Review sách: ĐOẠN TUYỆT - Nhất Linh

Thứ Bảy, 16/09/2023

1. Con đường ngắn nhất dẫn độc giả đến với một cuốn sách chính là tính thẩm mỹ

Tôi vốn có ấn tượng đầu tiên với tấm ảnh bìa người phụ nữ kiều diễm trong tà áo dài Lemur, đứng hiên ngang trước vành móng ngựa. Một thần thái rất là lạ mắt so với những tác phẩm  mà tôi từng đọc, từng nghe, khác hẳn với hình ảnh đàn bà truyền thống nết na, không phải khắc khổ lam lũ như chị Dậu, cũng không như Thị Nở đơn thuần, xấu xí. Người đàn bà đó, cá tính, hiên ngang, toát lên cái vẻ cứng cỏi xuất thần hiếm có như bức họa “Người đàn bà xa lạ” của họa sĩ  Kramskoi. Tay hoạ sĩ, một kẻ bị hút hồn nữa, lại tô điểm cho cảnh đẹp đó một cặp mắt sắc lạnh chẳng hướng về quan tòa, chẳng nhìn ai, mà lại hướng lên trời, hướng tới miền xa xăm. Một dáng vẻ kiêu hãnh và ngạo thói đời vô cùng, nhưng oái ăm là tư thế hiên ngang đó lại đang đối diện trước thần công lý, trước một nghịch cảnh tù đày sắp đến. Người đàn bà cá tính như vậy tại sao lại đến bước đường này? Lòng đầy nghi hoặc, tôi lại nhìn về ánh mắt hút hồn đó, và quyết định tự đi tìm câu trả lời theo tiếng vẫy gọi của “người đàn bà An Nam xa lạ”…

2. Bi kịch của nàng tân thời

Chuyện kể về Loan, một gái tân thời mạnh mẽ, cá tính, có học thức, thích sống tự chủ. Loan tin rằng “đặc sản” lớn nhất của cuộc Âu Hóa đối với phụ nữ An Nam sau mấy nghìn năm bị gò bó tư tưởng chính là cái quyền được tự do yêu đương, được cất tiếng yêu không bị ràng buộc của tuổi trẻ. Nàng có tình cảm với Dũng, cũng là một chàng tân thời đang sống 1 cuộc sống tự do tự tại. Cái yêu của Loan không chỉ là quan hệ giới tính đơn thuần, mà còn là yêu lý tưởng, yêu cái chí tự lập thân của Dũng. Người thời đó có suy nghĩ táo bạo vậy, quả thực hiếm, mà lại còn có cặp có đôi, phải nói là đáng quý!

Tưởng rằng đôi bạn trẻ tân thời sẽ đi đến với nhau thành một nhà văn minh tiến bộ, cùng đóng góp cho sự đi lên của xứ An Nam. Thế nhưng Nhất Linh lại chơi độc giả một vố quay ngoắt 180 độ khi vẽ nên một biến cố nghiệt ngã cho đời Loan, khiến nàng bị ép phải gả vào một nhà hào môn danh giá đương thời. Thời đó, cái hôn sự như vậy được xã hội coi như đã đạt đến cái đích viên mãn của một đời đàn bà, nhưng lạ thay, Lan lại thấy đau khổ! Cái khổ ấy là của chú chim tự do bỗng dưng bị bắt nhốt vô lồng, là của tâm hồn tự do bị phong tỏa trong thứ tình yêu sắp đặt, và là sự đau khổ của một người đuổi theo trào lưu tân thời của xã hội mà nay lại phải bẽ bàng vì phải thỏa hiệp với xã hội cổ hủ.

Mọi sự vỡ lẽ ra cũng chỉ vì hai chữ “nợ” và “hiếu”. “Nợ” là cái nợ cuộc đời khó trả lại của người mẹ nghèo khó của nàng cho bà Phán mẹ chồng tương lai, “Hiếu” là sự đền đáp đấng sinh thành, cái việc ép duyên trả nợ.

