“Giấc mộng đêm hè” (Midsummer night's dream) của đại văn hào người Anh Shakespeare gửi gắm thông điệp: “Tình yêu không theo luật lệ nào ngoài thứ luật của chính nó”. Milan Kundera viết “Chậm” không chỉ về tình yêu, nhưng nó lại diễn ra song song với một giấc mộng đêm hè. Như say như tỉnh. Bối rối và mê hoặc. Những câu chuyện khác dòng thời gian đan xen trong một dòng chảy tự sự, tất cả hợp lại làm nổi bật sự quan sát tinh tế của Milan Kundera về đời sống hiện đại.
“Chậm” (tên gốc là “La Lenteur”) là tiểu thuyết đầu tiên mà Kundera viết bằng tiếng Pháp.
“Chậm” được xuất bản năm 1995, nhưng mãi đến tháng 7/2019, độc giả Việt Nam mới được đón đọc tác phẩm này do dịch giả Ngân Xuyên chuyển ngữ, phát hành bởi Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn.
Hai trong một? Hay là bốn trong một?
Hai khung thời gian quá khứ và hiện tại diễn ra trong một địa điểm – một lâu đài cổ, bên bờ sông Seine thơ mộng, trữ tình.
Nơi đây vào một đêm hè thế kỷ XVIII, trong tiểu thuyết “Không có ngày mai” của Vivant Denon, phu nhân T và chàng hiệp sĩ vô danh đã tận hiến cho một đêm mặn nồng rồi biệt ly mãi mãi. Một mối tình ngắn ngủi đầy nhục dục. Một buổi đêm đầy chậm rãi. Một đêm tình duy nhất. Không có ngày mai.
Cũng tại chính lâu đài ấy, vào một đêm hè thế kỷ XX, diễn ra đồng thời ba dòng sự việc. Một là, Kundera và vợ Véra qua đêm trong kỳ nghỉ. Hai là, bạn của tác giả – anh chàng Vincent sau khi tham dự một hội nghị lớn của các nhà côn trùng học, đã đắm chìm vào mối tình thoáng qua với một người phụ nữ. Ba là, cũng trong hội nghị đó, diễn ra cuộc nói chuyện đầy thú vị giữa Berck và nhà bác học Séc, sau cùng là xung đột giữa Berck và Immaculata, có thể gọi là thứ tình cảm kiểu “Theo tình tình chạy, trốn tình tình theo”.
Vậy là bốn dòng sự việc chính đồng thời được Kundera kể trong “Chậm”, móc nối với nhau bởi mỗi một móc xích riêng, cuối cùng làm nhiễu loạn cả giấc mộng của Véra.
Bối rối và mê hoặc.
Để rồi kết thúc trong cuộc hội ngộ giữa hai đại diện của thời gian, cũng là hai đại diện của tốc độ, của ký ức.
Một cốt truyện xoay vần.
Sân khấu của những “người khiêu vũ” đại tài.
Trong tác phẩm này, Kundera đưa ra một lý thuyết về vũ công, mà dịch giả Ngân Xuyên gọi là “người khiêu vũ” – một sự chuyển ngữ hết sức ý vị – nghề vũ công sẽ là người khiêu vũ, nhưng người khiêu vũ chưa chắc đã làm nghề vũ công.
“Người khiêu vũ” trong “Chậm” của Kundera là những con người ham muốn vinh quang, khát vọng chiếm lĩnh sân khấu để làm tỏa rạng cái tôi của mình.
Khán giả của sân khấu là đám đông ngồn ngộn những người vô hình – nghĩa là toàn thế giới ngoài kia – một khối vô tận không có khuôn mặt, một khái niệm trừu tượng. Bởi vậy mà “người khiêu vũ” diễn mọi lúc mọi nơi, trong mọi hành động cử chỉ, để những khán giả vô hình thưởng thức, tung hô.
