Bài viết này xin đề tặng Nhã Nam Nho Xanh, đơn vị đã gửi tặng tôi cuốn “Kim Các Tự” phiên bản mới nhất, cũng là nguồn cảm hứng cho bài viết này. Đó thực sự là một điều may mắn với tôi, để có thể tiếp cận với tác phẩm nhanh hơn so với dự định.
Đồng thời xin cảm ơn thầy Trần Ngọc Hiếu, nếu không có buổi nói chuyện cùng thầy hồi cuối tháng Chín, có lẽ em sẽ không đủ can đảm để viết bài viết này.
“Công án” là một khái niệm của Thiền tông, là một câu hỏi, một hành động, một biến cố, đôi khi chỉ là câu nói, là luận đề đầy kẽ hở mà thông qua việc hiểu nó, người tu hành đạt đến kiến giác. Công án là một phương tiện giác ngộ.
Đặt trong luận điểm “hủy thiêu Kim Các Tự là một công án”, hành động đốt chùa của Mizoguchi là một luận đề như thế. Tuy nhiên, Mishima không tự nhiên phơi ra cái luận đề cô đơn ấy, mà lồng ghép rất nhiều những gợi ý xuyên suốt tác phẩm. Ta có thể lạm gọi đó là những “tiểu công án”, tất cả như những electron xoay tròn quanh hạt nhân là “công án về Cái Đẹp – Kim Các Tự”.
Mizoguchi là một tăng sinh tập sự tại Lộc Uyển Tự (Kim Các Tự). Nhờ người cha là bạn với trụ trì, Mizoguchi được nhận vào tu tập. Trong quá trình sống và tu hành ở nơi này, cậu ngày ngày ngắm vẻ đẹp của Kim Các Tự. Ban đầu, Mizoguchi cho rằng Kim Các Tự chẳng qua là một kiến trúc già cỗi, xấu xí. Nhưng rồi lâu dần, Kim Các, thông qua những lời nói mà cậu được nghe, ý niệm mà cậu tiếp nhận, Kim Các trở thành vẻ đẹp chuẩn mực ngự trong tâm hồn Mizoguchi, rằng “trên đời không có gì đẹp bằng Kim Các.”
Được sư trụ trì cho đi học Đại học, cậu tiếp xúc với một chú tiểu khác tên Kashiwagi mắc tật chân thọt, người này đã gây xáo động trong triết lý về cái đẹp trong Mizoguchi. Lâu dần, Mizoguchi nhận thấy vẻ diễm lệ của ngôi chùa đã trở thành trở lực, ngăn cản Mizoguchi tiếp cận đến những cái đẹp khác, đó là những cô gái mà cậu quen biết, từ những người con gái bình thường đến kĩ nữ trong nhà thổ. Đến khi nghe được bài giảng kinh “Nam Tuyền chém mèo” và “Gặp Phật chém Phật”, thông qua tấm lọc là tư tưởng mà Kashiwagi tiêm nhiễm vào, Mizoguchi đã xuất hiện ý tưởng đốt chùa. Ý tưởng ấy ngày càng cháy bỏng, thôi thúc Mizoguchi. Chương cuối, cùng với rơm và xăng, cậu đã hủy thiêu Kim Các Tự, hủy thiêu đi cái đẹp được cho là chuẩn mực vĩnh tồn.
Vậy, công án về Cái Đẹp này như nhụy hoa còn phong kín, phải lần giở từng cánh hoa, bóc tách nó ra để tri nhận nó. Quá trình này khó mà bỏ qua. Những “tiểu công án” này là phương tiện để đến được với công án bao quát, cũng giống như công án là phương tiện để đạt được đến sự chứng ngộ. Nó là một quá trình kép đầy tinh tế trong lối sắp đặt của Mishima.