3. Cuộc nổi loạn thách thức chế độ gia trưởng từ trong trái tim

Loan bắt đầu chuỗi đời đau khổ bị hành hạ dày vò bởi dây dưa rễ má những hủ tục, phép tắc lề thói xưa cũ, cùng những lời nói “mát” trong một cái hậu cung to lớn đầy rẫy những “người cùng khổ”. Đúng vậy, không ai hiểu đàn bà hơn chính đàn bà, và cũng không ai dày vò cuộc đời nhau ghê gớm hơn những người phụ nữ trong chính gia đình

Tưởng chừng đời một cô gái “mới” sẽ tiến hóa ngược trong gia đình cổ hủ, và dòng  sẽ xuất hiện thêm một gương đàn bà than thân trách phận nữa, nhưng không, với bản tính của một cô gái tự do kiêu hãnh, nàng đã tự xây trong mình – một ý thức hệ độc lập cùng những hành động nổi loạn mang tính cách mạng, thách thức cả chế độ đại gia đình truyền thống. Đầu tiên, để tỏ rõ cái chí không chịu khuất phục, trong ngày đại hỷ, Loan đã tặng món quà cưới không thể muối mặt hơn: một cái đá chân làm đổ sập chiếc hỏa lò truyền thống

Bất giác, hành động thách thức đó gợi nhớ đến lời tuyên ngôn xóa sổ tư tưởng hủ Nho rất mạnh mẽ trong những ngày đầu thành lập của Tự Lực Văn Đoàn. Đó là trong 1 bức biếm họa cách xử trí tập tục “bước qua hỏa lò trong hôn lễ” nổi tiếng trên báo Phong Hóa do họ chủ biên vào năm 1933, trong đó viết:

BA CÁCH XỬ TRÍ:

Phái cũ – Khư khư giữ lấy cái lò

Phái dung hòa 2 văn minh Âu, Á – Muốn giữ được quốc túy Việt Nam và thâu nhập được  Tây u thì nên thay cái hỏa lò than bằng cái hỏa lò điện

Phái mới – Bỏ quách!

Bỏ quách! Hai tiếng ấy thật quyết liệt và cực kì khiêu khích như hành động của Loan vậy! Như vậy, bạn đọc đã lý giải phần nào nguồn cảm hứng để Nhất Linh sáng tác “Đoạn tuyệt” ra đời 2 năm sau, và cảm nhận được cái bầu không khí đầy mùi thuốc súng sắp tới giữa Loan với gia đình chồng, giữa hệ tư tưởng tân tiến và phong kiến lạc hậu của một xã hội buổi giao thời.

Nếu cái đá chân mở màn chưa đủ, thì những hành động phản kháng kế sau của Loan mới thực sự đáng để các bạn nữ đều phải nể phục và học hỏi.

Ý định cùng chồng lên Hà Nội mở tiệm , chính là điều đầu tiên nàng nghĩ tới ngay khi đặt chân về nhà chồng. Đó là cách tốt nhất để thoát ly gia đình cổ hủ, để giúp người chồng hòa nhập cùng giới trí thức, tân thời, và cũng để tạo sự công bình trong vai trò  gia đình

Đó vừa là chi tiết mới mẻ trong nhận thức về vai trò người đàn bà, vừa là sự kế thừa từ những dấu ấn văn hóa đã phai nhạt của tư tưởng mẫu hệ. Trong sách “Xã hội Việt Nam”, học giả Lương Đức Thiệp đã viết rằng: tuy bị giáo lý đạo Khổng đè ép quyền lợi, song chỉ có giới quý tộc phong kiến tuân thủ luân lý ấy, còn trong dân gian lại ngược lại “phép vua thua lệ làng”, dân gian vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chế độ mẫu hệ cổ xưa. Thực tế, người dân vẫn có những cách riêng để khéo léo ca ngợi công đức cánh đàn bà trong sản lực kinh tế, mặc cho sự bó buộc của luân lý phong kiến:

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa

Lệnh ông không bằng cồng bà

Ta vẫn thường thấy ở các miền quê, cả đàn ông đàn bà cùng làm nông, cùng chia sẻ công việc nặng nhọc rất bình đẳng. Cũng cần nhớ rằng trong xã hội trọng sĩ khinh thương (sĩ, công, nông, thương) thì dĩ nhiên việc tiền nong phần nhiều đều nhường nữ nhân gánh vác: chợ búa, buôn bán, v.v. chứ không thể để cho đám người chỉ biết tầm chương trích cú được

Nhân vật trong “Đoạn tuyệt” thẳng thắn thể hiện cái chí làm giàu tự thân không thua đàn ông, khác xa với hình mẫu phụ nữ trong văn chương truyền thống chỉ than thân trách đời làm gái, làm dâu khổ sở. Nếu đời đàn bà lấy chồng đã đã khổ, chi bằng ta chủ động tìm cho mình một lối đi riêng, bước trước để tiên phong cho những người cùng khổ. Chọn Hà Nội làm nơi lập thân, cũng là để bứt phá tư tưởng ấy khỏi bờ rào của lũy tre làng xưa cũ.

