Phạm Cao Củng
Phạm Cao Củng sinh năm 1913 tại Nam Định. Năm 1936, khi còn học trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, ông bắt đầu viết truyện trinh thám. Cuốn Vết tay trên trần xuất bản năm 1936, in khoảng 100 trang lúc đó có thể coi là cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của văn học hiện đại. Ông cũng là nhà văn viết sách series đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi vào làm cho tờ Hải Phòng tuần báo của Nhà xuất bản Mai Lĩnh, ông bắt đầu cuộc đời của một nhà văn chuyên nghiệp, viết cho Tiểu thuyết nhật báo, Phong hóa, Ngày nay... Năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn. Năm 1975, ông đến Hoa Kỳ và cho đến nay định cư ở bang Florida.
Phạm Cao Củng viết trên 200 cuốn sách, trong đó, hiện sưu tầm chưa đầy đủ, có hơn 20 tiểu thuyết trinh thám. Tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng chia làm hai series mang đặc điểm khác nhau: series Kỳ Phát gồm có, chẳng hạn, Vết tay trên trần, Kỳ Phát giết người, Đám cưới Kỳ Phát, Bóng người áo tím...; series Tám Huỳnh Kỳ có Máu đỏ lòng son, Chiếc gối đẫm máu, Bàn tay sáu ngón... Trong Hồi ký (in tại Hoa Kỳ năm 1993) ông tự nhận mình “chỉ là một anh Thợ Viết không hơn không kém”, có lẽ do quan niệm như vậy nên ông không hề lưu trữ tác phẩm, và ông cũng không còn nhớ rõ ông đã viết những gì.
Tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng chia làm hai dòng: trinh thám suy luận và trinh thám mạo hiểm, ảnh hưởng rõ nét của Conan Doyle và Maurice Leblanc. Nhân vật Kỳ Phát mang đậm dáng dấp của Sherlock Holmes. Cũng giống như gã thám tử lừng danh người Anh Sherlock Holmes, chàng Kỳ Phát tôn thờ phép suy luận, trong cả cuộc đời, chàng lấy suy luận làm phương cách phá án. Dùng trí óc để suy xét, đề cao lý trí và logic các sự kiện, tên tuổi trinh thám của chàng gắn với phép suy luận. Trong các cốt truyện trinh thám ít khi có xác chết ngay từ đầu, xác chết sẽ xuất hiện tình cờ để thách thức tài năng thám tử; các án mạng kép, những liên can ngày càng mở rộng và bí hiểm; những câu chuyện dẫn dắt, những nghị luận về công việc trinh thám đan xen trong tiến trình kể chuyện, đó là kết cấu phổ biến của tiểu thuyết trinh thám phương Tây thời kỳ đầu mà tiêu biểu là Conan Doyle.
Đương thời, các nhà xuất bản in sách của Phạm Cao Củng dưới tiêu đề Trinh thám Kỳ Phát. Khai thác những khung cảnh bí hiểm, những câu chuyện lắt léo rùng rợn, các nhân vật liên quan đến các băng đảng phổ biến trong truyện kiếm hiệp, truyện đường rừng bấy giờ; nhân vật thám tử tài ba, trọng nghĩa khinh tài, với những số phận éo le sẽ được soi sáng dưới sự điều tra của nhân vật chính..., đó là các yếu tố làm nên sự hấp dẫn của trinh thám Kỳ Phát. Vào những năm trước Cách mạng tháng Tám, ở các đô thị, người ta chờ đợi trinh thám Kỳ Phát, không phải là cho đến khi in thành quyển, mà hồi hộp từ những kỳ in báo trước đó.
Series về nhân vật Tám Huỳnh Kỳ mang phong cách khác hẳn: đó là những cốt truyện nhuốm màu rùng rợn, hành động của nhân vật mang tính cách mạo hiểm. Nhân vật chính Tám Huỳnh Kỳ là thủ lĩnh một băng nhóm trộm cướp, đối tượng điều tra của cảnh sát. Đó là một mẫu nhân vật lưỡng diện, sẵn sàng làm những việc tàn bạo nhưng trong tính cách vẫn chứa đựng nét thông minh, hào hiệp, nghĩa khí của một trang nam tử, sẵn sàng giúp đỡ người yếu thế, trong nhiều tình huống thực sự trở thành một thám tử, điều tra làm sáng tỏ các vụ việc để rửa tiếng oan cho băng nhóm. Đây là nhân vật mang dáng dấp của tên trộm hào hoa Arsène Lupin trong văn học Pháp.
Cho đến nay, Phạm Cao Củng là nhà văn viết trinh thám series có số lượng tác phẩm nhiều nhất và thành công nhất ở Việt Nam. Sau ông, ở miền Nam cũng có tác giả viết truyện series, song không có ai để lại thành tựu đáng kể như ông.