Cuốn sách của Luc Ferry giúp người đọc khám phá tầm nhìn đạo đức và triết học đối với vấn đề tương lai con người ngày sau sẽ ra sao, khi khả năng trở thành siêu nhân bất tử đang rộng mở hơn bao giờ hết.
Có một câu nói đùa rằng "cuộc sống là một căn bệnh truyền nhiễm, nó lây qua đường tình dục, làm người ta già đi, khiến người ta mệt mỏi ốm yếu và chắc chắn dẫn đến tử vong".
Dù chỉ là một câu nói đùa, nhưng nó mang trong mình nhiều thông điệp, đó là nhắc đến sự ám ảnh của con người với cái chết sinh học, một cái chết không tránh khỏi, sự ám ảnh mà phần lớn nhà văn, triết gia, nhà thơ, nhà tư tưởng, hoặc có ý thức hoặc vô thức, đã xây dựng những ý niệm vĩ đại của mình xung quanh. Lịch sử đã chứng kiến những cá nhân khi đạt được thành tựu cuối cùng, thì bắt đầu tìm cách kháng cự lại thần chết, chống lại tuổi già, hoặc tìm cách trở nên bất tử, và chúng ta thấy những câu chuyện không xa lạ về ông vua tìm thuốc trường sinh bất lão, hay những nhà quý tộc tìm cách hiến tế nô lệ để đổi lấy tuổi thanh xuân.
Không chỉ có những triết gia và nhà văn mới ám ảnh bởi cái chết - thế giới hiện đại đang chứng kiến một cuộc cách mạng mới về sinh học và công nghệ thông tin, với những biên giới công nghệ liên tục bị phá vỡ. Người ta đã có thể giải mã, điều chỉnh và tái lập trình gen, tái tạo mô và tế bào gốc, hay đã xuất hiện những cỗ máy được cho là có trí thông minh tổng quát, và tiềm năng việc điều khiển cỗ máy đó bằng sóng não,... ước mơ bất tử hóa lại một lần nữa đã trở lại trong nhân loại. Khả năng ngăn chặn tuổi già, hoặc thậm chí là trẻ lại, và trở nên bất tử được tin rằng có thể thành hiện thực ngay trong thế kỷ này. Đã có những dự án lớn được thiết kế nhằm cải tiến con người hiện tại về mọi mặt, nhờ sự tiến bộ của sinh học và tin học. Người ta đi từ "chữa trị" con người sang "tăng cường" và thậm chí là "thay thế". Trào lưu này được gọi là cuộc cách mạng siêu nhân hóa hoặc chuyển nhân hóa - transhumanism revolution.
Cuốn sách vừa được xuất bản bằng tiếng Việt vào đầu năm nay. Ảnh: NN
Đây cũng là chủ đề chính của cuốn sách "La Revolution Transhumaniste" của Luc Ferry. Cuốn sách tập trung vào chủ đề siêu nhân hóa/chuyển nhân hóa và những ảnh hưởng đạo đức và triết lý của nó. Tuy nhiên, khác với quan điểm thông thường sẽ ủng hộ hoặc phản đối, tác giả đưa ra một cuộc đối thoại lớn giữa các luồng quan điểm khác nhau, cũng như sự mâu thuẫn nội tại của chính các luồng quan điểm. Để rồi từ đó độc giả sẽ tự tìm ra câu trả lời của chính mình, hoặc ít nhất, có một nền tảng đủ để bắt đầu suy ngẫm.
Cách tiếp cận này có lẽ đến từ chính kinh nghiệm của một lý lịch công việc đồ sộ và phức tạp của tác giả.
Luc Ferry là một nhà triết học, nhà văn, giáo sư đại học và chính trị gia người Pháp. Sinh năm 1951, học triết học và khoa học chính trị tại Đại học Paris, ông được biết đến như một trong những triết gia nổi tiếng nhất của thế kỷ 21, và có nhiều đóng góp cho nền triết học phương Tây hiện đại.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Luc Ferry đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn đến ngành triết học và văn học, gồm "Apprendre à vivre" (được dịch sang tiếng Việt dưới tiêu đề “Học cách sống”), "La Sagesse des Modernes", "Le Nouvel Ordre écologique", "La Révolution de l'amour", "La Pensée 68" và "Le Moment 2008".
Những tác phẩm của Luc Ferry được đánh giá cao về sự thông thái và sâu sắc nhưng ở đó giả luôn tìm cách giải thích những khái niệm triết học phức tạp một cách giản dị và trực quan, giúp cho độc giả dễ dàng tiếp nhận. Với cùng một phong cách, trong cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2016, Luc Ferry đã tạo ra cuộc thảo luận đa chiều về chủ đề siêu nhân hóa, dẫn độc giả đi xuyên qua các ngành, xuyên qua một rừng quan điểm để đi đến một cái nhìn tương đối sáng rõ về chủ đề này.
