Ngọc Giao

Ngọc Giao

Ngọc Giao (1911-1997), tên thật là Nguyễn Huy Giao; là nhà văn Việt Nam, và từng là Thư ký tòa soạn của báo Tiểu thuyết thứ Bảy.

Ngọc Giao bắt đầu nghiệp văn vào những ngày khởi đầu giai đoạn 1930 - 1945, một trong những giai đoạn đạt tới thành công đỉnh cao trong lịch sử văn chương nước nhà. Thời kỳ này, tờ báo văn chương có uy tín bậc nhất là tuần báo Tiểu thuyết Thứ bảy (TTTB), quy tụ những cây bút được bạn đọc đương thời rất mến mộ, nhiều người sau này đã được lịch sử văn học ghi nhận là những tác gia tiêu biểu của nền văn chương Việt Nam hiện đại. Ngọc Giao là tác giả trụ cột của TTTB, ông vừa là Thư ký toà soạn, vừa là nhà văn thường xuyên có tác phẩm đăng trên chuyên mục Truyện ngắn. Hầu như tuần nào ông cũng viết được một truyện ngắn. Ðó là chưa kể, ông còn có nhiều tác phẩm đăng trên các báo khác, như Ngọ báo, Tao đàn,  Tri tân, Phổ thông...

Ngọc Giao còn viết tiểu thuyết, như các tiểu thuyết Cơn gió bấc (nxb Tân Dân xuất bản năm 1938), Ðất (nxb Cây Thông xuất bản năm 1940)... Nêu một vài thông tin như vậy để thấy sức sáng tạo của Ngọc Giao dồi dào đến ngần nào! Và đáng nói hơn, Ngọc Giao đã nhanh chóng trở thành một nhà văn được bạn đọc yêu mến, bởi một giọng văn trữ tình, tinh tế và bởi văn ông chứa đựng những xúc cảm nhân bản sâu lắng. Sau rất nhiều năm kể từ khi những tác phẩm của Ngọc Giao ra đời, đến nay đọc lại, chúng ta vẫn thấy bồi hồi thương cảm những phận người nơi một cái ga xép chơ vơ giữa cánh đồng và trong dăm bảy cái lều là những người nhà quê sống như cỏ cây (truyện Ga xép). Những truyện Phấn hương, Tết cô đầu, Kim Dung, đến nay vẫn khiến chúng ta xót xa cho những kiếp nghệ sĩ nghèo, những đào nương, kép hát trong cảnh sống cô đơn, tàn tạ buổi cuối đời. Những cảnh đời được lột tả sắc nét đến trần trụi trong Ra tỉnh, Xóm nghèo ăn Tết chó, còn khiến chúng ta đau lòng... Ðể đánh giá tài năng văn chương cũng như vị trí của nhà văn Ngọc Giao trong giai đoạn văn học 1930 - 1945, chúng tôi rất đồng cảm với nhà văn Phong Lê khi ông nhận định: 'Phấn hương (Tân Dân xuất bản 1939) và Cô gái làng Sơn Hạ  (Tân Dân xuất bản 1942) là hai tập truyện đủ đưa Ngọc Giao vào hàng ngũ thành danh trước năm 1945, giống như Thạch Lam với Gió đầu mùa, Nắng trong vườn; Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời; Thanh Tịnh với Quê mẹ; Hồ Dzếnh với Chân trời cũ; Bùi Hiển với Nằm vạ; Tô Hoài với O chuột, Nhà nghèo...' - (Tạp chí Kiến thức ngày nay số 472).