Theo cá nhân tôi, có hai “tiểu công án” quan trọng bên cạnh rất nhiều các công án nhỏ khác (sẽ được đề cập sau), đó là hai công án được rút từ kinh điển của Thiền tông, khác với các công án khác, đều là những luận đề mới mẻ mà Mishima sáng tạo, đó là “Nam Tuyền chém mèo” và “Gặp Phật giết Phật”. Đây là hai công án rất nổi tiếng mà hầu hết mọi người khi tìm hiểu về Thiền tông đều từng đọc qua, trong một tập hợp các công án Thiền, “Vô Môn quan”. Hai câu chuyện này, đúng như tính chất công án của nó, rất ngắn gọn và vắn lược. Công án thứ nhất, “Nam Tuyền chém mèo”, kể chuyện một con mèo chạy vào tự viện của thiền sư Nam Tuyền. Hai dãy tự viện tranh nhau con mèo, Nam Tuyền đến và nói: “Nói một lời, nếu không con mèo sẽ chết.” Không ai nói được câu nào, Nam Tuyền cầm dao chém con mèo làm đôi. Buổi tối, Triệu Châu, một đệ tử của Nam Tuyền, trở về, Nam Tuyền đem câu chuyện đó kể cho, Triệu Châu liền lấy dép, đội lên đầu rồi đi ra khỏi cửa. Nam Tuyền thấy vậy cảm thán: “Giá ban sáng con ở chùa, con mèo đã không phải chết. Công án thứ hai, đơn giản hơn, vỏn vẹn trong một câu nói: “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, gặp sư tăng giết sư tăng, gặp họ hàng giết họ hàng.”
Thế, ta nên hiểu hai công án này ra sao? Nhất là khi, mục đích tri nhận nó không phải là để đạt tới chứng ngộ Phật giáo, mà là để đạt đến được một kiến giác mỹ cảm?
Công án “Nam Tuyền chém mèo” xuất hiện trong bổi cảnh rõ ràng hơn: Thế chiến II kết thúc, Nhật Bản thua trận. Ngay trong đêm Thiên hoàng đọc chiếu lệnh đầu hàng, hòa thượng trụ trì Lộc Uyển Tự tập hợp tất cả mọi người trong chùa lại, và nói với họ về công án “Nam Tuyền chém mèo”. Hòa thượng giải thích động cơ giết mèo của Hòa thượng Nam Tuyền là muốn “cắt đứt cái tư tưởng về tự ngã…, cắt đứt hết mọi mâu thuẫn, chống đối và bất hòa giữa tự ngã và những cái ngã khác”, nhưng bằng “thái độ khoan dung đem đồ dùng lấm bùn bẩn thỉu như giày dép mà đội lên đầu, Triệu Châu đã thực hành đúng Bồ Tát đạo”. Tức là một lời khuyên về sự hòa hợp, hòa bình, hòa giải. Thực ra, sư trụ trì có nói gì cũng không thực sự quan trọng lắm. Công án là một cấu trúc lộng gió và đầy những khả thể kiến giải khác biệt. Nhất là, đặt trong tác phẩm, nó phải được định hướng trở thành một loại “công án nghệ thuật”, hay “công án thẩm mỹ”. Kashiwagi, hung thủ tư tưởng của vụ án, lái ý nghĩa công án sang một lối khác. Con mèo, theo Kashiwagi, là một biểu hiện của cái đẹp. Cái đẹp nhảy vào cuộc đời như con mèo nhảy vào tự viện, để cho người ta si mê nó, đeo đuổi nó. Nam Tuyền cầm dao chém con mèo tức là chém vào cái đẹp, nhưng cái đẹp ấy lại là cái đẹp hữu hình, cái đẹp đang hiện hình vật chất. Kashiwagi cho rằng Triệu Châu cười nhạo cái giải pháp đó, bởi lẽ Nam Tuyền chém được con mèo vật chất, con mèo thực, nhưng còn cái lòng tơ tưởng về con mèo của người ta, nói theo kiểu triết học Platon, “con mèo ý niệm”, thì sao? Làm thế nào để con dao của Nam Tuyền chém vào được đến con mèo trong ý niệm? Không thể được, vì lẽ đó, Triệu Châu cho rằng đó chỉ là giải pháp tạm thời, thậm chí vô nghĩa lí, nên đã đội dép lên đầu mà bước ra khỏi cửa. Đó là kiến giải của Kashiwagi để giải “công án thẩm mỹ” này. Con mèo, Kim Các Tự, như nhau, đều là một biểu hiện của