Phải chăng, Nhất Linh không chỉ muốn kêu gọi quyền tự do bình đẳng cho phái nữ, mà còn đang âm thầm khôi phục căn tính nữ từ những di sản của chế độ mẫu hệ trong tâm hồn phụ nữ Việt hiện đại?

Trốn không được thì chỉ có một cách là can đảm nhận lấy cái đời hiện tại của mình, nhìn sự thực bằng đôi mắt ráo lệ không phiền muộn, không oán hờn, mạnh mẽ mà sống.

Không chỉ là chuyện kinh tế, nàng cũng rất thoáng với việc sinh và nuôi con. Trai hay gái đều được, trai phải là trai tân thời, gái cũng phải gái tân thời, tự chủ tự quyết. Nàng thậm chí đã bỏ qua cái viễn cảnh tuổi già an nhàn bên con cháu bầy đàn, vì lẽ rằng nàng chỉ muốn hưởng 1 đời tự chủ mà không phiền lòng bất kì một ai cả.

Đàn bà thu hút ánh nhìn nhất là qua phục trang. Không chọn đâu xa xôi, nàng luôn khoác lên mình bộ đồ Lemur tân thời, đứa con đáng tự hào nhất của ông Cát Tường, cũng là một đồng chí với nhóm Tự Lực! Cái duyên thứ hai nằm ở phong thái, với kiểu tóc lệch và dáng đi thẳng khỏe khoắn không khép nép nho nhã như thục nữ yểu điệu.

Sang trọng trong bộ quần áo tối tân, Loan thấy mình như ở đâu lạc loài đến.

Mặc cho những rào cản luân lý bủa vây, mặc cho dòng đẩy xô đẩy, nàng vẫn tìm cho mình – một cách riêng để giữ gìn cá tính mạnh mẽ của một phụ nữ tân thời, tiến bộ, tuy rằng vẫn chịu nhiều thiệt thòi, nhưng đã tránh được số phận bị đồng hóa cùng những kiếp người trong chốn lao tù của chế độ gia trưởng. Lý tưởng cho cuộc kháng cự kiên trì vậy còn nằm ở đứa con mang nặng đẻ đau, để cái sinh linh mới sinh ra làm người tự do, người “mới”, rũ bỏ những gông cùm xiềng xích cũ mòn của những lớp người cũ.

Chỉ có sự trinh tiết của tâm hồn là đáng quý thôi.

Lướt lại những dòng văn của Nhất Linh, bạn đọc ngỡ rằng bản thân ông đã từng luân hồi vô số lần vào những kiếp đàn bà làm dâu, những kiếp người bị chế độ gia trưởng đày đọa dày vò đến chết. Đó là những cảnh mẹ chồng nàng dâu, cảnh mẹ chồng, em chồng, …. cùng bức hại đứa con dâu chỉ để thỏa cái sướng của kẻ bậc trên, và rồi ta lại rơi nước mắt vì lấp ló trong những cảnh bi ai vẫn bừng lên những con người còn đang vùng vẫy quẫy đạp hòng thoát cái kiếp thống khổ này, gương của họ, không khỏi nhắc nhở ta về một bản lĩnh đàn bà kiên cường và mạnh mẽ tồn tại âm thầm trong trái tim…. Loan là người của thế kỉ cũ, ấy vậy mà cách suy nghĩ, tư tưởng của nàng làm người đọc cứ ngỡ là đã đi trước thời đó hẳn chục bước rồi. Nó mới quá, lạ quá, và xa vời quá, nó khiến nàng thấy cô đơn trơ trọi giữa cái xã hội cũ kĩ lạc dòng lịch sử ấy….

4. Mâu thuẫn cũ mới dai dẳng.

Đáng tiếc, Nhất Linh, một người theo chủ nghĩa “diệt cũ” triệt để, đã cố gắng hướng câu chuyện đời Loan theo hướng đả kích hết mức những người cũ, và mỹ lệ hóa đầu óc tân tiến của lớp người mới, mặc cho sự thái quá đó đang làm biến dạng những giá trị quan và đạo đức xã hội.

