Lịch sử nhân loại không thiếu những cuộc diệt chủng tàn bạo và man rợ, nhưng Holocaust, cuộc diệt chủng đã cướp đi sinh mạng khoảng sáu triệu người Do Thái dưới bàn tay phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai vẫn là một điểm kì dị.
Holocaust là một bí ẩn, không phải bởi vì người ta thiếu thốn các thông tin cần thiết để viết về nó, mà bởi nó là một thứ gì vượt ra khỏi khả năng tri nhận của con người cũng như khả năng biểu đạt của ngôn ngữ.
Cái ác trong Holocaust là một cái ác cười vào tất cả những tính ngữ muốn mô tả nó, và những gì các nạn nhân của nó từng trải qua thì không thứ lời lẽ nào có thể diễn đạt được cho toàn vẹn. Sự kiện ấy giống như một hố đen trong ký ức nhân loại: một khoảng không đen ngòm không ngừng hút lấy các nạn nhân của nó, và từ đó có rất ít thứ thoát ra.
Theo thời gian, hố đen ấy cứ phình to ra mãi: ngày nay, hầu hết những thủ phạm gây ra Holocaust đều không còn sống, và những nạn nhân từng trực tiếp trải qua sự kiện này, đặc biệt là những “người sống sót”, tức những người đã rơi vào chốn tận cùng của nó là trại tập trung Auschwitz và thoát ra được, cũng lần lượt qua đời. Kí ức về địa ngục ấy cũng theo họ trở về hư vô. Nhân loại bắt đầu đi đến một thế hệ không còn được biết đến Holocaust từ các nhân chứng nữa, mà phải tìm hiểu nó gián tiếp từ những ghi chép và những tác phẩm phái sinh còn lại. Các thông tin, dữ kiện, con số thì dễ lưu trữ. Nhưng những trải nghiệm thì không. Làm thế nào để hậu thế có thể hiểu được kinh nghiệm Holocaust đang từng khắc một bị hút vào lãng quên và vĩnh viễn mất đi đây?
MAUS - kiệt tác truyện tranh của Art Spiegelman - là câu chuyện của đứa con trai trưởng thành muốn tìm hiểu và tái hiện lại cuộc đời của bố mình, Vladek Spiegelman, một người sống sót. Trước, và thậm chí ngay cả sau cuộc thám hiểm quá khứ người bố, quan hệ giữa tác giả và ông bố có vẻ không được suôn sẻ cho lắm. Vladek tỏ ra là một con người hà khắc, nghiệt ngã, luôn đầy nghi kị với người khác, nhất là trong mối quan hệ với Mala người vợ thứ của ông sau khi vợ đầu Anja của ông tự sát. Không chỉ vậy, ông còn keo kiệt và bủn xỉn đáng sợ, khiến người con không thiếu những lúc phát rồ vì ông bố tiết kiệm đến từng cây đinh, que diêm, thậm chí còn đi rút lõi mấy sợi dây điện để lấy lõi đồng dùng làm dây buộc, trong khi vẫn gửi cả đống tiền trong tài khoản ngân hàng. Vladek thực sự là một cơn ác mộng đối với con trai của mình, và trong một trang truyện Art bảo rằng mình chọn nghề họa sĩ vì không phải ganh đua với bố, do ông nghĩ họa sĩ là một cái nghề phí thời gian, không thực tế chút nào (phải về sau ta mới hiểu “thực tế” trong quan niệm của Vladek tức là như thế nào).
Art không chỉ gặp rắc rối trong mối quan hệ với ông bố. Mẹ anh, người đã tự sát trước đó, cũng là một nạn nhân. Trong một tác phẩm giai đoạn đầu sự nghiệp mà Art đăng trên một tạp chí truyện tranh underground, Art nhắc đến cơn trầm cảm bản thân phải chịu đựng sau cái chết của người mẹ, và anh quy mọi trách nhiệm đấy cho người mẹ trầm cảm của mình. Anja, mẹ anh, dường như luôn muốn nói gì đó với anh, nhưng anh sợ hãi, “căm ghét cái lối bà thắt chặt tình thân”. Đối với anh, người mẹ đã thực hiện một “tội ác hoàn hảo”, khiến anh phát điên. Nhưng tại thời điểm đó tác giả vẫn chưa biết về quá khứ của bố mẹ mình, và khi anh muốn biết thì đã quá muộn. Không chỉ là mẹ anh đã qua đời, mà những tập nhật kí của mẹ anh, khi anh nhận ra giá trị của chúng, thì cũng đã bị Vladek đốt mất. Hố đen đã nuốt chửng mẹ anh, và giờ đây Art chỉ có thể biết về bà qua lời kể của Vladek.
Vực sâu giữa tác giả và bố mình cũng như thế hệ từng trải qua Holocaust dần được nối lại khi anh tìm hiểu sâu hơn vào quá khứ của bố mình. MAUS có thể xem là một kiệt tác, bởi nỗ lực muốn tái hiện chân thực kinh nghiệm Holocaust của một người chưa từng trải qua mà chỉ chịu những dư chấn của nó.
