Tủ sách Việt Nam danh tác của Nhã Nam đã giúp đào sâu hơn vào kho tàng văn học nửa đầu thế kỷ trước, đưa đến cho độc giả phổ thông cái nhìn đa dạng hơn trong thể loại, đề tài của nền văn học nước nhà. Bên cạnh những tên tuổi nổi tiếng như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, những nhà văn nhỏ hơn như TchyA – Đái Đức Tuấn – cũng dần được biết tới và đón nhận. Cái tiêu đề “Ai hát giữa rừng khuya” và tranh bìa thơ mộng khiến người đọc liên tưởng đến một cuốn truyện về núi rừng nên thơ hơn là một thể loại quen thuộc mà ít được nhắc tới: truyện ma.
Ai hát giữa rừng khuya có thể được coi là một cuốn tiểu thuyết kinh điển, với mạch kể chậm, nhiều khắc họa đương thời và nhiều lời cảm thán, lễ nghĩa. Khác với các tác phẩm cùng thời về tình yêu đôi lứa hay trang hào kiệt, truyện sử dụng sử dụng giọng văn hiện đại để kể lại những yếu tố kinh dị, kỳ ảo trong dân gian. TchyA đã vẫn giữ được lối miêu tả sinh động khung cảnh thiên nhiên quê hương, nhưng lại đặt vào tông u ám, thê lương khiến người đọc không khỏi cảm thấy mụ mị, khó chịu.
Nhà văn như đã lấy thẳng những mẩu truyện từ Truyền kỳ mạn lục mà đưa vào xã hội Pháp thuộc thời đó. Từ cuộc tỉ thí của oan hồn cho đến cuộc săn của con hổ thành tinh, tình tiết câu chuyện được xây dựng bởi những hiện tượng siêu nhiên nối tiếp nhau với mối liên kết dần được hé mở khi các bí ẩn được khám phá. Dẫu vậy, dấu ấn thời đại vẫn hiện rõ trong tác phẩm. Hình ảnh quá khứ trong truyện được khắc họa như cuộc tranh đấu căng thẳng, không ngừng nghỉ giữa âm và dương, tương phản lại là một xã hội đèn điện nơi hồn khí chỉ còn vất vưởng như một cảnh tiêu khiển cho người trần. Những hiện tượng kỳ ảo của quá khứ như con ác hổ rồi cũng lu mờ đi, thay thế bởi cái ác từ lòng dạ con người.
Ai hát giữa rừng khuya cũng là một cuốn sách lạ, lạ ở cấu trúc lẫn nội dung. Đặt giữa thời đại đã nhòa dần sự mê tín, tiểu thuyết lùi dần về quá khứ qua nhiều lớp lời kể lồng vào nhau. Truyện cũng không nhắm tới bài học nhân sinh sau một mở đầu chậm rãi nữa. Hình ảnh người phụ nữ bị đày đọa trong xã hội bán phong kiến, tuy được sử dụng, cũng không phải là trọng tâm để lên án chế độ. Tác phẩm chỉ đơn thuần dung bối cảnh u mê của quá khứ để kích thích nỗi sợ trong người đọc giữa một xã hội đang liên tục đổi thay. Điều đáng tiếc nhất của tác phẩm là cái kết mở cho một câu chuyện mới con người hơn, nhưng lại không bao giờ được viết.
Đọc Ai hát giữa rừng khuya không phải để hiểu hơn về xã hội Việt Nam đương thời với những sự bất công hay khổ cực, đọc tác phẩm chỉ đơn giản là để hiểu sâu hơn về sự phong phú của nền văn học Việt Nam. Với người đọc ưa sự li kỳ hồi hộp, đây là một cuốn sách để kết nối với cảm xúc đọc của thế kỷ trước, còn đối với người đam mê văn học, đây là cuốn sách để mở rộng cấu trúc viết độc đáo của nước nhà.