Bản thân nàng, một người được nuôi dạy trong môi trường Tây học tân thời, dường như đã quên hẳn 2 từ tiếng mẹ đẻ ”truyền thống” và “trách nhiệm”. Mới về nhà chưa được bao lâu, nàng tỏ ra lơ đễnh, “quên béng” các bổn phận cơ bản của người làm dâu, dù đó là những việc nhỏ nhặt nhất trong nhà. Mỗi khi gia đình có dịp lễ tết quan trọng, thái độ nàng chỉ hờ hững, thậm chí quên bẵng đi một cách vô tâm. Có lẽ trong bởi vì nàng vốn đã sống trong một nhà gia trưởng, nên mặc nhiên nàng coi việc “hiểu họ” chỉ là vô nghĩa? Suy cho cùng, dù cho Lan có học thức, có tân thời đi chăng nữa, nếu không có địa vị kinh tế trong nhà, và thiếu đi chút tinh tế trong đối nhân xử thế, thì nàng vẫn sẽ mãi không có tiếng nói giữa gia đình

Bổn phận đó, trong thâm tâm nàng, nàng không cho là bổn phận, chỉ là sự bó buộc gây nên bởi tập quán nó làm cho mọi người quanh quẩn quấy rầy nhau mà không có kết quả gì tốt.

Đỉnh cao của sự đả kích truyền thống của Nhất Linh phải nói nhất chính là khi ông khước từ cái lạy để tiễn vong linh mẹ được an nghỉ. Nó khiến bạn đọc cảm thấy sợ, thấy hãi hùng vô cùng trước sự cực đoan khi đánh đồng giữa truyền thống và hủ tục của những người “mới”. Rõ ràng, không chỉ vì sự cổ hủ khắt khe của gia đình phong kiến, mà cái sự thiếu khôn ngoan, thiếu lý trí của người trẻ cũng góp một phần trong quá trình gặm nhấm mối quan hệ gia đình thêm một gay gắt, rạn vỡ từ trong hạt nhân của nó.

Cuối cùng, với cái chết bi thương của đứa con đứt ruột đẻ đau, và sau khi chứng kiến một sự ngoại tình trắng trợn được nhà chồng ủng hộ công khai, nàng dường như đã đến bên bờ vực sụp đổ của cái tôi mạnh mẽ hồi nào. Mặc cho mọi cố gắng, mọi sự đấu tranh không ngừng nghỉ, nàng cuối cùng vẫn phải bại trước những đầu óc lạc hậu hủ bại, trước sự bất lực của bản thân. Nàng ngộ ra sự tàn khốc khi đứng giữa một nhà mà mình và những người sống trong đó đều từ chối sự thấu hiểu lẫn nhau, trong một chốn ngục tù tư tưởng mà nàng sẽ luôn là kẻ yếu thế hơn, luôn bị hà hiếp bởi bọn tù nhân khác, những kẻ bị cầm tù giữa thế giới văn minh mà bản thân chúng cũng không hay biết.

Tôi thì cho không lỗi ở bên nào cả, vì nếu thế thì hiện giờ biết bao nhiêu người có lỗi. Trong bất cứ gia đình nào, hễ cứ có người mới người cũ, là xảy ra những câu chuyện bất bình như thế. Lỗi đó ở chế độ, ở hai quan niệm khác nhau của hai bọn người phải chung sống.

Bế tắc. Ngột ngạt.

Sống như vậy, chỉ có chết dần, chết mòn

Sống như vậy, không bằng một lần ta đứng dậy chiến đấu!

Và trong lần phản kháng cuối cùng đó, lần đầu nàng tận hưởng cảm giác sục sôi căm thù khi chống lại kẻ áp bức, khi cầm lấy vũ khí bảo vệ tự do của đời mình. Một sự giải thoát nên có từ lâu

Mọi biến cố như thước phim chiếu lùi. Lùi đến tận trang đầu của cuốn sách. Người đàn bà trước vành móng ngựa.

Tranh cãi cũ mới nổ ra inh ỏi. Cái tôi cứng cỏi vẫn bền bỉ đến phút cuối. Nàng đối diện quan tòa, đối diện ngã rẽ cuối cùng: hoặc là chịu kiếp tù đày lần nữa, hoặc là rũ bỏ cuộc đời cũ … Và vận may cuối cùng đã mỉm cười với nàng!

5. Sự lạc lõng trước xã hội của thanh niên đương thời

Lại nói về Dũng, nhân vật có tính đa biểu tượng nhất. Nhìn chung, Dũng đại diện cho lớp thanh niên có lý tưởng nhưng chưa rõ ràng, chưa quyết đoán. Cậu ca thán cảnh nghèo nàn tù túng của người nông dân, xác định họ như cái đích của cách mạng, nhưng chỉ nói chứ không làm được, bản thân cũng không có phương sách nào để giúp họ. Cậu từ Loan cũng vì khát khao lo việc đời trước việc tình duyên, không muốn vì chuyện vợ con mà ảnh hưởng, nhưng cuối cùng vẫn lưu luyến bứt rứt vì nó, lại dùng dằng muốn nối lại tình xưa khi cái chí nam nhi còn đang bỏ dở. Muốn yêu nhưng không thể,muốn làm nhưng không thực hiện được, là tình trạng của lớp thanh niên tân thời khi đối mặt với hiện thực trần trụi của xã hội. Bởi vậy nên Nhất Linh đã viết tiếp “Đôi bạn” về sau để hiện thực hóa cuộc cách mạng lý tưởng của Dũng