“Người khiêu vũ” càng thể hiện bản thân hơn trước phương tiện truyền thông, nơi từng khoảnh khắc được lưu lại, nơi mà đám đông khán giả vô hình của họ có thể tìm thấy, xem thấy tại một thời gian khác, một địa điểm khác. Kết hợp với phương tiện truyền thông, tốc độ càng đóng vai trò quan trọng. Phải tranh thủ từng khoảnh khắc để nắm bắt những khuôn hình vàng, để có thể biến mình thành vĩ nhân trước mắt công chúng.
Và để chiếm lĩnh sân khấu thì cần phải đẩy những người khác ra khỏi đó. “Người khiêu vũ” dùng chiến thuật gọi là “judo đạo đức” để thực hiện trận đấu này. Họ ném găng tay thách thức cả thế giới, ai có thể “tỏ ra” đạo đức hơn, dũng cảm hơn, trung thực hơn, chân thành hơn, dám hy sinh hơn…
“Chính nỗi ám ảnh muốn biến cuộc đời mình thành chất liệu làm nên nghệ thuật đó là bản chất thật sự của người khiêu vũ; nó không thuyết giảng đạo đức mà nó nhảy múa cái đạo đức ấy! Nó muốn làm cả thế giới xúc động và choáng ngợp trước vẻ đẹp cuộc đời nó! Nó say mê đời mình như nhà điêu khắc say mê bức tượng ông ta đang tạc.”
Dàn nhân vật trong “Chậm” của Kundera là cả một đoàn “người khiêu vũ”, họ diễn trước mặt mọi người, họ diễn với nhau, và họ diễn với chính bản thân mình.
Trong văn chương Việt Nam dường như có một dàn nhân vật cũng khá tương đồng, đó là tầng lớp ăn trên ngồi trốc dưới xã hội tư sản hóa cuối mùa trong tác phẩm “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng.
Khi “người khiêu vũ” trong “Chậm”, những T, những hiệp sĩ, những Berck, những Vincent, những Immaculata… chiếm lĩnh sân khấu để tỏa rạng ánh hào quang của cái danh đạo đức hơn người, thì tầng lớp ăn trên ngồi trốc trong “Số đỏ”, những Tuyết, những Phó Đoan, những Văn Minh… đã lên sàn diễn để kịp hợp thời với cái danh thượng lưu và tân thời mà Âu hóa mang lại.
Nói cho cùng thì dưới tấm áo choàng rực rỡ, long trọng và danh giá ấy, là thói háo danh, đạo đức giả, và hãnh tiến đến nực cười.
Chất chứa đầy những nghịch lý.
Kundera thường nói rằng tiểu thuyết của ông không phải là tiểu thuyết tâm lý, nhưng cách ông theo đuổi cái tôi thì khá đặc biệt, đến nỗi tạo nên một “hiện tượng văn chương khác thường” của thế giới. Kundera dẫn dắt người đọc vào “trò chơi” của mình, nhưng vì quá hiểu tâm lý con người, ông khiến bạn đọc ngạc nhiên pha lẫn tò mò, không thể đoán được nội dung hay tình tiết.
Có người nói văn chương Milan Kundera làm cho con người trở nên thông tuệ hơn. Điểm này thì phải nhường cho cảm nhận của mỗi độc giả.
“Chậm” cũng là một tác phẩm khó đoán, nó mang trong mình những nghịch lý, về cả nội dung lẫn hình thức.
Là một cuốn tiểu thuyết tên “Chậm” nhưng có thể được đọc rất nhanh, vì độ dài chưa đến 200 trang. Và tuy bị giới hạn trong một dung lượng ít như vậy, nhưng sân khấu của “Chậm” lại chật ních những “người khiêu vũ” cố tranh nhau xuất hiện dưới ánh đèn màu sân khấu.
Những dòng sự việc trong “Chậm” đan cài vào nhau và cùng dao động giữa hai thái cực của cái thiêng và cái tục. Ẩn dưới những thiên truyện ảo mộng và phóng đãng này là những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà văn về đời sống hiện đại, về mối liên hệ giữa sự chậm rãi và ký ức, giữa khát khao quên lãng và lựa chọn sống gấp.
