“Con người và biểu tượng” – Cuốn sách chìa khoá mở thế giới phức tạp của Jung

Thứ Ba, 26/09/2023

Để độc giả có dịp tìm hiểu và trao đổi sâu hơn về di sản cuối đời của Carl Gustav Jung, Công ty cổ phần Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam đã tổ chức buổi ra mắt sách “Con người và biểu tượng” với sự tham gia của nhà nghiên cứu, PGS. TS Đỗ Lai Thúy và chuyên gia tâm lý, PGS. TS Trần Thu Hương.

“Con người và biểu tượng” – Cuốn sách chìa khoá mở thế giới phức tạp của Jung - 1

Buổi toạ đàm có sự tham gia của đông đảo độc giả trẻ. (Ảnh: Huyền Thương)

“Con người và biểu tượng” là tác phẩm đầu tiên và duy nhất mà Carl Gustav Jung hướng đến độc giả phổ thông. Ông đã dành những tháng cuối cùng của cuộc đời để biên tập tác phẩm và kịp hoàn thành phần then chốt chỉ 10 ngày trước khi mất. Các chủ đề phức tạp trong đó đều được xử lý bằng thứ ngôn ngữ tường minh, giản dị, nhằm hướng đến độc giả đại chúng.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Trần Thu Hương, điều mà Jung viết trong cuốn sách được ông cho là dễ hiểu nhưng để mọi người hiểu được vẫn là rất khó, ngay cả với những người làm chuyên môn. Rất nhiều khái niệm trong cuốn sách như “anima”, “animus”, vô thức tập thể, giấc mơ,… độc giả sẽ phải ngấm rất lâu để hiểu.

“Nó là sự cởi bỏ rất nhiều những quan điểm cứng nhắc để giúp chúng ta thực sự hiểu đó là cái gì, để từ đó thấy rằng tư duy của Jung đã làm thay đổi thế giới của tâm lý học hiện đại như thế nào”, PGS. TS Trần Thu Hương chia sẻ.

“Con người và biểu tượng” – Cuốn sách chìa khoá mở thế giới phức tạp của Jung - 2

Chuyên gia tâm lý, PGS. TS Trần Thu Hương chia sẻ tại toạ đàm. (Ảnh: Huyền Thương)

PGS. TS Đỗ Lai Thúy khẳng định: “Muốn hiểu Jung trước hết phải hiểu Freud”, bởi giữa hai “người khổng lồ của tâm lý học” có một mối quan hệ đặc biệt. Jung - cha đẻ của trường phái tâm lý học phân tích từng chịu nhiều ảnh hưởng từ Sigmund Freud - cha đẻ của bộ môn phân tâm học. Họ đã bắt đầu mối quan hệ cộng tác đầy hứa hẹn năm 1907, khi Freud nhìn thấy ở Jung những phẩm chất của một người kế thừa có thể đưa phân tâm học đi xa hơn trong tương lai, còn Jung mang một niềm sùng kính cuồng nhiệt với Freud.

“Con người và biểu tượng” – Cuốn sách chìa khoá mở thế giới phức tạp của Jung - 3

Sigmund Freud (trái) và Carl Gustav Jung (phải).

Nhưng rồi nhiều điểm khác biệt đã khiến những rạn vỡ xuất hiện, và đến năm 1913 thì tình bạn cũng như mối quan hệ học thuật giữa họ chấm dứt. Đó là thời điểm Freud viết một bức thư cho Jung, trong đó ông "đề nghị từ bỏ hoàn toàn mối quan hệ cá nhân" giữa hai người.

PGS. TS Đỗ Lai Thúy cho biết, sự ra đời của cuốn sách “Con người và biểu tượng” đóng một vai trò rất quan trọng, nó giống như chìa khoá mở thế giới phức tạp của Jung. So với các tác phẩm trước đó của ông thì nó dễ hiểu hơn, vì nó chỉ đi vào một chủ đề, một biểu tượng, thông qua biểu tượng đó đến giấc mơ, đến những kiểu mẫu.

“Con người và biểu tượng” cũng là cuốn sách có nhiều hình ảnh minh hoạ, khác với lối ghi chép, trình bày trước đó của Jung. Tác giả đã dùng lối dẫn giải từ đơn giản đến phức tạp, trong việc dẫn từ vấn đề này sang vấn đề khác có sự liên tục, giúp độc giả dễ hiểu hơn so với những tác phẩm Jung viết trước đó. Cuốn sách mặc dù chỉ đi vào một vấn đề là biểu tượng nhưng để đi đến như biểu tượng ấy thì nó có có liên quan đến toàn bộ học thuyết của Jung.

