Người bạn phi thường (tựa gốc tiếng Ý: L'amica geniale, tựa tiếng Anh: My Brilliant Friend) là phần mở đầu cho bộ 4 tiểu thuyết thường được gọi là "Bộ tứ Napoli" (Neapolitan Quartet, xuất bản từ năm 2011 - 2015), được viết bởi tác giả ẩn danh người Ý Elena Ferrante.
Tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện của 2 người bạn Lila và Lenù ở thành phố Napoli (Ý). Cuốn sách đi từ thời thơ ấu đến tuổi 16 của 2 nhân vật, đặt trong bối cảnh những năm 1960 khi Napoli nói riêng và nước Ý nói chung thay đổi từng ngày.
Muôn mặt tình bạn
Là nhà văn bí ẩn tuyên bố sẽ không viết được nếu không ẩn danh, do đó không thể nào biết liệu Người bạn phi thường có phải là một tác phẩm mang tính tự truyện hay không. Đối với truyền thông, Elena Ferrante (cũng không chắc chắn đây có phải là tên thật của bà hay không) không tiết lộ nhiều, chỉ biết bà sinh trưởng ở Napoli, là mẹ của một đứa con và là con gái của một thợ may đã may mắn sống sót qua cuộc diệt chủng. Nghi hoặc nói trên không thôi bám riết khi đọc cuốn sách, bởi Ferrante đã đào rất sâu nội tâm nhân vật, khiến độc giả thắc mắc liệu đây có phải những gì bà đã trải qua, bởi chúng sắc sảo và chân thật đến không thể ngờ.
Tác phẩm: Người bạn phi thường
Nếu như Lila kiên quyết, thông minh nhưng lại mỏng manh, ẩn sau vẻ ngoài yếu đuối, thì cô bé Lenù - giọng kể xuyên suốt cuốn tiểu thuyếtr - hoàn toàn ngược lại. Tác giả ít nhiều cho thấy muôn mặt của tình bạn này, từ yêu thương, ghen ghét đến đố kỵ và trở mặt nhau trong một khoảnh khắc, nhưng cũng đồng thời là tuổi thơ ấu vô cùng nổi loạn. Hai cô gái nhỏ cận kề bên nhau để có dũng khí làm điều họ sợ, nhưng cũng từ đó xây đắp nên giấc mơ chung về sự giàu sang, tương lai sắp tới... Cứ thế họ đã trải qua những năm đầu đời vô vàn cảm xúc, trong tình bạn, tình yêu, tình thân và những hành động "ngựa chứng đầu xanh".
Mối quan hệ ấy trở nên sâu sắc bởi Elena Ferrante đã xây dựng nó với nhiều chủ đề, từ xung khắc với thế hệ trước - cha mẹ, anh chị, với những khuôn khổ - thầy cô, trường học, hay những khám phá của tuổi mới lớn - tình yêu, tình dục, giai cấp, triết học... Ở đó những cuộc phiêu lưu về mặt vật lý cũng như tâm lý đã được tái hiện một cách chân thật. Đó là mọi hỉ nộ ái ố trong 20 năm đầu đời, khi các nhân vật từng bước "lột xác" và chọn cho mình những ngã rẽ riêng. Chính việc phản ánh một cách trọn vẹn những gì có thể diễn ra trong thời thơ ấu cũng như niên thiếu của mỗi một người, mà Elena Ferrante đã mang đến được sự đồng cảm, khi độc giả nào cũng dễ thấy mình đang ở đâu đó, phần nào lý giải cho sự thành công trên toàn thế giới của cuốn sách này.
Ngoại vi về một đất nước
Ngoài đặc điểm trên, Người bạn phi thường có giá trị lớn không chỉ bởi nó viết riêng về 2 nhân vật, mà còn đồng thời phản ánh câu chuyện của một thành phố và một đất nước ở thời quá độ. Napoli trong tác phẩm này đang dần thay hình đổi dạng, bước từ khó khăn thời hậu Thế chiến chuyển sang tăng trưởng gần như vũ bão về mặt kinh tế. Thế nhưng trong khi đem lại lợi ích cho số ít người, thì phía ngược lại vực thẳm giàu nghèo vẫn luôn còn đó và trầm trọng thêm. Chính sự song hành giữa khía cạnh cá nhân và phản ánh xã hội giúp cuốn sách có được tầm vóc ở nhiều lớp nghĩa, từ đó mở rộng chủ đề hướng đến phổ quát.
Bìa của ẩn bản đầu tiên bản gốc tiếng Ý
Cũng như những cuốn tiểu thuyết coming-of-age (bám theo quá trình trưởng thành của nhân vật chính) nổi tiếng khác như Cây Brooklyn xanh biếc của Betty Smith nói về Brooklyn, Ngôi nhà trên phố Mango của Sandra Cisnero nói về cộng đồng người Mexico ở Mỹ, Tro tàn của Angela nói về Ireland giai đoạn tăm tối, câu chuyện của Người bạn phi thường cũng được đặt trong bối cảnh có phần sầu não với những căn chung cư của người thu nhập thấp, nơi mọi xung đột của các cư dân có thể nghe thấy từ bất cứ đâu. Ở đó có những cặp vợ chồng lớn tiếng cãi nhau vì nghèo đói hay áp lực cuộc sống. Có người góa phụ trở nên điên loạn vì người tình trong mơ dọn đi. Có những đứa trẻ không được đi học và phải sớm cật lực lao động vì nhà nheo nhóc toàn miệng ăn...
Poster phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên
Cứ thế bọn trẻ chơi đùa nhau, đánh nhau, làm tổn thương nhau. Khi càng lớn hơn thì kỳ lạ thay, chúng lại gắn kết một cách khắng khít. Từ những đứa trẻ chọi đá vào nhau, chúng thành một nhóm cùng khám phá những điều mới lạ, từ đó nhận ra chính sự nghèo nàn của bản thân mình. Có lúc, Elena Ferrante làm ta nhớ đến Nỗi nhục của Annie Ernaux, khi cũng như nhà văn đoạt giải Nobel người Pháp, Lenù cảm thấy nhục nhã vì bộ quần áo nhàu nát và sự khiếm khuyết đến từ mẹ mình. Hay lần họ vào thành phố, nhìn thấy những bộ trang phục đẹp mắt, những con người thanh lịch…, sự va chạm với cuộc đời thực lần đầu diễn ra, khi chúng nhìn thấy được sự yếm thế về mặt giai cấp đến từ nơi mình.
Nguồn bài viết: Tuấn Duy - Báo Thanh Niên