“Phần tồi tệ nhất của việc níu giữ những ký ức không phải là nỗi đau. Đó là sự cô đơn của nó. Những kỷ niệm cần được chia sẻ.”
Người truyền kí ức làm mình dừng lại suy ngẫm rất nhiều. Những điều trước giờ mà chúng ta luôn nghĩ là xấu như nỗi đau, nỗi buồn, sự tiêu cực, nói dối,... hóa ra lại rất cần thiết trong cuộc sống. Đọc sách để trân trọng những điều nhỏ xíu hiện hữu một cách hiển nhiên trong cuộc đời mỗi người. Đọc sách để biết ơn vì những ký ức tươi đẹp đầy màu sắc của bản thân mình, những ký ức rực rỡ không bị một màu. Đọc sách để trân trọng cảm xúc của chính mình. Đọc sách để thấy "yêu thương" là như thế nào. "Dũng cảm" mang hình dạng ra sao.
Những thứ bình thường như tình yêu thương, màu sắc, sự đồng cảm, niềm vui, hạnh phúc, nỗi buồn, sự đau khổ. Những điều mà trong chúng ta ai cũng có. Nhưng trong cuốn sách này, những điều đó gói gọn trong từ "ký ức" và nó đúng là một điều xa xỉ, một “trách nhiệm” nặng nề, một thứ bị từ chối tiếp nhận. Thứ họ chọn, là sự "yên ổn", là sự "bình an", sự trật tự, quy củ và nề nếp hay đúng hơn là sự giả dối trắng trợn. Mình tự hỏi, vậy thì khác gì họ từ chối quyền làm người? Khi họ sống không khác gì một con rô bốt được lập trình sẵn một cuộc đời không một lỗ hổng, không một bất trắc, không một bất ngờ?
Đọc xong cuốn này, mình nghĩ ngay đến cái "thế giới" vô cảm mà vẫn hiện hữu đâu đó quanh chúng ta. Cái thế giới giả tưởng đó thật ra vẫn có ở ngay trong cái thế giới thực mà ta đang sống. Cái cộng đồng đó vẫn len lõi tồn tại ngày qua ngày, họ sống như một vòng lặp và trống rỗng. Mình không trách họ được. Mình không có quyền đó. Nhưng điều đó lại làm cho mình trăn trở, mình trăn trở y như Jonas hay Người truyền thụ, rằng làm sao để giúp họ có lại những "ký ức"?