MS302 - Người đua diều - Nguyễn Thị Mỹ Ngọc

Thứ Sáu, 24/11/2023

Khaled Hosseini là một tác giả kiêm dược sỹ người Mỹ gốc Afghanistan. Ông được biết đến như bậc thầy xây dựng tình tiết và lồng ghép các chi tiết nhưng không kém phần kịch tính. “Người đua diều” là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Khaled Hosseini. Ông đã vẽ nên một bức tranh rực rỡ, mang đến cho độc giả những tư liệu quý giá về đất nước Afghanistan 30 năm trước mà có lẽ chúng ta chỉ biết đến nó qua những mẩu tin về một đất nước bạo loạn, chiến tranh. Trong từng trang sách, Afghanistan hiện lên vô cùng đẹp đẽ, yên bình. Để rồi khi chiến tranh xảy ra, những người dân vô tội bị tước đi những giá trị nhân thân mà họ đáng phải có. Họ mất đi nhà cửa, quê hương, khiến họ cảm thấy như lữ khách du lịch trên chính mảnh đất quê hương mình. Trong cuốn “Người đua diều” nhân vật chính là cậu bé Amir con của một thương nhân giàu có người Afghanistan, cậu có một người bạn thân là Hassan, con trai của người giúp việc của cha cậu. Hassan luôn bảo vệ Amir dù trong hoàn cảnh nào, tình bạn của họ vượt qua mọi rào cản, phân biệt chủng tộc, địa vị, giai cấp. Nhưng vì sự hèn nhát của bản thân, Amir đã mắc một sai lầm nghiêm trọng, điều này đã đeo bám cậu trong suốt phần đời còn lại, cho tới tận khi trưởng thành. “Người đua diều” đã mang đến cho tôi những cảm nhận đẹp đẽ về các mối quan hệ của con người: tình phụ tử thiêng liêng khi Baba luôn cố gắng che chở, bảo vệ đứa con của mình, tình bạn chân thành, vị tha của Amir và Hassan, và hành trình Amir trở về quê hương để cứu chuộc tội lỗi cho bản thân và cho người cha đã mất. Trong cuốn sách có một câu nói mà tôi rất tâm đắc “Phải chăng chúng ta biết cánh diều trong lòng mình rốt cuộc nơi đâu, cuộc đời để lỡ mất sẽ không có lại được nữa, có lẽ chúng ta sẽ sám hối, sẽ cứu rỗi, nhưng những điều này dường như đều đã muộn rồi, mỗi khoảnh khắc thả cánh diều lên bầu trời liệu chúng ra có nên tự hỏi chính mình, chúng ta thật sự trân trọng tất cả những gì mình đang có không?”

Viết bình luận