Review sách: CÂY CAM NGỌT CỦA TÔI - José Mauro de Vasconcelos

Chủ Nhật, 24/09/2023

“Tôi bị trừng phạt bằng cách phải tiếp tục sống.”

Điều gì đã khiến một cậu bé năm tuổi nghĩ rằng cuộc sống là một sự trừng phạt nặng nề với cậu? Điều gì đã giết chết một trái tim chưa kịp mở lòng? Điều gì đã khiến đứa trẻ ấy tự tuyên một bản án cho chính mình:“Mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này.”?

Hãy cứ nhìn ở phần đầu cuốn sách mà xem, Zezé là một cậu bé thông minh và lớn khôn trước tuổi – cậu bé biết đọc từ sớm, cậu luôn hỏi mọi câu hỏi có trong cái đầu của mình (thường là với bác Edmundo) để nhận được những câu trả lời hoàn chỉnh hơn. Cậu bé mê chơi bi và những tấm thẻ bài, thích bày trò, ao ước có một món quà vào lễ Giáng Sinh. Zezé dùng trí tưởng tượng để tạo ra một thế giới khác cho mình và em trai, đầy phiêu lưu mới mẻ. Nhưng Zezé cũng chẳng phải là một thằng bé hạng vừa. Nó nghịch đến nỗi người ta luôn gọi nó với những câu nói cửa miệng kiểu “Lại là thằng con ông Paulo đấy”, “Thằng con ông Paulo chứ đâu”.

Nhưng Zezé cũng là một cậu bé có lòng trắc ẩn để nhìn thấy nỗi khổ của cha, nét buồn của cô giáo, sự cô đơn của bạn cùng lớp. Cậu bé nỗ lực đi đánh giày để có thể mua cho cha một bao thuốc ở cửa tiệm với giá mười hai xu làm quà giáng sinh, khi đã lỡ làm tổn thương cha mình bởi một câu nói. Mặc dù tất cả đều biết rằng, đứa trẻ ấy cũng chẳng cố ý đâu, nó cũng rất buồn vì ngày Giáng sinh cứ mong chờ mãi mà chẳng có một món quà nào. Mình cứ nhớ mãi khi Zezé nói chuyện với cô giáo rằng ai cũng có hoa cả, chỉ có cô là không- vườn hoa nọ lại có rất nhiều hoa, em nghĩ sẽ chẳng ai để ý; rằng cô đừng hôm nào cũng cho em tiền mua bánh ngọt, cô có thể cho người khác – một cô bé da đen còn nghèo khó hơn em nhiều, nhà cô bé có tận mười một anh chị em.

Một đứa trẻ hiểu chuyện là thế, lương thiện là vậy, nhưng lại chẳng thế nào tránh nổi những biến cố cuộc đời. Bi kịch cứ thế ập đến, khi thứ  duy nhất mà gia đình Zezé dùng để giao tiếp với em chính là những trận đòn roi vô tội vạ, thừa sống thiếu chết. Để rồi đứa trẻ ấy muốn giết người cha mình “Cháu sẽ giết ông ấy. Cháu đã bắt đầu rồi. Không phải giết ông ấy có nghĩa là chộp lấy khẩu súng lục của Buck Jones và bắn bùm! Không cần phải thế. Ông có thể giết một người nào đó trong trái tim ông. Không yêu người đó nữa. Và thế là một ngày nào đó người đó sẽ chết.”

Và rồi đến cả cây cam ngọt – Pinkie hay người bạn bí mật đều lần lượt bỏ cậu mà đi. Khó có ai thấu hiểu nỗi đau khi mất đi “vị ngọt duy nhất” trong đời. Tất cả dồn nén lại, dâng lên một khối nặng nề, đau tức, nghẹn ngào ở câu thoại cuối truyện: “chẳng ích gì đâu cha ơi, chẳng ích gì đâu…”.

“CÂY CAM NGỌT CỦA TÔI” (José Mauro de Vasconcelos) – KHI SỐNG LÀ MỘT SỰ TRỪNG PHẠT

Cây cam ngọt của tôi chứa cả những cay đắng lẫn ngọt ngào. Chẳng có gì đáng buồn hơn một đứa trẻ nghĩ rằng nó không được yêu, chẳng ai cần nó, sẵn sàng quăng mình dưới đoàn tàu để bị nghiến nát. Cũng chẳng có gì ấm áp hơn cảm giác được bao bọc bởi sự quan tâm, yêu thương, mà ta chỉ nhìn thấy nó rõ ràng khi đã trải qua đau đớn. Zezé trải nghiệm tất cả những điều ấy khi chưa đầy 6 tuổi, cái tuổi quá non nớt để nhận thức chuyện đang xảy ra. Không phải cá biệt khi Zezé nghĩ đến cái chết, trước và sau cậu đã bao nhiêu đứa trẻ có cha mẹ mà rằng có lẽ mình chết đi thì mới được thương, hay ốm nặng cũng tốt vì được đối xử nhẹ nhàng.

Mở đầu bằng những thanh âm trong sáng và kết thúc lắng lại trong những nốt trầm hoài niệm, Cây cam ngọt của tôi khiến ta nhận ra vẻ đẹp thực sự đến từ những bông hoa trắng của cái cây sau nhà, và rằng cuộc đời sẽ thật khốn khổ nếu thiếu đi lòng yêu thương và niềm trắc ẩn.

Review của độc giả Trương Trúc – Nhã Nam reading club