Murakami tìm chân lý sống trong 'Ngôi thứ nhất số ít'

Thứ Ba, 26/09/2023

Trong tập truyện ngắn "Ngôi thứ nhất số ít", Haruki Murakami đem chất kỳ ảo vào cuộc sống để giúp nhân vật bộc lộ suy ngẫm về hiện sinh.

Ngôi thứ nhất số ít là cuốn sách mới nhất của Murakami được xuất bản tại Việt Nam cuối tháng 5. Sách gồm tám truyện ngắn, được kể theo ngôi thứ nhất với góc nhìn từ những người đàn ông.

Với tập truyện, Murakami tài tình sắp đặt hiện thực và kỳ ảo trong một bối cảnh mà khi đó dòng suy nghĩ của nhân vật làm dẫn chuyện. Trong truyện ngắn cùng tên với tác phẩm ông ghi: "Tôi ở đây, tồn tại với tư cách là ngôi thứ nhất số ít". "Tôi" - một đại tự nhân xưng – là cách tác giả dùng để khẳng định, nhắc nhở rằng mình đang tồn tại ở bản thể nào.

Tác giả nêu quan niệm về vũ trụ song song trong chiếc gương. Nhìn vào gương quá lâu, "tôi" sẽ cảm thấy "đã rẽ nhầm hướng đâu đó trong cuộc đời". Từ đó, nhân vật bật ra suy nghĩ khủng hoảng: "Thế thì người đang ở trong gương kia là ai?". Nhìn chung, quyển sách phơi bày cho độc giả những vấn đề toàn cầu gợi ra từ chính mỗi người: Danh tính chúng ta là gì? Những suy nghĩ trong ta hay thế giới bên ngoài mới là chân lý? Con người hiện tại và của nhiều năm trước có phải là cùng một người không?

Qua sách, Murakami còn mang đến cảm giác hợp lý của những điều phi lý. Ông nhắc đến hình tượng "hình tròn có nhiều tâm mà lại không có đường ngoại biên", kể câu chuyện "tôi" tâm sự với con khỉ biết nói làm việc ở nhà nghỉ suối nước nóng hay một thế giới khác trong gương. Theo New York Times, Murakami vẽ ra "những điều phi lý làm xáo trộn tâm trí". Có lẽ, cây bút người Nhật cố gắng chạm đến chân lý cuộc sống bằng những chất liệu khác lạ trong bối cảnh đô thị Nhật.

Quyển sách là những lần "nhất kỳ, nhất hội" (mỗi lần gặp gỡ đều đáng quý vì nó không bao giờ lặp lại) của con người. Trong Trên gối đá, người con trai cũng chỉ bên cô gái một đêm và hôm sau hai người lại hai đường thẳng song song. Duy chỉ những câu thơ tanka của cô văng vẳng trong đầu nam chính nhiều năm sau. Trong truyện khác, nhân vật tôi nhớ mãi hình ảnh cô gái ôm đĩa than của nhóm The Beatles không bao giờ có dịp gặp lại.

Đây cũng là cốt truyện Murakami hay viết. Ông thừa nhận rằng con người hiển nhiên phải luôn chứng kiến người khác ra đi và phần ký ức về họ sẽ phai nhạt. Đơn cử, Toru trong Rừng Na Uy phải chứng kiến những người xung quanh mình ra đi hay dù nhân vật K trong Người tình Sputnik cảm thấy sự biến mất đột ngột của Sumire là "nỗi bất hạnh tột cùng", anh phải sống và làm việc tiếp.

Thường trực trong tác phẩm còn là hình dung về "khoảnh khắc đỉnh cao" của cuộc sống, theo trang Sankei. Đó là lúc Charlie Parker chơi Bossa Nova trong giấc mơ cho nhân vật tôi. Đó là tình tiết được mô tả "hệt như Thiên Khải " khi "tôi" nhặt được quả bóng chày có chữ ký của vận động viên yêu thích.

Hay với truyện With the Beatles, người nam chia tay người yêu vì cô không "rung cái chuông đặc biệt ở trong tai" của anh. Trong Lời tự thú của khỉ Shinagawa, con khỉ miêu tả khát khao không thể thỏa mãn về tình yêu tối thượng, rằng "tình yêu là nhiên liệu không thể thiếu để ta duy trì sự sống".

Trong khi tiểu thuyết của ông có xu hướng đi theo trập trùng của chất liệu siêu hình, huyền bí phức tạp (Kafka bên bờ biển1Q84), hay phức tạp nội tâm khi đối diện mất mát hoặc tìm kiếm chân lý (Rừng Na UyBiên niên ký chim vặn dây cót), truyện ngắn của ông thiên về lối kể chuyện giản đơn về những khoảnh khắc ở đô thị Nhật Bản. The Guardian đánh giá: "Ngôi thứ nhất số ít hiệu quả khi không phức tạp, Murakami đơn giản kể những hồi ức về các cuộc tình, tình bạn trong thập kỷ đã qua".

Chính vì thế, đúng như độc giả S.penkecvich trên Goodreads viết: "Tác phẩm ông hiện diện như dòng văn xuôi nội tâm mềm mại và uốn lượn, tựa một bài hát ru cho những lo lắng của chúng ta".

Xếp sách lại, đôi khi, người đọc có thể chưa định hình rõ kết cục, lý giải hành vi của nhân vật. Sau nhiều năm, trải qua các biến cố, họ mới chảy chung dòng chảy cảm giác với tác giả và phần nào thấu sự tình. Đó là khi câu chữ trong tác phẩm tỏa sáng trong đủ đầy ý nghĩa và chạm đến nhiều tâm hồn.

Tác phẩm mới nhất của Haruki Murakami là tiểu thuyết The City and Its Uncertain Walls phát hành tại Nhật hồi giữa tháng 4. Dựa trên truyện ngắn đã từng xuất bản hồi 1980, ông tiếp tục khai thác yếu tố siêu hình đặt trong bối cảnh đô thị, đặt ra băn khoăn: "Có thứ gì giống như bức tường ngăn cách giữa thực tại và hư ảo trên thế giới này không?". Tác phẩm đáng mong chờ vì Murakami tiết lộ ông đưa nhiều yếu tố quan trọng đậm chất cá nhân vào tác phẩm.

Với sức viết bền bỉ, ngày 24/5, ông được trao giải thưởng lớn của Tây Ban Nha Princess of Asturias ở hạng mục văn chương. Cách Murakami yêu văn chương như cách Quentin Tarantino mê đắm phim ảnh. Theo trang Nippon, sự đam mê văn chương của tác giả thật đáng nể. Ở tuổi hơn 70, tác giả vẫn day dứt với những điều ông cho là quan trọng, có động lực lật lại những trang viết cũ, hoàn thiện và trao cho con chữ "đôi giày mới" để tiếp tục con đường marathon văn chương chinh phục độc giả.

Quỳnh Quyên (VnExpress)