cái đẹp. Con người có ngũ uẩn. Nam Tuyền chém mèo là chém vào sắc uẩn. Nhưng trong sắc còn có ý. Nam Tuyền chém được thân, chém được khẩu, nhưng con dao bất lực trước ý. Tưởng là sắc hóa không, kì thực không vẫn còn sắc. Có lẽ Kashiwagi muốn nói: anh cho Kim Các Tự là trở lực, vậy anh hủy thiêu nó đi, nhưng cái hủy thiêu ấy cũng chỉ là nhất thời, cái biểu hiện, cái bề ngoài thôi. Còn vọng niệm trong anh cũng phải hủy đi, để đạt đến một cái gì đó vượt ngoài bức tường chắn Kim Các Tự…
Cá nhân tôi lại có thêm một kiểu nghĩ. Triệu Châu đội dép lên đầu thực. Song đó chưa hẳn là chuyện “chịu cái đau của cái răng hư” theo cách nghĩ của Kashiwagi, mà lối hành xử của Triệu Châu lại thực sự theo đúng như lời hòa thượng trụ trì nói, là lòng Bồ Tát. Lòng Bồ Tát với cái đẹp. Chuyện Triệu Châu đội dép lên đầu là chuyện hành xử rất tự nhiên với cái đẹp. Con mèo đã mất rồi. Nam Tuyền hủy đi con mèo rồi. Trong mắt Nam Tuyền, con mèo chẳng đáng gì hơn bụi đất dưới dép. Nhưng Triệu Châu đặt cái bụi đất ấy lên đầu rồi bước ra khỏi cửa. Cái Đẹp là thứ đáng được nâng niu. Và từ lối nhìn trân trọng cái đẹp ấy, chuyện Nam Tuyền chém đôi con mèo không xuất phát từ chuyện ngài căm ghét gì cái đẹp của con mèo, mà là một phương pháp chuyển hóa cái đẹp: từ cái đẹp vật chất, hiện hữu trở thành cái đẹp tinh thần, ý niệm. Chém con mèo là nâng niu nó theo kiểu đó. Từ đây, cái đẹp không phải chịu sự tranh giành, đeo đuổi, hỗn loạn, vô thường của cõi thế, mà bước vào cõi ý niệm, nó ngưng đọng, kết tinh, vượt ngoài không thời gian, bất khả tiêu vong, một kiểu Niết Bàn của mỹ học.
Công án thứ hai, có vẻ dễ hiểu hơn, và điều nó muốn truyền tải lại khá gần gũi với đời sống thường nhật, một kiểu “vượt qua giới hạn”. Chuyện “Gặp Phật giết Phật” nghe thoáng qua tưởng chừng rất báng bổ, nhưng tiếp cận nó theo lối tư duy lí tính của Thiền tông cùng tính chất hóc búa của những công án, lại trở thành điều bình thường. Đối với đạo giác, “Phật” là khái niệm của những người đã đạt đến kiến giác cao nhất của chứng ngộ, giống như Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhưng tại sao lại là chém Phật, thay vì cung kính và học hỏi? Trên cơ sở kiến chiếu một “công án thẩm mỹ”, tôi cho rằng, “Phật” có thể là một trình độ tối cao, nhưng đã là một ngọn núi như thế thì cũng đồng nghĩa là một trở lực. Nói theo Phật Thích Ca, điều ngài nói chỉ là con đường, không phải đích đến, người ta phải tự đi. Và có thể có những con đường khác chăng, ngoài con đường sẵn có? Nghĩ một cách lí tính, làm thế nào để con người “giải thoát” nếu như lại bám víu vào “một con đường”? Đây là triết lý “tính không” trong Phật giáo, tức là thanh sạch, không vướng vít gì cả. Khi “sắc uẩn”, tức là thân – khẩu – ý, hóa thành “không” thì mới đạt được điều kiện giác ngộ, như thể muốn viết lên một tờ giấy, trước hết người ta phải tẩy sạch mọi thứ trên nó đi. Một lối thanh tẩy. “Chém Phật” lúc này không phải hành động báng bổ, mà là sự tôn kính bậc nhất đối với đạo giác, và là sự hiểu đạo. Chỉ khi chém Phật, con người ta mới gạt được đi “sắc” để vào đến “không”, đạt được kiến tính. Từ bỏ thành kiến, từ bỏ những ý niệm có sẵn, sừng sững, ngự trị, và tự bước lên con đường để đạt được giác ngộ. Có lẽ đó là lời giải cho công án này.
