Linda Lê: vết cắn của ngôn từ

Thứ Năm, 28/09/2023

Một người đàn ông nọ mê sách, mà không chỉ mê, anh còn buông thả mình trong sách. Một hôm, khi anh đang đọc sách, đến một câu có từ "sách", từ ấy bỗng nhiên nhảy vọt lên từ trang giấy và cắn vào cổ anh. Anh tin mình "bị cắn bởi một từ".

 

Không bao lâu sau, bạn bè hay tin anh tự sát, và trong di thư của mình, anh kể lại những ngày sau khi bị ngôn từ cắn, anh thấy mình cũng hóa thành từ ngữ, nó chiếm hữu anh và chinh phục anh, để đến mức anh không dám viết cả những từ cơ bản nhất như "cái chết", "sự sống", "niềm đam mê", vì chúng rung chuyển hồn xác thân tâm anh. Cuối cùng, anh thấy mình đã biến thành Kinh Sách và tự thiêu đốt bản thân bằng lửa.

linda lê.jpg -0
 

Đó là truyện ngắn “Vết cắn” của nhà văn Linda Lê, một truyện ngắn mà ở đó ngôn từ trở thành một kiểu virus chiếm đóng vật chủ hay một loài ma cà rồng hút máu; ngôn từ có nọc độc, có thần chú, có thuật thôi miên; ngôn từ giống như là rắn.

Không phải văn chương nào cũng có nọc độc hổ mang như vậy. Có những thứ văn chương gầm rống oai nghiêm như sư tử, có những thứ văn chương thoăn thoắt duyên dáng và cũng hiền lành như linh dương, có thứ văn chương chỉ đồ sộ khổng lồ mà không nguy hiểm như cá voi, nhưng cũng có thứ văn chương len lỏi trong những bụi rậm tối tăm như rắn, thứ văn chương ấy luôn sẵn sàng cắn phập những chiếc răng nanh nhọn hoắt đâm vào tâm trí ta, làm ta tê liệt, làm ta ngộp thở, như muốn lấy mạng ta. Văn chương của Linda Lê cầm tinh loài rắn.

 Tập truyện ngắn “Lại chơi với lửa”, một trong số các tác phẩm của Linda Lê được xuất bản ở Việt Nam

Chuyện đời Linda Lê, người ta đã nói nhiều rồi. Một nhà văn không hẳn là một người Việt Nam và cũng không hẳn là một người Pháp. "Một kẻ vô xứ", hay "những cô hồn" với "gốc rễ chúng tôi bập bềnh mặt nước" như bà viết trong những cuốn tiểu thuyết của mình. Một người không muốn bị vướng víu bởi những đứa con và sợ dòng sữa từ mình mang nhiều mật đắng và vì thế, chọn cách cô độc. Một người bị ám ảnh về một người cha nào đó đã bị vợ và con gái bỏ lại ở Sài Gòn, đôi khi ám ảnh đến mức trong truyện vừa “Tiếng nói”, nhân vật tôi đã thấy người cha trong vải liệm bốc cháy cùng tiếng nói mơ hồ: "Mày đã giết cha".

Một con người như thế, còn giải pháp nào khác hơn là viết văn? Dù là viết văn bằng thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ, mà bà tự so sánh là "viết trong một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ của mình, chẳng khác nào làm tình với một thây ma". Một thây ma thì ta vật lộn với nó đến mức nào nó cũng chỉ trơ trơ ra đó thế thôi. Linda Lê làm đủ thứ với tiếng Pháp - bà trút giận vào nó, xả cảm vào nó, trù yểm bằng nó, than vãn với nó, tạo nên những trận cuồng phong từ nó - bà thường để các nhân vật của mình tự thoại, có khi đến chết rồi họ vẫn còn đang liến thoắng nói, họ nói rất nhiều nhưng rốt cuộc vẫn không tìm được lối thông nào thoát ra khỏi ngõ cụt.

nha-nam-9433-73863-1-zoom.jpg -0
 

Việc lão luyện thứ ngôn ngữ ngoại quốc không khiến họ trở thành một phần của nước Pháp. Trong tiểu thuyết “Sóng ngầm, Văn từ một người nhập cư trở thành một biên tập viên sách. Tiếng Pháp của anh còn cự phách hơn người bản địa. Nếu chỉ xét về tiếng thôi thì anh Pháp hơn cả Pháp, không dùng từ pha tạp, không lạm dụng tiếng Anh, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Pháp, anh mê say kinh điển và khinh nhờn những thể loại truyện ma cà rồng xác sống ba xu. Nhưng trong mắt mẹ vợ, anh cũng chẳng là gì ngoài một tấm giẻ lau không thể nào lẫn lộn cùng khăn rửa mặt, tệ hơn, một con "khỉ của thế giới thứ ba" trà trộn làm ô uế sự thuần chủng của dòng tộc nhà bà, và rồi dân tộc Europeoid chẳng chóng thì chầy cũng sẽ bị đám này quét sạch như người da đỏ ở châu Mỹ ngày xưa. Nghĩa là viết đến mấy thì cũng là kẻ không thuộc về đâu thôi. Nhưng vẫn cứ còn cách nào đâu ngoài viết.

Còn trong tiểu thuyết “Vu khống”, một cô gái bị gọi là dân "Chà Chệt" (Chà: người Ấn, Chệt: người Hoa), hậu duệ của một gia đình có ông cụ cố mất trí bị xích trong chuồng như một con quái thú, lại nuôi tham vọng viết văn bằng tiếng Pháp. Ông cậu của cô, kẻ giả khùng giả điên bị gia đình tống khứ sang một nhà thương điên vùng Corrèze thì được một thầy tu dạy cho tiếng Pháp, và kể từ đó chìm đắm trong sách vở như một liệu pháp an thần. Song, khi điên đã nằm trong máu thì chữ nghĩa làm gì nổi, những cơn điên vẫn vô phương cứu chữa.

