Cuốn sách tôi chọn: "Đi trốn" - Thông điệp từ câu chuyện của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh

Thứ Năm, 28/09/2023

Sau 5 năm ra mắt cuốn sách “Quân khu Nam Đồng” như một hiện tượng của làng sách, tác giả Bình Ca đã xuất hiện với một diện mạo mới với đầy đủ sự trải nghiệm và chuyên nghiệp. “Đi trốn” kể về số phận của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những năm tháng đất nước nhiều gian khổ và nguy nan, để lại nhiều chiêm nghiệm và thông điệp của hiện tại.

Nhà báo Đỗ Thu Hà: Khác với "Quân khu Nam Đồng" khi mà tác giả Bình Ca cho ra mắt cuốn sách thứ hai "Đi trốn" thì ông đã là một tác giả được công chúng chờ đợi. Trong tình hình mà cái sự đọc nó khó khăn như bây giờ và công việc xuất bản khó khăn như bây giờ thì việc có một cái tên để được người ta chờ đợi nó rất là quan trọng. Nhưng mà hoàn toàn bất ngờ là "Đi trốn" không phải là cuốn sách tiếp theo của "Quân khu Nam Đồng", người ta đã hi vọng là các nhân vật của ông sẽ  tiếp tục được nối dài nhưng mà không phải, "Đi trốn" là ký ức của một cộng đồng khác, một tập thể khác
Phải nói là sức lan tỏa của "Quân khu Nam Đồng" đã khiến cho Bình Ca có được sức hấp dẫn rất là lớn trong cái việc mọi người chia sẻ ký ức với ông, tức là trong hàng ngàn trang tài liệu, những trang nhật ký ở dạng thô vụng nhất được gửi đến thì tác giả thực sự rất là may mắn chắt lọc được các hình ảnh, các ký ức, kỷ niệm rất là long lanh, rất là sinh động. Và cái sự kết nối rất là tài hoa và nghịch ngợm của ông đã khiến cho chúng ta có một tác phẩm "Đi trốn" hoàn toàn khác với tất cả những gì chúng ta đã hình dung về văn học thiếu nhi của Việt Nam ở giai đoạn này

Đọc thử: Đi trốn - Bình Ca - Sách Nhã Nam

"Đi trốn" thì theo tôi có hai cái may mắn nổi bật, tức là Bình Ca đã tiêu hóa được rất là nhuần nhuyễn ký ức của một cộng đồng khác, một ký ức rất đặc biệt, cũng vẫn những đứa trẻ xa cha mẹ và được tập trung trong một nhà trẻ ở một nơi sơ tán rất hẻo lánh hoang sơ, nguyên sơ và rất là đẹp, còn cái phần thứ hai là sự hiểu biết của một người lãnh đạo một địa phương về thiên nhiên, về địa chất địa mạo, tức là về tất cả những cái gì có thể tập trung lại để mà làm hồ sơ trình UNESCO về một di sản thiên nhiên thế giới, tức là người chủ trì lập hồ sơ về Tràng An, cho nên tác giả có hiểu biết rất là sâu sắc, hơn rất nhiều những người bình thường, đồng thời cũng có cái nhìn bao quát hơn một chuyên gia về hang động, tác giả tổ chức  tiểu thuyết của mình rất chặt chẽ, chặt chẽ như trong một bộ phim khoa học của Dicovery, mọi người có thể thấy là ông tả rừng mà chúng ta mặc định là rừng Cúc Phương trong cuộc thám hiểm của năm bạn trẻ từ ngoài vào trong, từ xa đến gần, từ cái nhìn bao quát đến chi tiết, từ con rắn ở dưới gốc cây đến vòm cây cổ thụ ở trong rừng Cúc Phương, nó được tổ chức một cách hoàn hảo. Vượt qua cái sự trong trẻo, hồn nhiên của "Quân khu Nam Đồng", sự tự nhiên chủ nghĩa, đây thực sự là một tiểu thuyết được viết rất chuyên nghiệp, đã gợi cho người ta đến những cuốn sách thiếu nhi tương tự của thế giới "Trên sa mạc và trong rừng thẳm" của Sienkiewicz  hay là quyển sách mà chúng ta đã coi là kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam: "Đất Rừng Phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi

Các nhà văn Việt Nam thì đều luôn luôn có một câu là tôi viết cho mình trước, để giải phóng cái tôi của mình nhưng tôi nghĩ là để mà học tập một nhà văn vừa best seller lại vừa long seller mà lại vừa mới vào nghề xong thì mọi người rất nên đọc "Đi trốn". Trước khi viết, nhà văn đã nghĩ đến độc giả, nghĩ đến hẳn cái tệp độc giả của mình là thiếu nhi và tuổi mới lớn, những người ham du lịch, ham khám phá, tôi nghĩ đấy là một bài học không nên bỏ qua, cho dù là bài học từ một nhà văn luôn luôn tự nhận mình là nghiệp dư.

 

Theo Truyền hình quốc hội