Những người lính Trung đoàn 567 ôn ký ức chiến tranh biên giới Việt - Trung ở buổi trò chuyện về sách "Tiếng vọng đèo Khau Chỉa".
Sách của tác giả Nguyễn Thái Long ra mắt đầu năm ngoái, được thảo luận trở lại dịp 44 năm chiến tranh biên giới Việt - Trung (17/2/1979-17/2/2023). Ở buổi giao lưu hôm 12/2, tác giả nói: "Cuốn sách không chỉ là hồi ký của riêng tôi mà là của một tập thể. Tôi chỉ là hạt cát trong vạn người lính biên cương phía Bắc. Đây là nén tâm nhang những người ở lại chúng tôi gửi đến hàng nghìn chiến sĩ đã nằm lại, hóa thành đá núi".
Ông Nguyễn Thái Long học y sĩ trong quân đội, được điều về Trung đoàn 567, tham gia cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Ông ấp ủ viết sách từ năm 2012 nhưng đến lần gặp bạn bè năm 2018, ông mới có thêm nhiều chất liệu. Năm 2019, sau dịp tưởng niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc, ông bắt đầu đăng những bài viết nhỏ lên trang cá nhân. Được sự động viên của nhiều đồng đội, ông tập hợp thành bản thảo, đặt tên Tiếng vọng đèo Khau Chỉa, nói về những người lính ở đèo Khau Chỉa (Cao Bằng).
Sách gồm năm phần, nói về những người lính Trung đoàn 567 từ ngày đầu lên biên giới, những tháng ngày chiến đấu anh dũng, trong đó có cuộc chiến 12 ngày đêm cầm chân quân địch và khi họ trở về cuộc sống thời bình.
Tác giả cho biết ông và nhiều đồng đội mắc hội chứng hậu chiến tranh, dù việc này không được thống kê đầy đủ. Ông nhớ như in những ký ức cũ, cái chết của từng người bạn, nhiều đêm không ngủ được. Năm 1987, sau khi chuyển ngành làm bác sĩ bệnh viện tâm thần, nhiều người tìm đến ông, tâm sự họ không thể thoát ra khỏi những ký ức tồi tệ. Sau khi hoàn thành cuốn sách, ông thấy nhẹ lòng hơn vì trút được nhiều tâm sự.
Phó giáo sư, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định cuốn sách là kho tư liệu vô giá, chứa đựng hồn cốt dân tộc. Ông nói: "Nguyễn Thái Long đã tái hiện trung thực các sự kiện đến từng chi tiết nhỏ, kể lại những suy tư và hành động dũng cảm vô song của các sĩ quan, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, của đồng bào các dân tộc trên mặt trận Cao Bằng - Hà Giang. Cuốn sách không chỉ đem đến cho tôi những ký ức cảm động trào nước mắt, mà còn cung cấp những tư liệu lịch sử đặc sắc và độc đáo".
Nhà báo Trần Mạnh Thường tiếc vì biết đến sách sau khi tác phẩm đã xuất bản, không thể đưa nhiều bức ảnh tư liệu quý vào minh họa. Theo ông, thời điểm quân địch mới tấn công, ông là phóng viên ảnh duy nhất có mặt trên chiến trường.
Tại buổi gặp, một số nhân chứng sống trong cuốn sách kể lại những câu chuyện cũ. Bà Nguyễn Thị Minh, từng quản lý đại đội quân y của Trung đoàn 567, là nhân vật trong bài viết Nỗi đau Keng Riềng. Hang Keng Riềng (còn gọi hang Ngườm Hẩu) thuộc thị trấn Quảng Uyên, Quảng Hòa, Cao Bằng, nơi quân Trung Quốc đã dùng súng phun lửa để tấn công sát hại nhiều người, trong đó có các thương binh nặng thuộc Trung đoàn 567, y tá, học sinh cấp ba lên giúp bộ đội. Bà rớm nước mắt nhớ việc quay trở lại hang dọn xác đồng đội - nỗi đau ám ảnh bà 44 năm qua.
Ngoài phần trò chuyện, các cựu binh, độc giả xúc động khi nghe lại một số bài thơ, bài hát thời chiến như Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới (nhạc sĩ Phạm Tuyên), Những đôi mắt mang hình viên đạn (nhạc sĩ Trần Tiến).
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết từng nhiều lần trò chuyện cùng nhạc sĩ Trần Tiến và được nghe kể nguồn gốc ra đời bài hát. Ông nói thời điểm chiến tranh biên giới nổ ra, nhà thơ Nguyễn Duy có mặt ở trận địa với tư cách phóng viên báo Văn Nghệ. Nguyễn Duy miêu tả những đứa trẻ ngồi trong quang gánh đi sơ tán với "những đôi mắt trẻ con như những viên sỏi, ném vào đoàn quân". Hình ảnh trở thành chất xúc tác để Trần Tiến viết Những đôi mắt mang hình viên đạn.
Ca sĩ Phương Thúy hát bài Mùa xuân của Phạm Minh Tuấn, sáng tác năm 1983, khi biên giới phía Bắc vẫn còn nhiều biến động, nhiều chàng trai, cô gái lên đường nhập ngũ. Ông viết: "Em biết và em biết. Một mai anh chiến thắng trở về. Đôi vai gầy và đôi mắt sâu. Tóc đã điểm bạc, làn da nay rạm màu sương gió. Bởi chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa".
Độc giả Thủy Tiên (21 tuổi, quê Cao Bằng) biết đến tác phẩm qua lời giới thiệu của một nhà giáo tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Phục Hòa (Cao Bằng), sau đó được tác giả Nguyễn Thái Long tặng sách. "Có mặt ở buổi gặp, nghe những câu chuyện của những cựu binh đã chiến đấu trên mảnh đất quê hương, tôi xúc động, muốn tìm hiểu thêm về lịch sử", Thủy Tiên nói.
Hà Thu (VnExpress)