“Con người và biểu tượng” – Cuốn sách chìa khoá mở thế giới phức tạp của Jung - 4

Tác phẩm “Con người và biểu tượng” là kết quả của sự cộng tác giữa Carl Gustav Jung và nhiều đồng nghiệp ông đích thân lựa chọn. (Ảnh: Huyền Thương)

Theo PGS. TS Đỗ Lai Thúy, trong “Con người và biểu tượng”, vấn đề Jung bàn đến được nhiều người quan tâm hơn cả là “animus” (yếu tố nam tính trong tâm thức phụ nữ) và “anima” (yếu tố nữ tính trong tâm thức đàn ông). PGS. TS Đỗ Lai Thúy lý giải, trong mỗi người nam đều có tồn tại một tính nữ ẩn bên trong, nó ẩn nhưng nó rất mạnh, nó có thể chi phối những định hướng, hành động của người nam trong đó có giới tính. Và ngược lại đối với nữ cũng vậy. Điều này chứng minh yếu tố lưỡng tính tồn tại trong con người, con người không chỉ có nam và có nữ mà trong người nam còn có tính nữ, cũng như trong người nữ lại có tính nam. Theo ông, đây là một yếu tố dẫn đến việc đồng tính.

Có thể thấy, đóng góp nổi trội của Jung cho sự hiểu biết tâm lý học là quan niệm về vô thức. Jung cho rằng vô thức là người bạn, người hướng dẫn, và là người cố vấn tuyệt vời của ý thức. Ngôn ngữ của cõi vô thức là những biểu tượng, và phương tiện biểu đạt của nó là những giấc mơ. Do đó, Jung đặc biệt quan tâm đến việc phân tích, diễn giải giấc mơ, các biểu tượng xuất hiện trong đó, coi chúng là con đường dẫn vào vô thức, hé lộ những ham muốn ẩn giấu, những mong muốn bù đắp cho hiện tại, những khát vọng hướng tới tương lai.

“Con người và biểu tượng” – Cuốn sách chìa khoá mở thế giới phức tạp của Jung - 5

Với gần 500 hình minh họa, cuốn sách cung cấp một diễn giải độc đáo về tư tưởng của Jung. (Ảnh: Huyền Thương)

Xuyên suốt quyển sách, Jung nhấn mạnh rằng con người chỉ có thể đạt tới một sự toàn vẹn thông qua hiểu biết và chấp nhận vô thức - sự hiểu biết có được nhờ những giấc mơ và những biểu tượng xuất hiện trong đó. Mỗi giấc mơ là một thông đạt trực tiếp, riêng tư và đầy ý nghĩa với người mơ - sự thông đạt dùng những biểu tượng chung cho cả nhân loại nhưng luôn sử dụng chúng theo cách hoàn toàn cá nhân, và chỉ có thể được giải mã bằng một “chìa khóa” hoàn toàn riêng tư.

Mục tiêu của ông khi viết cuốn sách là giúp người ta hiểu biết chính mình, từ đó sống một cuộc sống trọn vẹn, phong phú và hạnh phúc. Mà theo ông, con người chỉ trở nên toàn vẹn, bình thản và hạnh phúc khi ý thức và vô thức đã biết cách sống trong hòa thuận và bổ túc cho nhau. Đây có lẽ là tinh túy của triết học về đời sống của Jung, và cũng là điểm then chốt của toàn bộ cuốn sách “Con người và biểu tượng” - Sự thông đạt từ những biểu tượng trong giấc mơ.

“Con người và biểu tượng” – Cuốn sách chìa khoá mở thế giới phức tạp của Jung - 6

Có rất nhiều độc giả trẻ mong muốn tìm hiểu các học thuyết của Jung. (Ảnh: Huyền Thương)

Với gần 500 hình minh họa, cuốn sách cung cấp một diễn giải độc đáo về tư tưởng của Jung. Chúng cho thấy bản chất và chức năng của những giấc mơ, đào sâu ý nghĩa tượng trưng của nghệ thuật hiện đại, hé lộ những ý nghĩa tâm lý của những kinh nghiệm đời thường. Chúng xác quyết tư tưởng của Jung và là một phần không thể thiếu của “Con người và Biểu tượng” - di sản cuối cùng ông để lại cho nhân loại.

Carl Gustav Jung (1875-1961) là nhà tâm lý học hàng đầu người Thụy Sĩ, người sáng lập trường phái tâm lý học phân tích có tầm ảnh hưởng rộng rãi và sâu sắc đến các nhà tâm lý học sau này.

Jung đặc biệt quan tâm đến việc phân tích, diễn giải giấc mơ, các biểu tượng xuất hiện trong đó, coi chúng là con đường dẫn vào vô thức, hé lộ những ham muốn ẩn giấu, những mong muốn bù đắp cho hiện tại, những khát vọng hướng tới tương lai. Và trên hết, theo ông, giấc mơ giúp con người đạt được sự hiểu biết toàn vẹn.

Huyền Thương (Arttimes)

Hoang vu giữa thành phố lớn

Hoang vu giữa thành phố lớn

Năm 2022, tiểu thuyết Tình yêu ở thành phố lớn của nhà văn Sang Young Park cùng tập truyện ngắn Con thỏ nguyền...

Thứ Ba, 03/12/2024