Trước hết, mình muốn nói: Người đua diều là một cuốn tiểu thuyết phi thường, kỳ diệu và cả đau đớn.
Hosseini chào đón độc giả bằng chân dung đất nước và con người của Afghanistan những năm 1970. Một Afghanistan mà mình chưa từng được nghe qua, một Afghanistan thanh bình, tươi đẹp và đầy ắp những tiếng cười trẻ thơ, một Afghanistan không có chiến tranh, không có hoang tàn.
Cuốn tiểu thuyết có mặt đầy đủ những sợi khói mỏng mong manh giữa những người bạn, giữa cha và con, giữa con người và thần thánh, giữa cá nhân và dân tộc. Mọi thứ đều xuất hiện một cách tinh tế và giản dị, không cần phô trương, không cần màu sắc, Người đua diều vẫn có thể vò xé trái tim người đọc trong từng trang.
Tuổi thơ của Amir và Hassan được khắc hoạ qua những lần trốn tìm dưới bóng cây bạch dương, nằm tán gẫu trên ngọn đồi nơi có gốc cây lựu đỏ, ngồi vắt vẻo trên bức tường ngô ốm và các cuộc chạy rượt theo những bộ lạc du mục đi qua Kabul. Hai đứa trẻ tưởng chừng như vô tội, ngây thơ, trong sáng đó lại là nạn nhân của sự phân biệt. Một bên là Amir- cậu chủ nhỏ của một gia đình quyền quý, một bên là Hassan- con của người hầu; một bên là người Hazara bị coi khinh, một bên là người Shi'a danh giá.
Tuy cùng uống một bầu sữa, cùng nhau lớn lên, nhưng sự kiêu hãnh về tộc người ấy của Amir khiến cậu dường như chưa từng xem Hassan là bạn của mình.
Và còn một lí do chính đáng hơn khiến Amir không thích Hassan là bố của cậu- Baba. Ông rất yêu quý Hassan và dành cho cậu ấy nhiều tình cảm đặc biệt.
Bởi trong khi Baba là một người đàn ông mạnh mẽ, dũng cảm, ưu thích sự mạo hiểm… thì Amir lại có vẻ yếu đuối, thích viết truyện, đọc sách. Vì thế mà Amir không có được sự tin tưởng từ chính người bố của mình, thay vào đó lại là một Hassan gan dạ, tốt bụng
Sự thèm muốn có được tình yêu thương của Baba đã dần dần khiến Amir trở thành một đứa trẻ ích kỉ, nông cạn, dường như điều này đã làm nền móng cho rất nhiều những lỗi lầm không thể cứu vãn được ở sau này của Amir. Vô hình chung, sâu xa một chút, mình cảm thấy, bố của Amir- Baba, ông đã vô tình gây ra sự mâu thuẫn giữa hai đứa trẻ, mà bắt nguồn lại là từ tuổi trẻ bồng bột của Baba. Khi mà sau này, mọi chuyện vỡ lẽ, Hassan lại chính là đứa con ngoài dã thú của ông.
Có lẽ bởi vì ông không thể yêu thương Hassan nhiều hơn, nên ông chỉ có thể bớt yêu thương Amir lại một chút.
Vì muốn được Baba chú ý, Amir đã quyết tâm chiến thắng cuộc đua diều truyền thống của Afghanistan vào một ngày mùa đông năm 1975. Lúc đó, Hassan vẫn là người ở bên cạnh cậu, luôn ủng hộ và hỗ trợ cậu hết mình.
Trên đường đi tìm chiếc diều xanh bị đánh bại cuối cùng cho Amir, cậu đã bị bọn Assef cùng đám bạn làm nhục và thoá mạ. Amir đã chứng kiến tất cả, nhưng cậu vẫn không làm gì, không làm gì và không làm gì. Một ý nghĩ ngu xuẩn, độc ác và ích kỉ đã vội xuất hiện trong đầu Amir lúc đó: Cậu ấy chỉ là một thằng Hazara, chẳng phải thế ư? Nhưng không phải, có lẽ câu trả lời cho sự im lặng tột cùng ấy của Amir, chỉ có thể là cậu ta là một thằng hèn đáng khinh bỉ?
Rõ ràng, sau đó Amir đã không ngừng chất vấn và cảm thấy xấu hổ đối với chính bản thân mình, nhưng thái độ của Hassan mới là điều khiến mình phải bận tâm. Hassan trở về với chiếc diều vẫn giữ nguyên trên tay. Hassan chỉ giả vờ như cậu bị ốm, sau đó cậu cố gắng trở nên bình thường như trước đây, cậu vẫn làm thân với Amir, mình tự hỏi một đứa trẻ như cậu đã làm như thế nào mà có thể vượt qua? Tiếp tục sống và làm việc, cậu ta quá ngây thơ, ngây thơ đến nỗi tin tưởng mù quáng vào một thứ tình bạn khác biệt giai cấp và địa vị
Đọc Người đua diều, mình thực sự thương cho Hassan, đôi khi mình cảm thấy ghen tỵ với Amir, bởi vì cậu ta có một người bạn hết lòng như Hassan, nhưng cậu ta lại chỉ xem đó như một điều dĩ nhiên, không cần trân trọng. Sau tình thân, với mình, tình bạn là một thứ gì đó rất đẹp đẽ, thực sự rất đẹp đẽ. Tình bạn chân thành ẩn chứa một sự thấu hiểu và hy sinh tột cùng. Nếu một ngày nào đó mình có một tình bạn thật sự, mình thậm chí có thể đánh đổi tất cả những gì bản thân có để giữ nó lại, bất chấp mọi thứ.
