy vứt bỏ tất cả!

Ở cuối truyện, khi Không Hải đã trở thành người đứng đầu Mật giáo Trường An, thầy Huệ Quả trước khi nhắm mắt, dặn rằng, “Con cần phải vứt bỏ tất cả những gì đã học ở đây. Con hiểu điều ta nói chứ…”. Hãy đi sâu và tâm mình, và chỉ có một lối là đi qua tâm mình, đến một nơi bản thân biến mất, ngôn từ biến mất, một nơi chốn không thể gọi là nơi chốn…

Nhiều người đã làm vấy bẩn nó, bằng ngôn từ, bằng kiến thức, bằng lễ nghi, sách vở, giáo lý,… Nhưng ngôn từ, nghi lễ, kinh sách, giáo lý, đạo cụ đều cần thiết. Ngôn từ và kiến thức cần thiết để vứt bỏ ngôn từ, hay vứt bỏ kiến thức.

Lịch sử, tôn giáo

Truyện lấy bối cảnh ở Trường An (kinh đô Đại Đường), với các nhân vật lịch sử như Dương Quý Phi, Lý Bạch, Bạch Lạc Thiên, các đời Huyền Tông hoàng đế,  Tông hoàng đế và Thuận Tông hoàng đế ,… và gắn với  loạn An Lộc Sơn. Truyện có xuất hiện các yếu tố thần kì như yêu quái, chú thuật,…

Vào thời đó, ở phía Tây lục địa Á-Âu có đế quốc La Mã, nhưng nếu xét về quy mô đô thị, thì Trường An còn lớn hơn cả La Mã. Trường An có đủ mọi chủng loại người sinh sống, Oa quốc (), Thổ Phồn (Tây Tạng), Tây Hồ (Iran), Đại Thực (Ả Rập), Thiên Trúc (Ấn Độ). Ngoài ra còn có người Thổ Nhĩ Kỳ, Duy Ngô Nhĩ, các dân tộc vùng Tây Vực và các dân tộc thiểu số khác. Trong một triệu dân Trường An thì có mười ngàn người là người ngoại quốc. Người ngoại quốc không chỉ mang đến Trường An hàng hóa, mà còn mang đến cả văn vật, tôn giáo. Đạo giáo, Phật giáo, Mật giáo hòa cùng với Hiên giáo (Bái Hỏa giáo) của Tây Hồ, Mani giáo, Cảnh giáo (Giáo hội Phương Đông),…

Nhân vật Không Hải và Thập thất thanh tịnh cú (Lý thú kinh)

Không Hải (Kukai, 774-835) là Tổ sư của phái Chân Ngôn Tông (Shingon-Shu) Phật giáo Nhật Bản. Năm 835, Không Hải “nhập định vĩnh viễn”. Người ta dùng “nhập định” vì tin rằng Không Hải vẫn còn sống. Đến nay các nhà sư vẫn dâng cơm nước và cà sa vào tận cửa phòng.

REVIEW “SA MÔN KHÔNG HẢI” – Yumemakura Baku

Trong truyện, Không Hải là một Sa môn từ Oa quốc sang Đại Đường để tìm học Mật. Nhưng Không Hải không được miêu tả như những nhà sư thông thường mà có gì đó rất…Osho. Ở Không Hải có gì đó nghịch ngợm (dùng huyễn thuật lừa ngược lại Đan Ông cuối truyện). Không Hải sống và suy nghĩ hết sức tự do, có thể tồn tại trong nhiều hoàn cảnh. Không Hải vẫn ăn thịt, uống rượu, vào kỹ viện,…

Lý thú kinh là một trong những  về tư tưởng căn bản và quan trọng nhất Mật giáo. Lý thú kinh cho rằng, tình yêu, sắc dục giữa nam nữ chính là cảnh giới thanh tịnh của Bồ Tát. Phần thanh tịnh cú có cả thảy mười bảy câu, được gọi là thập thất thanh tịnh cú. “Diệu thích thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị”, Diệu thích tiếng Phạn là Surata, tức là khoái cảm sinh ra khi trai gái giao hoan. Nói cách khác, cảm xúc đó chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát vậy. Quan điểm này khiến mình liên tưởng đến bộ truyện tranh Origin (tác giả Boichi) và những cuốn sách của Osho.

Kết

Lâu lắm rồi mới có một bộ khiến mình thức mấy đêm để cày hết như vậy. Mỗi người sẽ hợp với những cuốn sách khác nhau vào các thời điểm khác nhau. Đối với cá nhân mình, đây là một bộ xuất sắc, hi vọng chia sẻ đến được mọi người ạ ^^!

Review của độc giả Phương Minh Đạt – Nhã Nam reading club

Hoang vu giữa thành phố lớn

Hoang vu giữa thành phố lớn

Năm 2022, tiểu thuyết Tình yêu ở thành phố lớn của nhà văn Sang Young Park cùng tập truyện ngắn Con thỏ nguyền...

Thứ Ba, 03/12/2024