(PLO)- PGS. TS. Bùi Xuân Đính khẳng định, người Việt chúng ta không bốc mộ. Việc bốc mộ rất tốn kém, phiền hà, mất vệ sinh.
“Người Việt chúng ta không bốc mộ. Bốc mộ rất tốn kém, rất phiền hà, mất vệ sinh”- PGS. TS. Bùi Xuân Đính, nhà nghiên cứu dân tộc học khẳng định như vậy tại lễ ra mắt bản dịch tiếng Việt, biên khảo Tang lễ của người An Nam của Gustave Dumoutier ngày 12-11.
Theo PGS. TS. Bùi Xuân Đính, khẳng định trên của ông cũng được rất nhiều nhà khoa học chứng minh. Nhà nghiên cứu dân tộc học này cũng cho biết, việc bốc mộ trên là ảnh hưởng của văn hoá Hán. Đồng thời, ông cũng cho biết, người Việt, người Mường trước đây là đào sâu, chôn chặt, người Việt từ Hà Tĩnh trở vào không thấy bốc mộ.
PGS. TS. Bùi Xuân Đính cũng kể lại việc vào năm 1996, ông đã vào điều tra tại Dung Quất để góp ý về phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân khi chúng ta có chủ trương xây dựng khu công nghiệp Dung Quất.
“Tín ngưỡng ở đây rất khó khăn vì cư dân dân vùng này không bốc mộ, mấy xã ở vùng Dung Quất có hàng vạn ngôi mộ phải chuyển đi, không chỉ tốn kém mà còn động chạm đến tâm lý, tâm tư tình cảm của cư dân”- PGS. TS. Bùi Xuân Đính nói.
Cũng theo PGS. TS. Bùi Xuân Đính, việc đốt vàng mã chúng ta cũng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Người Việt trước chỉ chia của tượng trưng cho người chết.
Cuốn Tang lễ của người An Nam họa lại bức tranh toàn diện và vô cùng sống động về nghi thức tổ chức lễ tang của người Việt vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thông qua góc nhìn, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của Gustave Dumoutier, một học giả phương Tây am tường về Việt Nam.
Được coi là công trình khảo cứu công phu và toàn diện nhất về tang lễ, Tang lễ của người An Nam tổng hợp hệ thống thông tin công phu tỉ mỉ và có khả năng tái hiện những tập tục xưa theo cách chân thực nhất. Đây cũng là công trình khảo cứu nổi tiếng và có giá trị nhất của một trong những học giả hàng đầu về Việt Nam học thời bấy giờ - Gustave Dumoutier.
Trong tập khảo cứu công phu này, độc giả dễ dàng trông thấy những tập tục trong tang lễ mà người Việt vẫn còn giữ đến tận ngày nay như các nghi lễ liệm, an táng, chôn cất, các mâm cỗ tang, tục cải táng,... trong đó, tác giả có thêm những phần giải thích về quan niệm cũng như ý nghĩa của các nghi lễ quan trọng này, nhằm tái hiện một cách đầy đủ tâm thức của người Việt xưa trong các nghi thức ma chay.
Gustave Dumoutier là một trong những học giả am tường nhất về xứ Đông Dương, một người cộng sự đáng kính của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp với những khảo cứu nổi trội về khảo cổ học, địa lý học lịch sử, dân tộc học và truyền thống dân gian.
Sinh ngày 3 tháng Sáu năm 1850 tại Courpalay, Pháp, ông từng học tại Hội Khảo cổ vùng Seine-et-Marne. Năm 1886, sau khi tham gia khóa học Việt ngữ và Hán ngữ tại Học viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương, Dumoutier sang Đông Dương làm phiên dịch cho Paul Bert khi ấy là Tổng trú sứ Bắc và Trung kỳ.
VIẾT THỊNH (Pháp luật)