Lời khuyên của những bậc thầy dành cho những ai muốn đi vào con đường văn chương

Thứ Hai, 26/08/2024

Khi ở đỉnh cao sự nghiệp, cả nhà thơ người Áo - nhân vật kiệt xuất của nền văn chương viết bằng tiếng Đức thế kỷ XX - Rainer Maria Rilke và nhà văn Peru đoạt giải Nobel Văn chương 2010 - Mario Vargas Llosa đã cùng dành ra rất nhiều lời khuyên cho những người sáng tạo trẻ qua hình thức những bức thư tín sẽ được tập hợp trong các tác phẩm đầy ý nghĩa của mình.

    Trong đó, hơn 10 bức thư trao đổi trong vòng 5 năm của Thư gửi nhà thơ trẻ từ Rilke xuất phát từ câu chuyện thật, khi nhà thơ Franz Xaver Kappus ở tuổi 20 đã gửi đi những tâm sự đến một trong những bậc thầy mà mình coi là toàn năng ở thời bấy giờ.

    Trong khi với Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ, Llosa chỉ đơn thuần gửi đến những người bước vào nghiệp viết một cách chung chung, mà không nhắm đến một ai cụ thể.

    Cả hai cùng sử dụng hình thức thư tín vì có lẽ với họ sáng tạo là một hành động bao quát, hùng vĩ, không thể tóm tắt một cách đầy đủ dù bằng đúc rút cá nhân hay các lý thuyết hàn lâm, do đó thư từ chỉ như những chia sẻ mang tính cá nhân giữa những cá nhân cùng quan tâm đến địa hạt văn chương.

    Bộ đôi tác phẩm Thư gửi nhà thơ trẻ và Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ dành cho những nhà sáng tạo trẻ. Ảnh: Minh Anh

    Những câu hỏi tối hậu

    Trong cả hai tác phẩm, ta sẽ tìm thấy những câu hỏi rất phổ quát mà bất cứ nhà thơ, nhà văn trẻ nào cũng phải đối mặt. Rằng làm sao ta biết việc dấn bước vào văn chương là lựa chọn đúng? Đề tài của một tác phẩm nên đến từ đâu? Đâu là đặc điểm tiên quyết của một tác phẩm rồi sẽ thành công?... Hiểu được điều đó, cả hai tác phẩm đều mở đầu bằng những câu hỏi mang tính sứ mệnh, đặc biệt quan trọng, trước khi bước vào những chi tiết khác mang tính quan điểm và là góc nhìn của thế giới quan riêng biệt.

    Trả lời các câu hỏi trên, cả Rilke và Llosa đều đồng ý rằng để biết văn chương có phải lựa chọn đúng đắn cho một ai đó, thì cách duy nhất là hãy đi vào tận bên trong mình. Rilke nói: “Hãy khám phá cái nguyên cớ bắt buộc ông phải viết; hãy kiểm tra xem nó có cắm rễ vào chốn sâu nhất trong trái tim ông hay không, hãy thú nhận với chính mình rằng liệu ông có chết hay không nếu không được viết?” Nhược bằng đáp án là có một cách dứt khoát và thật giản dị, thì đó câu trả lời của người được chọn.

    Còn với Llosa, người nổi tiếng với việc sử dụng hình tượng, ông đã sử dụng ẩn dụ thật gợi hình hơn là con sán dây. Bậc thầy văn chương người Peru nói rằng nếu cảm thấy thôi thúc muốn viết lên đến cháy bỏng như con sán dây ăn mòn cơ thể, thì cũng khi đó một nhà văn đã được ra đời.

    Về nguồn cảm hứng, cả hai cùng đồng ý rằng chính những trải nghiệm xung quanh người viết là nguồn vô tận có thể khai thác. Llosa mạnh mẽ khẳng định không có đề tài không hay, chỉ có người viết có đủ tài năng và óc quan sát để nhìn thấy nó dưới một khía cạnh thật sự đặc biệt hay không. Trong khi Rilke cũng nhấn mạnh rằng: “Hãy tự trách mình, tự nhủ mình không đủ thi sĩ để gọi lên những phong nhiêu của nó; bởi đối với kẻ sáng tạo thì chẳng có cái gì là nghèo nàn và chẳng có chốn nào là nghèo nàn, xoàng xĩnh”. Ông dẫn chứng dẫu khi ở trong 4 bức tường giam và bị cách ly khỏi thế giới thực, thì khoảng thời gian ấu thơ cũng là chất liệu vô cùng tiềm năng nếu biết khai thác.

    Một trong những tên tuổi lớn nhất của nền văn chương viết bằng tiếng Đức thế kỷ XX - Nhà thơ Rainer Maria Rilker. Ảnh: The New Yorker.