Cho đến nay có không ít tác phẩm lấy đề tài Holocaust, nhưng chỉ có một số là thực sự giá trị, như Có được là người của Primo Levi, Cuộc đời và Số phận của V. Grossman, Nghệ sĩ dương cầm v.v... còn thì nhiều tác phẩm chỉ nhìn Holocaust một cách hời hợt, nhăm nhăm rút gọn kinh nghiệm ấy vào những ý rất thông thường và có sẵn như tình yêu tình thương lòng can đảm v.v... Cần phải thấy rằng bản thân Holocaust là một ý niệm độc lập, và độ rộng của nó mênh mông đến mức những ý trước nay của con người không thể bao quát được nó hay sánh với nó. Sự hiểu trước tiên phải đi từ mô tả một cách trung thực, còn ham muốn rút ra bài học sẽ chỉ kết liễu kinh nghiệm ấy trước khi nó kịp hiện ra mà thôi.
Nhưng ngay cả khi cố gắng trung thực thì Art vẫn thấy rất vô cùng khó khăn cái công việc tái hiện lại trải nghiệm của người bố vì nhiều lí do. Tác giả hiểu hơn về cuộc đời bố mình, về quá khứ đã tạo nên tính cách nghiệt ngã hiện tại, nhưng có vẻ như thế vẫn chưa đủ. Vladek qua đời vì suy tim năm 1982, nhật kí của Anja thì bị đốt, thành thử tác giả chỉ có thể dựa vào những đoạn ghi âm khi bố còn sống, và bởi vậy không thể tránh khỏi việc thiếu các chi tiết dù nhỏ nhặt nhưng lại rất thiết yếu đối với việc tái hiện các trải nghiệm. Sự thành công của tập Maus thứ nhất cũng kéo theo những rắc rối khi đám con buôn nhìn thấy thêm một cơ hội thương mại hóa Holocaust. Dẫu vậy, lí do chủ chốt vẫn là Art tiến dần đến trung tâm của ký ức Vladek: Auschwitz.
Tập một chủ yếu xoay quanh quãng thời gian trước Auschwitz, vậy nên công việc tái hiện vẫn chưa đòi hỏi quá nhiều công sức. Cuộc sống của Vladek và Anja dù trải qua nhiều nỗi sợ hãi bắt bớ nhưng vẫn có những khoảnh khắc đoàn tụ, dù đau khổ và thiếu thốn nhưng vẫn có những lúc an toàn, những khoảnh khắc thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, khi phải viết về giai đoạn bố mẹ mình bị đưa đến Auschwitz, tác giả bắt đầu thấy khổ sở, đến mức trầm uất và phải tìm đến bác sĩ trị liệu. Làm thế nào để diễn tả trung thực một thứ như Auschwitz? Làm thế nào để nói về nó mà không thấy bản thân lố bịch hay tội lỗi? Làm thế nào để nắm bắt được cái cảm giác “đúng” của thế giới ấy bây giờ? Art nhắc đến một câu nói của Beckett: “Mỗi từ giống như một vết bẩn không cần thiết trên im lặng và hư vô.” Viết về Auschwitz giống như đang cố nói một cái gì không thể nói, không được nói. Bác sĩ Pavel cũng ném vào Art thêm một câu hỏi nữa: viết để làm gì? Người chết thì cũng đã chết rồi, và cứ viết về Auschwitz thì nhân loại hình như cũng chẳng trở nên tốt đẹp hơn.
“Nhưng dù sao Beckett cũng đã nói thế.” Art và bác sĩ Pavel an ủi nhau như vậy. Dẫu sao thì vẫn cứ phải viết (và vẽ), ngay cả khi điều đó là bất khả. Bác sĩ Pavel, cũng là một người sống sót khỏi trại, đã giúp tác giả vượt qua hai trở ngại lớn.
Thứ nhất, anh phải chấp nhận sự bất toàn của kẻ đứng ngoài, của người sống trong thế giới yên ổn nhìn vào địa ngục đã thuộc về quá khứ. Sẽ có những chi tiết phải hư cấu, sẽ có những thứ không thể nào lấy lại được, như nhật ký của Anja, hay câu chuyện của vô số người Do Thái khác đã không thể kể lại.
Thứ hai, Pavel tả lại cho Art cảm giác của ông khi ở trại: một cái giật mình hoảng hốt, nhưng không diễn ra trong một khắc, mà kéo dài triền miên chừng nào người ta còn ở trong trại (và có lẽ cả khi rời khỏi trại nữa). Sẽ rất sai nếu ta nghĩ cốt lõi của một kinh nghiệm con người là các thông tin khách quan. Không hề. Cốt lõi của kinh nghiệm là phản ứng chủ quan của tinh thần con người trước một thực tại.
Một cuốn sách dù chứa đựng nhiều thông tin đến mấy mà lại không thể khơi ra được một cảm xúc nào đó chân thực thì đấy là một cuốn sách ít giá trị đối với tinh thần con người. Đấy chính là lí do khiến Olivier Guez dù dự định viết một cuốn tiểu sử về Josef Mengele, bác sĩ tử thần ở Auschwitz, nhưng sau đó quyết định viết thành tác phẩm hư cấu Cuộc trốn chạy của Josef Mengele, bởi chỉ hư cấu mới có thể tiến gần hơn đến kinh nghiệm của một người như Josef Mengele.
MAUS của Art Spiegelman cũng là một cuốn sách như vậy: nó cố gắng trung thực, trung thực về mặt dữ kiện, trung thực cả ở sự bất lực của kẻ đứng ngoài, và trên hết nó cố gắng trung thực với tâm hồn của Vladek, người đã đi qua địa ngục rồi trở về.