Vậy mà bất luận thế nào, Linda Lê vẫn ít nghiệt ngã hơn cả khi bà viết về ngôn từ. Bà có thể nghiệt ngã với mọi thứ, nhưng đôi khi nương tay với ngôn từ.

Bà nói về văn chương như những vì sao xa xôi đang nhấp nháy, bà nói về nàng Ophelia của Shakespeare, AQ của Lỗ Tấn, Salomé của Kinh Tân Ước, Molloy của Beckett, Philoctetes của Sophocles như những chòm sao trong một dải thiên hà. Đứa con gái tuổi dậy thì ương bướng của Văn mỗi khi nhớ về người cha bị mẹ mình cán chết là cô liền nhớ về vở “Wozzeck” mà cha cho cô đọc, nhớ những tập thơ Lý Bạch và tiểu thuyết của Kenzaburo Oe trên giá sách của ông, những lần ông đọc cô nghe dòng văn của Roberto Bolano hay rủ cô đi xem kịch Chekhov. Sách vở là một sợi dây liên lạc của tình yêu. Khi Văn và người vợ không thể đọc chung một thứ sách thì họ không thể yêu nhau nữa. Còn với cô em gái cùng cha khác mẹ từ quá khứ bước ra, anh si đắm cô đâu phải chỉ vì hấp lực của dòng máu thất lạc, đâu phải chỉ vì cả hai đều là những kẻ ngoại cuộc không biết quê hương, mà có lẽ còn vì họ có thể ngồi trong một quán cafe bên nhau đọc một tập thơ cả hai cùng yêu thích.

 "Linda Lê có mái tóc dài, trán cao, đôi mắt to, môi gợi cảm, nhưng toàn thể khuôn mặt toát ra một sự lạnh lẽo hoài nghi. Cái nhìn của cô khiến người ta phải lùi ra xa hơn là bước lại gần", theo Nguyễn Xuân Hoàng, người viết lời bạt cho bản dịch truyện Tiếng Nói của Linda Lê

Sách vở không phải là thành luỹ kiên cố nhất, thành luỹ ấy cũng bị kéo sập khi những bóng ma quá khứ quay về đòi nhận mặt, nhưng ít ra, nó đã từng là nơi nương trú cho những nhân vật của bà, hay, cho chính bà. Ngay cả khi ngôn từ trở nên hung hiểm và tỏa ra mùi tử khí thì nó cũng là một nấm mồ yên nghỉ mà ta không thể nào bất mãn. Người đàn ông bị sách cắn chết trong “Vết cắn” không phải kẻ duy nhất bỏ mạng trong huyệt chữ nghĩa. Người đàn ông điên trong “Vu khống” cũng chết chung cùng đống sách của mình. Trong Người khách, một nhà văn chết đi rồi vẫn chưa thể siêu thoát, linh hồn ông vẫn còn vẩn vơ tìm cách nhắc cho người sống nhớ về một bản thảo ông đã viết ra nhưng không thể lưu hành. Trong Ngày Bonel gặp người viết điếu văn cho mình, một nhà phê bình và một nhà văn chết cùng lúc vì một bí ẩn văn chương không ai biết.

Tuy nói rằng không thuộc về đâu cả, nhưng có lẽ Linda Lê cũng có một quê hương - là ngôn từ, là văn chương, là những thứ có thể được viết ra bằng con chữ. Bà từng trích một câu văn rất nổi tiếng trong cuốn “Cọ hoang” của William Faulkner trong tác phẩm của mình: "Giữa hư vô và khổ não, tôi chọn khổ não". Người ta có thể lựa chọn không viết gì cả để được yên thân, vì viết là tự vạch trần khổ não và bới tung khổ não, người ta có thể cứ thế mà sống, như cô cháu gái trong “Vu khống” tốt nhất là nên chôn sâu giấu chặt nguồn cội, làm lơ quá khứ đi mà sống an phận. Nhưng cô không muốn thế. Linda Lê không muốn thế. Vì thèm muốn một nỗi đau mà người ta viết.

Linda Lê qua đời đột ngột khi còn chưa sang tuổi 60. Báo chí Pháp không đưa tin vì sao bà mất. Bà cũng bị một từ ngữ nào đó cắn lấy cổ mình và biến bà thành chính nó ư? Hay bà giống như nhà văn chết hoàn toàn cô độc như trong truyện “Con ruồi”, rộng lòng cho một con ruồi bị xua đuổi vào sống chung, coi nó như một Nàng Thơ, để rồi bầy đàn Nàng Thơ rủ nhau đến và cướp đi không gian nơi bà choán lấy? Và cũng có thể bà đã chỉ như người phụ nữ trong một câu chuyện khác của bà, không chịu nổi nữa nên bước ra khỏi khung hình, và nếu bị hỏi đang đi đâu, nàng sẽ muốn trả lời "Đi vào chính em", nhưng rồi chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ lao ra ngoài biến mất.

Nhưng dù thế nào, hãy nghĩ rằng cả khi chết đi rồi Linda Lê cũng vẫn viết. Chẳng phải bà có cả nhân vật người chết viết văn? Có lẽ bà sẽ trần tình minh định một điều gì đó, cũng có thể lại nguyền rủa một điều gì đó, cũng có thể lại phun nọc độc. Sao cũng được, dẫu sao như bà đã nói, chết cũng không đau khổ bằng không thể viết văn.

 

Hiền Trang (Báo Công an nhân dân)