Lời giải cho công án Thiền này đã tạm xong, vậy còn lời giải cho nó, trên tư cách là một “công án về Cái Đẹp”? Kim Các Tự là cái đẹp, là trọng tâm của tất thảy. Ngay từ đầu, đã có một mệnh đề mang tính tiên đề được đặt ra: “Trên đời không có gì đẹp sánh bằng Kim Các…” Kim Các Tự là con mèo, lại là hình ảnh của Phật. Kim Các là hiện thân của cái đẹp. Kim Các đẹp, thậm chí đẹp nhất, nhưng đồng thời lại trở thành một bức tường đối với Mizoguchi. Cứ mỗi lần Mizoguchi tiếp cận với cái đẹp xác thịt, tiếp cận với cái đẹp thế tục như cơ thể đàn bà, Kim Các Tự – ý niệm về cái đẹp, lại hiện ra, “như một bức tường ngăn cách tôi với thế giới bên ngoài”, và như một sự bao bọc Mizoguchi trong quỹ đạo của riêng nó, khiến Mizoguchi bức bối, tù đọng, giam hãm trong lồng giam của cái đẹp. Vậy phải làm sao? Muốn bước ra ngoài tương giao cùng ngoại giới, chỉ có một cách: đập bỏ cái bức tường chắn ấy đi. Đốt chùa. Hủy thiêu Kim Các Tự. Kim Các là cái đẹp vô lượng, nhưng đồng thời cũng là một nhà giam. Cứ khi Mizoguchi gần gụi xác thịt, tâm trí của Mizoguchi lại vô tình so sánh cái đẹp trước mắt với cái đẹp của Kim Các. Kim Các đã thành tiêu chuẩn, thành thước đo, thành một kiểu “Phật”. Hủy thiêu Kim Các tức là hủy thiêu cái thành kiến ấy, hủy thiêu cái tiên đề kia. Chỉ có thế, chỉ có với hành động “gặp Phật chém Phật” ấy, Mizoguchi mới bước ra được đến bên ngoài và tự do khám phá cái đẹp bên ngoài mà không phải chịu sự trở ngại. Tuy thế, việc hủy thiêu Kim Các Tự không phải xuất phát từ chuyện chán ghét nó, căm giận nó, mà kì thực là giống như Nam Tuyền chặt đôi con mèo để Triệu Châu đội dép lên đầu mà bước ra khỏi cửa, là sự kính trọng dành cho Cái Đẹp, để nó bước vào cõi Niết Bàn, ngưng đọng, hóa không, và cũng đồng thời chấm dứt những trở lực vật chất của nó, như con mèo đã làm xao động thiền viện của Nam Tuyền vậy; để rồi từ đó, Kim Các chấm dứt những hoạt động ngăn trở của nó ở cõi thế tục, trở thành “không”, để con người tự do khám phá những vẻ đẹp khác, mới mẻ hơn, và ở khắp thế gian. Như thế, ngọn lửa nuốt lấy Kim Các không phải ngọn lửa hủy diệt, mà là ngọn lửa của con chim phượng hoàng trên nóc Kim Các Tự, là ngọn lửa mang cảm thức tái sinh. Từ tro tàn của Kim Các Tự, những cái đẹp khác trỗi dậy, có thể gọi đó là sự tái sinh?