Tác phẩm giới thiệu những ý niệm của chủ nghĩa hưởng lạc và hiện tượng xã hội hiện đại đang làm giới hạn khả năng tận hưởng những điều thanh nhã và đẹp đẽ của cuộc sống. Với một chủ đề khá nghiêm túc như thế nhưng “Chậm” lại được viết một cách rất thiếu nghiêm túc, một giọng văn hài hước đôi khi mỉa mai, có vài ngôn từ khá tục và diễn đạt có phần… lan man, tựa như người say kể chuyện đời.
Lấy những nghịch lý làm đòn bẩy, bằng sức quan sát tinh tế, Milan Kundera chỉ ra một số hiện thực trong xã hội hiện đại, sự tôn sùng tốc độ quá mực, thói háo danh sống gấp chạy theo phù phiếm, sự mù quáng của đám đông và chiến thắng vẻ vang của văn hóa đại chúng.
Ảnh hưởng của việc đổi ngôn ngữ viết trong văn chương Milan Kundera
Năm 1998, độc giả đón chào tác phẩm thứ hai viết bằng tiếng Pháp – “Bản nguyên” (L'Identité) của Kundera, sau ba năm “Chậm” được phát hành. Trên tờ Libération, biên tập viên Antoine de Gaudemar đã phải thốt lên rằng:
“Đâu rồi những hăm hở châm biếm và hài hước trong những tiểu thuyết viết bằng tiếng Tiệp, đâu rồi những đùa cợt, những điệu valse và những mối tình nực cười, đâu rồi những tưng bừng nhảy từ chuyện con kiến sang chuyện con voi, những biến đổi nhặt khoan, sự mỉa mai bay bổng? Điều mà trước kia từng làm nên sức mạnh, sự châm biếm sắc sảo của Kundera giờ đây có lẽ bị tiêu tan bởi những câu văn trịnh trọng và những suy nghĩ mang tính phổ quát.
Ngài ở đâu, Milan Kundera? Trong khủng hoảng căn cước nào?” (Thuận dịch)
Milan Kundera sinh ra ở Tiệp Khắc năm 1929, di cư sang Pháp từ năm 1975, hiện đang mang quốc tịch Pháp. Ông bắt đầu đổi ngôn ngữ viết từ tiếng Tiệp sang tiếng Pháp từ tiểu thuyết “Chậm”. Lựa chọn này khiến các tiểu thuyết của ông gần như biến dạng.
“Chậm” đã khiến độc giả bối rối: Kundera vẫn giữ nguyên cấu trúc bằng những biến đổi quấn quít vốn mang lại niềm vui lớn lao khi đọc các tiểu thuyết trước của ông, nhưng trong “Chậm” ẩn chứa một sự dè sẻn và cố ép kỳ quặc.
Đó là những đánh giá khá khắt khe qua lăng kính của một biên tập viên với ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Pháp.
Còn với độc giả Việt Nam, có thể thấy ở “Chậm” sự dò dẫm thích nghi của một người cố sử dụng ngoại ngữ như bản ngữ, của một anh thợ chăm chỉ thận trọng dựng lên một công trình mới trên nền chất liệu ngôn ngữ mới, vì thế có thể lý giải sự “kiệm lời” đột ngột của Kundera so với các tác phẩm trước.
Vài nét về tác giả Milan Kundera
Ngày 1/4/2019, Milan Kundera bước qua tuổi 90, là tác gia lớn của thời đại, là chứng nhân của lịch sử.
Trong nhiều năm liền, Kundera luôn được nhắc đến như một ứng cử viên sáng giá của giải Nobel Văn chương. Trải qua nhiều thăng trầm biến động, chứng kiến sự ra đời và thoái trào của nhiều trào lưu văn học, Kundera là một trong những tiểu thuyết gia xuất sắc nhất của thế giới.