Lịch sử cái đẹp dưới góc nhìn phương Tây xuyên suốt từ thời Hy Lạp cổ đại tới ngày nay, là một cuộc khám phá đầy thú vị của tác giả Umberto Eco.
Lịch sử cái đẹp được hình thành như thế nào, là một đề tài hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức. Vì vậy, sự ra đời của cuốn sách “Lịch sử cái đẹp” do Umberto Eco (1932 – 2016) biên soạn, đã gây ngạc nhiên cho giới học thuật lẫn công chúng. Tại sao một cá nhân như Umberto Eco lại bạo gan phác thảo “Lịch sử cái đẹp” theo một chiều kích rộng lớn?
Tác giả Umberto Eco là nhà văn, nhà lý luận, triết gia, nhà ký hiệu học lừng danh, đồng thời từng là biên tập viên các chương trình văn hóa của Đài Truyền hình Quốc gia Ý (RAI), bình luận viên tờ báo lớn nhất nước Ý L'Espresso, giáo sư ký hiệu học của Đại học Bologne, giảng viên mỹ học và văn hóa học tại các trường đại học Milano, Firenze, Turino kiêm tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học nước ngoài. Tờ Los Angeles Times đánh giá ông “là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất thời đại chúng ta”.
Tác giả Umberto Eco chiếm một vị trí đặc biệt trong nền văn học và lý luận đương đại. Ông nghiên cứu nhiều lĩnh vực: ký hiệu học, triết học, mỹ học, văn học, phê bình văn học, dịch thuật, phê bình dịch thuật và là giáo sư ký hiệu học của trường đại học Bologna, ngôi trường lâu đời nhất châu Âu và châu Mỹ. Ông tham gia giảng dạy và thuyết trình tại nhiều trường đại học danh tiếng như Yale, Columbia, Cambridge, Oxford và Harvard.
Tên tuổi của Eco gắn liền với cuốn tiểu thuyết “Tên của đóa hồng” – xuất bản lần đầu năm 1980. Cuốn sách đã trở nên nổi tiếng toàn cầu và được dịch sang 47 ngôn ngữ, bán được hơn năm mươi triệu bản.
Bằng sự nghiêm túc và chuyên nghiệp, tác giả Umberto Eco đã viết “Lịch sử cái đẹp” như một cuốn bách khoa toàn thư đồ sộ. Từ những câu chữ đầu tiên, ông đã đặt cho độc giả của mình một câu hỏi: Liệu Cái Đẹp và Cái Tốt có phải là một? Đành rằng giữa Đẹp và Tốt tồn tại một mối liên hệ chặt chẽ trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau của con người, nhưng hai khái niệm này lại không thực sự đồng nghĩa. Hay nói cách khác, Tốt là những điều chúng ta muốn có cho bản thân, trong khi Đẹp là không mang trong mình sự tư hữu đó.
Đi ngược lại những khuôn mẫu cơ bản nhất của con người cho rằng Cái Đẹp có liên quan mật thiết đến Nghệ thuật, thậm chí Nghệ thuật đại diện cho Cái Đẹp, Umberto Eco khẳng định mối quan hệ này “hoàn toàn không hiển nhiên như chúng ta nghĩ”. Dù vậy, lý do cuốn sách “Lịch sử cái đẹp” lại sử dụng phần lớn dẫn chứng minh họa là các tác phẩm nghệ thuật là bởi trong nhiều thế kỷ qua, chính các nghệ sĩ, nhà thơ, tiểu thuyết gia là những người nói cho chúng ta biết cái gì được họ coi là đẹp, và họ cũng để lại dẫn chứng về chúng.
Cái Đẹp chưa bao giờ là tuyệt đối và bất biến, mà mang nhiều diện mạo khác nhau tùy thời kỳ lịch sử và tùy quốc gia. Điều này được áp dụng không chỉ cho Cái Đẹp hình thể (của đàn ông, phụ nữ hay phong cảnh thiên nhiên), mà cả Cái Đẹp tâm linh, ý niệm, Đấng cứu thế hay thần thánh. Bởi vậy, theo dòng thời gian, “Lịch sử cái đẹp” của Umberto Eco đưa độc giả đi từ thời Hy Lạp cổ đại tới tận ngày nay, để hé mở cánh cửa của sự Đẹp dưới quan điểm của thời đại.
“Lịch sử cái đẹp” xem xét Cái Đẹp như là tỷ lệ và sự hài hòa, thể hiện ở các yếu tố như: cân đối về số học, hài hòa về nhịp điệu âm nhạc, hợp lý về tỷ lệ trong kiến trúc dưới góc nhìn của hình học không gian và biểu tượng học. Tác giả Umberto Eco cũng đánh giá tầm quan trọng của tỷ lệ đối với thẩm mỹ ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, và đi đến kết luận rằng ở mỗi thời kỳ, tỷ lệ lý tưởng lại mang một định nghĩa khác.
Nếu như ở thời Hy Lạp cổ lý tưởng là tỷ lệ chính xác giữa các bộ phận thì tỷ lệ tiêu chuẩn của người Ai Cập phải liên quan tới toàn bộ kết cấu, tỷ lệ giữa các bộ phận phụ thuộc vào cử động của cơ thể, sự thay đổi của phối cảnh. Giai đoạn này cũng sinh ra những khái niệm về tỷ lệ hoàn hảo có tác dụng đến tận ngày hôm nay trong các lĩnh vực mỹ thuật cũng như thiết kế như tỷ lệ vàng hay sự tương phản giữa các mặt đối lập.
Chuyển giao giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20, lịch sử ghi nhận những đối tượng đẹp mới mẻ và đột phá hơn, có thể kể đến là Cái Đẹp từ sắt và thuỷ tinh (như Tháp Eiffel ở Paris hay Toà nhà pha lê của Joseph Paxton), nghệ thuật Deco, Cái Đẹp từ kiến trúc “hữu cơ”.
Tác giả Umberto Eco trong “Lịch sử cái đẹp” cũng chỉ rõ một vấn đề của thời đại: Từ thế kỷ 20, dễ nhận thấy rằng thế giới đang chuyển mình để trở thành một nơi bị chi phối hoàn toàn bởi giá trị trao đổi. Đồ vật phải “ngon-bổ-rẻ” và được sản xuất hàng loạt, đồng nghĩa với việc Cái Đẹp mới có thể được tái tạo dễ dàng, nhưng cũng mang tính tạm thời và dễ hư hỏng. Liệu tính chất sản xuất hàng loạt có phải là số phận của Cái Đẹp trong thời đại tái tạo kỹ thuật của nghệ thuật?