Trong tiểu thuyết, cũng xuất hiện một vài tiểu tự sự khác, mà tôi lạm cho rằng cũng có thể coi đó như những công án nho nhỏ. Uiko, y tá trên tàu hải quân trong thời gian chiến tranh, là tuyến truyện xuất hiện trước câu chuyện của Mizoguchi với Kim Các. Uiko, trong con mắt của kẻ mắc tật cà lăm như Mizoguchi, xuất hiện với hình ảnh đầy siêu thực và xa cách, như thể một nữ thần. Ấy thế mà có một ngày, Uiko vì bao che cho một quân nhân đào ngũ, cuối cùng chuốc lấy cái chết, ngã vật xuống sàn, máu chảy ra từ những vết đạn. Uiko siêu thực, hóa ra cũng tầm thường đến thế,… Tsurukawa, bạn đồng tu của Mizoguchi ở Lộc Uyển Tự, cũng thật đẹp, với những vẻ đẹp hoàn mỹ, ấy vậy mà rồi vẻ đẹp ấy cũng tàn phai khi Tsurukawa đột ngột qua đời. Câu chuyện cay đắng nhất hẳn là chuyện người thiếu phụ và cốc trà được vắt sữa. Một ngày trong thời chiến tranh, Mizoguchi và Tsurukawa bắt gặp hình ảnh một người vợ còn son, ngồi trên gác của một ngôi chùa, vắt sữa từ bầu ngực của mình vào tách trà để tiễn chồng mình, một người lính lục quân, sắp ra trận. Một thời gian sau chiến tranh, Mizoguchi gặp lại người thiếu phụ ấy, nhưng chẳng còn vẻ son trẻ như xưa, người chồng không trở về, còn người thiếu phụ cũng tàn tạ. Bất cứ một vẻ đẹp nào, rồi cũng sẽ héo úa. Bất cứ một sự vật nào, rồi cũng đổi khác. Người có sinh, lão, bệnh, tử. Vật có thành, trụ, hoại, diệt… Đó là vô thường. Kim Các Tự có thế không? Rồi sẽ có ngày, có chăng vẻ đẹp ấy sẽ hư hao, tàn tạ đi như bao người, bao vật khác? Việc những người nước ngoài đến và làm xáo động Kim Các Tự đã rung lên suy nghĩ ấy trong Mizoguchi. Một ngày, Kim Các sẽ hư hao, sẽ phai tàn, sẽ mòn mỏi, rồi đợi chờ nó, chỉ còn sự tiêu vong. Tiêu vong không phải vấn đề, trên đời có gì tránh được tiêu vong? Nhưng còn hư hao băng hoại? Làm thế nào để chuyện đó không diễn ra? Chỉ có cách là hủy thiêu Kim Các khi nó vẫn còn đang ở độ đẹp nhất thôi. Bằng hành động đó, người ta sẽ mãi nhớ về Kim Các, một Kim Các của thuở vàng son, Kim Các ấy sẽ trường tồn trong ý niệm, chứ không phải là kí ức về sự băng hoại suy tàn của Kim Các,… Đốt chùa là một hành động trân trọng Cái Đẹp, cũng vì vậy mà dễ hiểu hơn chăng?
Đến đây, liệu công án bao quát “Mizoguchi đốt chùa” đã có thể hiểu, dù chỉ là sơ sài, như ta hiểu công án “Nam Tuyền chém mèo” cùng bao nhiêu tiểu công án ngụ trong tác phẩm này, hay chưa? Chắc chắn trên đây chỉ là những kiến giải nhỏ nhoi, vì đúng như tính chất của công án,… đích đến là chân lý, nhưng có vô lượng những con đường…