Ông đặt lên bàn bốn bản báo cáo: “Sự hội tụ của các công nghệ nhằm tăng khả năng của con người: công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và khoa học nhận thức” do người Mỹ viết đầy hào hứng về siêu nhân hóa năm 2002, rồi hạ nhiệt công nghệ bằng một thảo luận đạo đức “Phía sau mục đích trị liệu. Công nghệ sinh học và mưu cầu hạnh phúc” do Ủy ban Đạo đức Hoa Kỳ công bố năm 2003. Tiếp theo là tiếng nói từ châu Âu: “Công nghệ hội tụ, định hình tương lai của các xã hội châu Âu” của một ủy viên hội đồng châu Âu, và cuối cùng là một tiếng nói đầy thận trọng khác: “Cải tiến con người” từ các nhà nghiên cứu của Đức và Hà Lan.
Từ bốn bản báo cáo mà Luc Ferry cho rằng quan trọng nhất với chủ đề transhumanism, ông dẫn dắt chúng ta từng bước tham gia vào cuộc thảo luận về chủ đề này ở bốn khía cạnh: 1. hình mẫu siêu nhân hóa; 2. luận điểm của các phe; 3. triết lý chính trị đằng sau cái được gọi là "nền kinh tế chia sẻ" (như uber hay airbnb đang làm đảo lộn châu Âu vào thời điểm viết cuốn sách); và 4. cái nhìn toàn cảnh về tương lai sinh học của con người.
Trong đó, tác giả giải thích rất chi tiết về những lợi ích mà transhumanism có thể mang lại cho con người, từ khả năng nâng cao trí tuệ đến phát triển về y tế. Tất nhiên, tác giả đã không bỏ qua một số tác động tiêu cực của transhumanism đối với cộng đồng và xã hội. Trong khi nhiều nhà khoa học và nhà triết học khác đã nhấn mạnh rằng transhumanism có thể làm tăng khoảng cách giữa các tầng lớp và tạo ra những bất bình đẳng, phần lớn người theo chủ nghĩa tương lai lại chỉ tập trung vào những lợi ích cá nhân và thiếu nhận thức về hậu quả xã hội của việc phát triển transhumanism. Luc Ferry giúp chúng ta đứng ở giữa, để lắng nghe quan điểm của cả hai phe.
Nhìn chung, luận điểm quan trọng nhất của Luc Ferry là việc chuyển nhân hóa có thể rất phức tạp và gây ảnh hưởng lên chúng ta rất nhiều, chứ không chỉ đơn giản là chia phe, phe siêu nhân hóa và phe chống siêu nhân hóa. Một phe tin rằng cứ tiến bộ công nghệ thì sẽ thúc đẩy cuộc sống tốt đẹp hơn, ảo tưởng về sức mạnh toàn năng của công nghệ để cho rằng mọi điều siêu tự do cuồng công nghệ rồi sẽ thành hiện thực. Phe còn lại lại có thể nhân danh “bản chất con người” để cực đoan bóp nghẹt những cải thiện giúp loài người có thêm lựa chọn chạy trốn khổ đau và cái chết.
Với một chủ đề mới và mang tính liên ngành cao như siêu nhân hóa, cuốn sách mỏng không tránh khỏi những hạn chế và không thể đáp ứng mọi yêu cầu của độc giả. Một số sự kiện trong cuốn sách không tác động nhiều như tác giả dự đoán, như sự bùng nổ của nền kinh tế chia sẻ; đồng thời, một số sự kiện khác lại trở nên đáng quan tâm hơn, ví dụ sự ra đời và phát triển đáng kinh ngạc của hệ trí tuệ nhân tạo tổng quát. Cuốn sách cũng được viết trước khi COVID giáng một đòn mạnh lên châu Âu và thế giới, đẩy thế giới vào thời đại VUCA, nơi nhiều vấn đề như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh ngay trong lòng châu Âu,... sẽ được ưu tiên và thu hút sự chú ý hơn là vấn đề cải tạo nhân loại. Nhưng không thể phủ nhận rằng "La Revolution Transhumaniste" là một cuốn sách quan trọng và đáng đọc đối với những ai quan tâm đến chủ đề con người của tương lai.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề này, muốn tìm hiểu về việc "nâng cấp" con người theo nghĩa đen nhất của từ này, đây là một cuốn sách xứng đáng để bắt đầu.
Đã đến lúc chúng ta cần biết sớm nhân loại chuẩn bị gì cho cái chết của cái chết sinh học.
Đinh Trần Tuấn Linh (Khoa học và Phát triển)