Cuộc đời Dũng và Loan là hai nửa đối nghịch, nhưng bổ sung lẫn nhau. Dũng tự do tự tại, còn Loan bị kìm hãm, dày vò. Dũng mịt mờ trên con đường cách mạng, mà không nhận ra điều đầu tiên cần cải cách, như cụ Phan Chu Trinh từng nói, chính là nền phong hóa đầy rẫy những điều cổ hủ của nước nhà, chính là thứ đã đày đọa đời Loan. Loan hướng tới Dũng là lý tưởng của cuộc đời tự do mà cô mãi không chạm tới được, giống như cách Dũng lẩn tránh nàng liên tục, sau khi nàng dứt điểm, đoạn tuyệt hẳn cuộc đời cũ, thì cuộc đời cả hai chính thức hòa vào 1 thể, tức là đều trở thành người tự do. Nhưng sẽ không có sự hợp thành nào hết, vì 2 người đã phân ly trên 2 mảnh đời riêng, và chỉ có thầy may mắn mới giúp họ được.

6. Tổng kết

Cùng với “Nửa chừng xuân”, “Đoạn tuyệt” đặt dấu mốc tư tưởng lớn trong sự nghiệp của nhóm Tự Lực. Sau một loạt các tác phẩm mang hướng  thuần túy trước đó như Gánh hàng hoa, Đời mưa gió,….. thì tác phẩm này như một sự lột xác bất ngờ với giọng văn thẳng thắn phê phán, đả kích những vấn đề nhức nhối của xã hội nửa tây nửa ta đương thời. Bóc tách cuốn “Đoạn tuyệt” là thấy được tầng tầng lớp lớp những mối quan hệ gia đình trong thời đại giao thoa, những mâu thuẫn giữa các giá trị cũ và mới, giữa truyền thống, phong hóa dân tộc với hiện thực xã hội.

Tuy nhiên bản thân “Đoạn tuyệt” vẫn bị hạn chế nhiều về tư tưởng, cốt truyện. Bằng việc chọn một tai nạn bất ngờ làm nút thắt cho mâu thuẫn cũ mới và nối tiếp bằng một màn xử án “lý tưởng hóa quá mức” khi nhân vật lại không phải chịu bất cứ tội trạng  lý nào, và cuộc sống tự do cũng được miêu tả êm đẹp đến bất ngờ, cuộc kiến thiết xã hội mới khép lại trong sự chơi vơi nửa vời. Mặt khác, đầu óc mơ tưởng và những hành động của nhân vật cũng khiến người đọc không khỏi băn khoăn về cách nhìn nhận giữa đúng và sai, giữa truyền thống tốt đẹp đẹp và hủ tục.

Đoạn tuyệt, là dứt bỏ cái cũ để tìm đến cái mới, là hy sinh đời tình ái để mở lối soi đường cuộc cách mạng của giống nòi, nhưng xin cũng đừng nhầm lẫn với sự chối bỏ giá trị truyền thống, cội nguồn của dân tộc mình. “Đoạn tuyệt” có lẽ sẽ trở thành áng văn xuôi tầm cỡ  giống những tác phẩm cùng thời như “Số đỏ”, “Chí Phèo”, “Nửa chừng xuân”, nếu không có sự lý tưởng hóa thái quá cái “mới” và phủ nhận hoàn toàn cái “cũ” như vậy.

Về đường xã hội, cái biệt tài trào phúng của phái ấy, cả trong  văn và trong các bức hí họa, đã làm rõ cái dở, cái rởm, cái buồn cười, cái giả dối trong các hủ tục, thiên kiến của ta. Tuy nhiên, phái ấy không khỏi có những điều thiên lệch. Có những tục không đáng công kích mà cũng công kích…

– Dương Quảng Hàm nói về Tự Lực Văn Đoàn –

27/8/2021

Review của độc giả Kiên Trần – Nhã Nam reading club

Điều nhỏ bé phi thường

Điều nhỏ bé phi thường

Người bạn phi thường (tựa gốc tiếng Ý: L'amica geniale, tựa tiếng Anh: My Brilliant Friend) là phần mở đầu cho bộ 4 tiểu...

Thứ Hai, 26/08/2024