Review sách: CHUYỆN NGƯỜI TÙY NỮ – Margaret Atwood

Chủ Nhật, 24/09/2023

Thật sự cảm thấy ngột ngạt khi đọc “Chuyện người tuỳ nữ“, rất ngột ngạt là đằng khác. Ngột ngạt ở ngôn từ dồn dập, được tuôn ra xối xả từ ngòi bút của Margaret Atwood, với dòng thời gian đảo liên tục không một dấu hiệu báo trước, với lời thoại rầm rì nhiều chỗ khó phân biệt ai đang nói. Với mình thì khá mệt mỏi để theo dõi nhưng ngẫm lại thì cái kiểu viết này hợp lý với bối cảnh bức bối mà cô tuỳ nữ Offred phải chịu, trong một câu chuyện hơi hướng 1984 phiên bản nữ giới .

Đùng một phát, Offred từ một cô gái có gia đình, chồng con, cha mẹ vẫn khoẻ mạnh, bỗng mất tất cả, và không chỉ cô, toàn thể nữ giới đều bị hạ bậc vai trò xã hội. Họ thành những cô hầu gái, buộc mình trong góc nhà, dọn dẹp nấu nướng, bị tước đi mọi quyền lợi xã hội, cách ly khỏi tiến bộ, khỏi giải trí, khỏi thế nào là tận hưởng cuộc sống. Và hơn hết, thiêng chức làm mẹ đã bị hạ thấp đến mức độ là những cái máy đẻ, theo kiểu mà Napoleon đã từng nhạo báng phụ nữ.

Offred quy thuận cái xã hội mới mẻ mà người ta đặt cô vào, cô sống không phải ở hiện tại hay vì hiện tại, mà thứ nuôi dưỡng sự tồn tại của cô là những hồi ức. Hồi ức về người con của cô, về người chồng mà cô có giai đoạn chán ngán hay về người mẹ mà cô từng cho rằng thiếu sự tinh tế. Cô nhớ hơi người, cô thèm hơi chữ, thèm những tờ báo chi chít chữ mà trước đây chỉ đọc qua loa giết thời gian. Đúng kiểu có không giữ mất đừng tìm.

Cuộc sống của Offred và các nữ hầu gái khác bị kiểm soát bởi những Thống soái và trên hết là niềm tin vào Chúa đã bị nhóm thống trị sử dụng để ghì chặt tất cả các cô gái với sự phục tùng. Phục tùng vô điều kiện cho giới nam “tinh hoa” và những kẻ có mầm mống chống đối sẽ bị xử tử, nên mọi trao đổi, họp mặt luôn phải thực hiện một cách lén lút vì sợ bị bắt gặp. Điều này tạo cho tác phẩm một gam màu rất u tối.

REVIEW “CHUYỆN NGƯỜI TÙY NỮ” – Margaret Atwood

“Chuyện người tuỳ nữ” tạo ra một dystopia khi nữ quyền sa sút và nó đặt ra vấn đề suy ngẫm về bình đẳng giới. Bi kịch cho người hầu gái càng nặng nề bao nhiều càng tô thêm sự bức thiết của một xã hội mà người nữ được đối xử và trân trọng hơn. Ngoài ra, cách tổ chức xã hội trong “Chuyện người tuỳ nữ” rất giống với những điều được mô tả trong “1984” của George Orwell, khi một nhóm thống trị, chi phối và triệt tiêu tự do và khả năng của mọi đối tượng còn lại. Phồn vinh không nằm ở sự thống trị đè nén như vậy, mà nó chỉ đến khi các cá thể trong xã hội thật sự có được khả năng tương tác không bị ngăn cản. Xã hội tưởng chừng như là utopia đó còn chứa đầy rẫy sự đạo đức giả khi “nếu muốn thì dù cấm cũng sẽ có cách lách”.

Sẽ khá nặng nề để lướt qua toàn bộ câu chuyện của những cô tuỳ nữ nhưng hãy đọc nó (và xem phim) để có một góc nhìn khác hơn về xã hội và về nữ giới.

Review của độc giả Tôi tư duy nên tôi đi lùng sách cũ – Nhã Nam reading club

Hoang vu giữa thành phố lớn

Hoang vu giữa thành phố lớn

Năm 2022, tiểu thuyết Tình yêu ở thành phố lớn của nhà văn Sang Young Park cùng tập truyện ngắn Con thỏ nguyền...

Thứ Ba, 03/12/2024