Có thể sai lầm một lần, lập tức có thể phạm sai lầm lần thứ hai. Amir tìm cách đuổi bố con Hassan ra khỏi nhà mình vì sự ám ảnh khôn nguôi, mặc kệ cuộc sống nghèo đói thiếu thốn đeo bám họ từng ngày, mặc kệ tương lai của một người bạn đã từng lớn lên, từng vui vẻ. Rồi chiến tranh ập tới, Amir cùng bố di cư sang Mỹ.
Ở Mĩ , Amir tìm cho mình được một tổ ấm riêng, thực hiện thành công giấc mơ trở thành một nhà văn, và dĩ nhiên, cậu ta vĩnh viễn không thể thoát khỏi sự day dứt trong sâu thẳm lương tâm.
Nhưng mình luôn tự hỏi, Amir có thực sự cảm thấy dằn vặt và ăn năn hay không, khi mà lời đề nghị của chú Rahim Khan- một người bạn của Baba về việc trở lại quê hương và có những điều cần nói về Hassan, Amir lại trở nên ngại ngần? Hơn tất cả, sau khi nghe sự thật về thân phận của Hassan- người anh em cùng cha của mình, về cuộc sống và cái chết của Hassan dưới họng súng của bọn vô nhân tính. Thái độ của Amir thực sự chưa khiến cho mình cảm thấy thật xứng đáng.
Một cơ hội chuộc lỗi cuối cùng của Amir chính là hãy cứu lấy Soharb- con trai của Hassan dưới sự tàn bạo của bọn Taliban, theo lời đề nghị của chú Rahim Khan, nhưng dường như, một lần nữa, sau chừng ấy năm, sự hèn nhát vẫn còn tồn tại trong con người của Amir. Tất cả sự ân hận và day dứt không hề lớn đến nỗi có thể khiến Amir lập tức không màng đến tính mạng mà lao vào nguy hiểm để cứu được đứa con của Hassan, nó hoàn toàn không nhiều đến thế. Trong khi 26 năm trước, Hassan thậm chí đã liều mình chỉ để bảo vệ chiếc diều màu xanh cho Amir.
Chỉ sau khi suy nghĩ và dằn vặt, Amir mới dám đưa ra quyết định sẽ cứu Soharb. Cuộc chiến nảy lửa giữa Amir và Assef- đứa trẻ luôn bắt nạt Amir và Hassan ngày xưa cũng là kẻ đang giam giữ Soharb. Sự vật lộn, những cái đấm đến chảy máu mắt, trẹo quai hàm không ngừng tìm đến Amir, mà theo mình thì Amir còn xứng đáng bị gấp nhiều lần như vậy. Nhưng lại một lần nữa, Soharb- thừa hưởng được sự dũng cảm, gan dạ từ bố của mình, nhóc con đã cứu ngược lại Amir, đem họ trở lại cuộc sống yên bình.
Không dừng lại ở đó, Hosseini khiến độc giả một lần nữa tổn thương vì sự thiếu tinh tế của của Amir mà suýt nữa thôi Soharb sẽ mất mạng.
Sau cùng, hình ảnh chiếc diều một lần nữa được xuất hiện trên bầu trời cùng với Amir và Soharb. Tuy xuất hiện ít ỏi, nhưng cả hai lần xuất hiện này của cánh diều, Hosseini đều đem lại hy vọng cho độc giả. Hay phải chăng, chiếc diều bay cao đó chính là niềm hy vọng của tác giả về một Afghanistan thanh bình và tươi đẹp?
Hosseini gửi gắm một tình yêu thương dân tộc sâu sắc vào từng trang sách của Người đua diều. Đứng trước nỗi đau của đất nước, có người cầm súng ra trận bảo vê tổ quốc, lại có người viết nên những trang sử thiêng liêng và hào hùng của dân tộc, nó không chỉ vẽ ra khung cảnh hoang tàn, đau thương của đất nước, cũng không chỉ là tố cáo tội ác, nó còn đồng thời thắp lên một ngọn lửa hy vọng mãnh liệt về tình yêu dân tộc.
Hosseini đem đến cho mình một cách nhìn khác về đất nước của ông. Một đất nước không chỉ có chiến tranh mà còn có những con người hiền lành và tốt bụng. Ông chủ trại trẻ mồ côi quyết không chạy nạn mà ở lại để chăm sóc những đứa trẻ, ông bán hết tất cả những thứ đồ mình có chỉ để duy trì cuộc sống cho chúng, ông đứt ruột khi phải bán đi một đứa để giữ tính mạng cho mười đứa. Còn có ông chủ nhà và Farid- người lái xe tạm trú một đêm, dù không có nhiều thức ăn, bọn trẻ đói vẫn mời hai người khách hai bát rau nấy nghi ngút khói và hai ổ bánh mì.
Cho đến hiện tại, Người đua diều là một trong những cuốn tiểu thuyết cảm động sâu sắc nhất mà mình từng đọc. Nó khiến mình phải thổn thức vì từng nhân vật. Tình yêu mà Hassan dành cho Amir không đơn thuần chỉ là tình bạn, càng không phải là tình anh em máu mủ. Nó là một thứ tình cảm trong trẻo và thuần khiết, vĩnh viễn không gì có thể sánh được.
Hassan buông ông cuộn dây xuống và vụt chạy, vạt áo cha-pan của cậu quét tuyết phía sau:
– Hassan!- Tôi gọi. – Trở về với chiếc diều nhé.
Cậu đã ngoặt ở góc phố, đôi ủng cao su đá vung tuyết lên. Dừng, rồi rẽ. Cậu bắc loa mồm nói to:
– Vì cậu, cả ngàn lần rồi!
Rồi cậu cười nụ cười của Hassan và biến mất quanh góc phố.
_______
[8,5/10]