    Nói về trải nghiệm của đời viết văn, Rilke nhấn mạnh vào sự cô đơn của người sáng tạo, khi y phải giữ trong mình rất nhiều cảm xúc không thể chia sẻ được với một ai để hoài thai nó lên trên trang giấy. Ông nhấn mạnh với Kappus nói riêng cũng như những người viết khác nói chung về sự kiên trì, bởi thành công sẽ đến khi đúng lúc như một cái cây không giục chín và kiên tâm trong gió bão mùa xuân. Có lẽ cũng đến từ tâm trạng này, mà trong những lá thư được gửi từ Pháp, Ý cũng như Thụy Sĩ, Rilke hiện lên như một cá thể vắng lặng, đến từ một cõi im lặng mà không có động lực nào khuấy đảo được ông.

    Đồng thuận với Rilke, Llosa cũng khuyên người sáng tạo trẻ nên tránh càng xa càng tốt lĩnh vực phê bình, nhưng trong khi Rilke có phần tiêu cực cho rằng đó “hoặc là những quan điểm bè phái, đã hóa đá và vô nghĩa trong sự cứng nhắc vô hồn, hoặc là những ngón chơi chữ khéo léo”, thì Llosa lại cảm thấy đây là một lĩnh vực cần thiết, nhưng mọi phạm vi, đối tượng, hình thức, cấu trúc... của nó và một tác phẩm sáng tạo là khác hẳn nhau, và không cần thiết phải soi gương mình trong ý kiến của những người khác.

    Chia sẻ về thế giới quan

    Bên cạnh các lời khuyên về văn chương, cả hai tác giả cũng đi sâu hơn vào muôn mặt vấn đề, qua đó không chỉ cho thấy quan điểm sáng tác của họ mà còn đồng thời phản ánh câu chuyện của cả một thời. Có lẽ do có người nhận cụ thể và mang tính riêng tư, mà các bức thư của Rilke cũng nói nhiều hơn về góc nhìn cá nhân, xoay quanh các chất liệu mà nó mang lại cho thi ca: từ tình yêu, tình dục cho đến nỗi cô đơn, nỗi buồn, nỗi hoài nghi... Lắng nghe những suy tư này, ta cũng hiểu thêm về một nhà thơ yểu mệnh có cuộc đời tương đối biến động và hiểu hơn vì sao các tác phẩm của ông vẫn còn giá trị mang tính trường tồn cho đến ngày nay.

    Nhà văn Peru đoạt giải Nobel Văn chương năm 2010 Mario Vargas Llosa. Ảnh: The New Yorker

    Chẳng hạn Rilke cho rằng trải nghiệm nghệ thuật rất gần với trải nghiệm tình dục, với đau đớn và khoái lạc của nó, đến mức hai hiện tượng thực sự chỉ là các hình thức khác nhau của cùng một ham muốn và hạnh phúc. Ở đây ta có thể thấy tình dục theo nghĩa của ông là một trạng thái bao quát, thuần túy, mang tính nhân văn giữa người với người mà không bị ố tạp bởi những thôi thúc hạ đẳng. Có lẽ vì thế mà trong các tác phẩm của ông, mọi thứ hiện lên đều tinh khiết, sáng ngời và đẹp một nỗi hồn nhiên, vì với ông, con người thuộc về tự nhiên và dù nam hay nữ, thì dưới nhãn quan của một nhà thơ, nó được quy giản thành người với người và những tình cảm nồng hậu.

    Trong khi với Llosa, người vốn dĩ là một bậc thầy trong sáng tạo hình thức văn chương cũng như những lá thư này không dành cho một người cụ thể nào, thì các bài viết lại đi sâu hơn vào các hình thức góp phần tạo nên một tác phẩm hay, từ người kể chuyện, không gian, thời gian kể chuyện... cho đến các “bước nhảy” hình thức cũng như quy tắc “bình thông nhau” của nhiều mạch truyện... mà không có nhiều những chia sẻ riêng tư về mặt cảm xúc như Rilke. Đây có thể coi là những luận bàn về lý thuyết văn chương nhưng được truyền tải một cách dễ hiểu, dễ hình dung, không mang tính giáo điều hoặc các quy luật, đóng khung trong những khái niệm có phần cứng nhắc...

    Có thể nói cả hai tác phẩm của Rilke và Llosa như những “cẩm nang” cần thiết cho bất cứ nhà sáng tạo nào trước khi bước vào con đường văn chương. Bằng không khí gần gũi, ấm áp của hình thức qua thư và sự đồng cảm của các vĩ nhân dành cho những người mới đến, đây có thể xem là những chia sẻ thân tình và là con đường lát đá dẫn đến thành công trong tương lai không xa cho ai được văn chương chọn. Không mong cầu được coi như những cẩm nang thật sự, sau rốt, như Llosa nói, người đọc nên quên tất cả những gì mà ông đã nói, và hãy bắt đầu ngồi vào bàn viết. Đó chính là cách tốt nhất để trả lời cho câu hỏi làm sao trở thành một nhà văn giỏi.

    Nguồn bài viết: Minh Anh - Báo Người đô thị

    Điều nhỏ bé phi thường

    Điều nhỏ bé phi thường

    Người bạn phi thường (tựa gốc tiếng Ý: L'amica geniale, tựa tiếng Anh: My Brilliant Friend) là phần mở đầu cho bộ 4 tiểu...

    Thứ Hai, 26/08/2024