"Hồi ức thiếu nữ" - Không chỉ là chuyện quá khứ

Thứ Năm, 28/09/2023

Annie Ernaux đã làm nên một câu chuyện chân thực và có lẽ người trẻ ngày nay cũng thấy được phần nào cuộc sống của mình.

 

Những trang viết mượt như nhung về nỗi khát khao yêu và được yêu của tuổi thiếu nữ nhưng không thơ mộng hay bi lụy, tuyệt vọng.

Những khát khao và ám ảnh của cô gái vừa bước qua sinh nhật thứ mười tám được kể một cách khách quan, từ những điểm nhìn khác nhau, tạo ra một câu chuyện chân thực về quá khứ và hiện tại.

Đó là cảm nhận ban đầu khi khép lại cuốn sách Hồi ức thiếu nữ của chủ nhân Nobel văn chương 2022, nữ nhà văn người Pháp Annie Ernaux. Dung lượng sách không dài, song những hồi ức trải dài hơn năm thập kỷ, từ thời hậu chiến cho đến năm 2014.

Đọc sách:

Nếu kể theo tuyến tính thì câu chuyện bắt đầu từ khi Annie D, tên thời con gái của nhà văn, thoát khỏi kiềm tỏa của lễ giáo gia đình đến trại hè S và dấn thân trong những trải nghiệm hoang dại của một thiếu nữ vốn được người mẹ xem như là niềm tự hào của gia đình. Nhưng cả cuốn sách có thể gọi là cuộc sống của cùng một con người ở những thời khắc khác nhau. “Cô nàng năm 58” và con người của thực tại năm 2014. Đôi khi là góc nhìn của người kể chuyện vào năm 2003, khi nhà văn bắt đầu viết được câu chuyện một cách mạch lạc, được 50 trang khi bà nhìn lại album có bức ảnh chụp ở trại hè, những dòng nhật ký được bắt đầu vào những năm 1960, sau trại hè một thời gian khá dài. Đó là cuộc đối thoại giữa “tôi” và “cô”…

Từ những điểm nhìn của hai con người khác nhau, Annie Ernaux vẽ nên một bức tranh sống động từ những ký ức vừa rõ nét vừa lẫn lộn và mờ ảo về thời thiếu nữ đã lùi xa cả nửa thế kỷ. Sự phân thân với hai ngôi kể chuyện đưa người đọc đến với bức tranh cuộc sống của người Pháp sau thế chiến thứ hai khách quan và chân thực. Người ta du lịch để thực hành tiếng Anh và cũng đã thoát khỏi cảnh sống tẻ nhạt nơi tỉnh lẻ. Những người lính trở về từ Algerie khi đó đang là thuộc địa của Pháp. Họ chỉ cần “một cô gái lẽo đẽo cạnh bên với những nhu cầu xác thịt”. Cuộc sống tẻ nhạt của những người lính trở về từ chiến trường “lạc lõng, câm lặng”. Họ không biết những việc mình làm là tốt hay xấu, nên tự hào hay hổ thẹn.

Rồi khung cảnh trại hè nơi Annie trải qua những ngày tháng ban đầu thời thiếu nữ với lối sống hoang dại trong tập thể của những người trẻ, với rượu, thuốc lá, những cuộc hò hét trên phố đến khuya và trò chơi với đàn ông. Tại đây sau cuộc “tình một đêm” với H và bị anh này ruồng bỏ, Annie buồn bã, thất vọng, tức giận. Cô hiến thân cho nhiều người khác ở trại hè nhưng lại sống trong nỗi ám ảnh với H, người tình khó quên của cô trong suốt thời thiếu nữ.

Sau khoảng thời gian ở trại hè S, cô gái đã cố gắng quên đi nỗi thất vọng và cả sự bẽ bàng khi bị ruồng rẫy, miệt thị là gái lang chạ, “cô nàng 58” đã nỗ lực học trở thành giáo viên. Nhưng từ một điểm nhìn khác của năm 2014, khi Annie Ernaux bắt đầu lại cuốn sách, một Annie đã từng trải, từ đó hai con người ở hai thời đại khác nhau vẫn tiếp tục đối thoại để tìm ra lời lý giải cho câu hỏi, cũng là lời tác giả trích dẫn ở đầu sách: “Tôi biết lời này là phi lý, hãy nói tôi biết tôi là ai?” Trích dẫn lấy từ lời bài hát The Logical Song của ban nhạc Supertramp.

Thật hiếm hoi khi vấn đề tính dục và khát khao dục vọng được đề cập một cách trực diện bởi một tác giả nữ. Câu chuyện được kể bằng thể loại pha trộn giữa hư cấu và phi hư cấu. Từ các điểm nhìn phân thân và với độ lùi thời gian cả nửa thế kỷ, Annie Ernaux đã làm nên một câu chuyện chân thực và có lẽ người trẻ ngày nay cũng thấy được phần nào cuộc sống của mình.

Hữu Vi (Đại biểu nhân dân)

----------

* Hồi ức thiếu nữ, Annie Ernaux, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn.