Xuất bản năm 1998, “Căn cước” – cuốn tiểu thuyết thứ tám của Milan Kundera – là tác phẩm ít được biết đến trong kho tàng trước tác của nhà văn lừng danh thế giới này.
Là tiểu thuyết thứ hai được ông trực tiếp viết bằng tiếng Pháp, “Căn cước” đánh dấu một bước tiến sâu hơn của Kundera vào quê hương văn hóa mới của mình. Năm 1999, bản dịch của dịch giả, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên với bút hiệu Ngân Xuyên được NXB Văn hóa Thông tin và Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây ấn hành lần đầu dưới tên Bản nguyên trong tập “Milan Kundera – Tiểu thuyết”, đã được văn giới và bạn đọc Việt Nam đón nhận nồng nhiệt. Sau 20 năm có lẻ, nối tiếp “Sự bất tử” và “Chậm”, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam ra mắt độc giả tiểu thuyết “Căn cước” tái bản có chỉnh lý, trong nỗ lực giới thiệu lại đầy đủ các tác phẩm của một trong những tên tuổi lớn nhất của văn học châu Âu thế kỷ XX này.
Với một hình hài nhỏ gọn chưa đầy 200 trang sách ở bất cứ ấn bản nào, “Căn cước” cũng là tác phẩm có cấu trúc đơn giản nhất trong mười tiểu thuyết đã phát hành của Milan Kundera. Không có một dàn nhân vật đông đảo với những tuyến truyện hoặc song song hoặc giao cắt trải dài nhiều thế kỷ và nhiều vùng địa lý như các tiểu thuyết đã mang lại tên tuổi cho ông trên thế giới, câu chuyện trong “Căn cước” chỉ xoay quanh một cặp tình nhân bình thường và một chuỗi sự kiện có vẻ như xoàng xĩnh trong cuộc sống chung của họ. Một ngày, Jean-Marc nhận lầm người tình với một bà già ngoài bãi biển, còn Chantal, người tình già hơn tuổi của anh, bỗng nhận được thư từ một người hâm mộ với cái tên bí ẩn C. D. B. Một loạt những hiểu lầm và những hành động thiện ý nhưng càng khắc sâu thêm hiểu lầm đã dẫn từng người đến nỗi kinh hoàng khi chợt thấy “sinh thể thân yêu nhất” của mình hiện ra với một dáng vẻ hoàn toàn xa lạ, với một khuôn mặt mình không hề biết từng tồn tại; và khi mâu thuẫn đẩy tới cao trào, mỗi người bàng hoàng nhận thấy chính mình cũng không tự biết mình là ai, buộc họ phải xem xét lại toàn bộ căn cước của mình.
Với những người ấn tượng trước phong cách “tiểu thuyết giao hưởng” đã lên tới đỉnh cao ở bộ ba tác phẩm “Sách cười và lãng quên” – “Đời nhẹ khôn kham” – “Sự bất tử” và khiến Kundera nổi danh là một nhà cách tân nghệ thuật tiểu thuyết, vẻ bề ngoài đơn giản của “Căn cước” có thể khiến họ bất ngờ và không thỏa mãn. Song những người hâm mộ sẽ nhận ra nguyên vẹn tính triết lý đặc trưng của ông trong cuốn “Kundera phiên bản bỏ túi” này, cùng một vài chủ đề nhân sinh quen thuộc: khuôn mặt – hình ảnh – ký ức – sự bất lực khi ở trong cơ thể – tuổi già… mà nay ông mới có dịp đi sâu, dành riêng một tác phẩm để khám phá. Và trong “Căn cước”, câu hỏi muôn đời của các nhà văn, muôn đời đến nỗi có phần sáo rỗng “ta là ai” đã được tìm hiểu qua những mảnh ghép đơn giản nhưng sống thực đến mức, lần đầu tiên ở Kundera, mọi người đọc đều có thể nhìn thấy mình trong nhân vật. Và tuy không hẳn vắng bóng cái cười đã thành thương hiệu của Kundera trong các tác phẩm khác, nhưng cũng lần đầu tiên, “Căn cước” nhuốm nét u sầu của nhà văn đã về già.
Bước chuyển từ những tiểu thuyết dài, cấu trúc phức tạp sang những cuốn ngắn tập trung vào một vài chủ đề cụ thể (“Chậm”, “Căn cước”, “Vô tri”, “Lễ hội của vô nghĩa”) cũng trùng với bước chuyển về ngôn ngữ quan trọng của Kundera, từ một thứ tiếng Séc đậm chất thơ ca sang tiếng Pháp, đơn giản, rành mạch và lý tính. Hơn thế, “Căn cước” có lẽ là cuốn sách duy nhất của Kundera không phải một “tiểu thuyết Séc” hay thậm chí “tiểu thuyết châu Âu”, mà được viết ra như một cuốn sách Pháp, với một dàn nhân vật thuần Pháp và hơn nữa, bản thân nó cũng dựa trên hình mẫu một vở kịch Pháp nổi tiếng thế kỷ 19. “Căn cước” giống như một thử nghiệm của Kundera đặt mình trọn vẹn trong truyền thống của nền văn hóa đã tiếp nhận ông như một nhà văn, mười bảy năm sau khi đất nước ấy đã cho phép ông trở thành công dân của mình.
TÁC GIẢ
Milan Kundera sinh năm 1929 ở Séc, định cư ở Pháp từ năm 1975 và nhập quốc tịch
Pháp năm 1981. Sớm nổi tiếng với các bài thơ và tiểu thuyết bằng tiếng Séc, ông chuyển hẳn sang sáng tác bằng tiếng Pháp từ năm 1995. Ngoài mười cuốn tiểu thuyết và một tập truyện ngắn (chín trong đó đã được dịch ở Việt Nam), ông còn viết kịch, phê bình và tiểu luận, với bốn tập tiểu luận về văn học viết trực tiếp bằng tiếng Pháp đều đã dịch sang tiếng Việt.
Các tác phẩm của Kundera đã xuất bản bằng tiếng Việt:
Tiểu thuyết, tập truyện ngắn:
– Cuộc sống không ở đây (Cao Việt Dũng dịch)
– Những mối tình nực cười (Cao Việt Dũng dịch)
– Điệu van giã từ (Cao Việt Dũng dịch)
– Đời nhẹ khôn kham (Trịnh Y Thư dịch)
– Sự bất tử (Ngân Xuyên dịch)
– Chậm (Ngân Xuyên dịch)
– Căn cước (Ngân Xuyên dịch)
– Vô tri (Cao Việt Dũng dịch)
– Lễ hội của vô nghĩa (Nguyên Ngọc dịch)
Tiểu luận:
– Nghệ thuật tiểu thuyết (Nguyên Ngọc dịch)
– Những di chúc bị phản bội (Nguyên Ngọc dịch)
– Màn (Cao Việt Dũng dịch)
– Một cuộc gặp gỡ (Nguyên Ngọc dịch)
Sinh viên Việt Nam